Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

Lọng cọng (4)



1.
Lâu rồi, tôi hầu như ít kể chuyện buồn vui của riêng mình, chỉ post vu vơ. Giữa cái thế giới blog rộng lớn muôn màu, blog của tôi đơn thuần chỉ là nhật ký cá nhân. Trước là có một chỗ trên mạng để chui ra chui vô, sau là giải tỏa chút xì-trét tình cảm. Vui là chính, kể lể là mười. Tôi không dám lạm bàn chuyện quốc sự to tát cũng không chỉ được cho ai cái bí quyết nào hay ho về ăn uống học hành coi phim đọc sách hay đi chơi. Từ khi lỡ sa chân vô con đường nghiện ngập viết blog này, phải thú thiệt có đôi lúc mình cũng hám danh. Khoái có nhiều người biết tới, nhưng để làm gì thì cũng không biết để làm gì? :)). Đến lúc nhận ra blog của mình mà mình không muốn bày tỏ cái tôi của mình thì tự nhiên thấy lãng xẹt. Không dám nói điều mình muốn nói, đó chẳng phải là tôi nữa :p. Vậy nên, vào một buổi tối mưa gió như bữa nay, tôi nghĩ lại: tôi nên là chính tôi. Lâu lâu post bậy bạ một vài chuyện linh tinh, lọng cọng, rời rạc cho nó dzui nhà dzui cửa :))

2.
Bạn tôi đã nói mà: hễ phước thì bất trùng lai nhưng mà họa thì vô đơn chí. Quả thiệt, tôi đã để ý những chuyện xảy đến với mình bữa giờ. Chuyện vui đếm trên đầu ngón tay nhưng chuyện buồn thì bụm cả hai tay vẫn còn tràn. Nhiều khi không tin nổi mình đang sống cuộc sống của mình. Thản nhiên đối mặt với những vấn đề của mình. Thậm chí tôi còn thờ ơ với cái hiện tại buồn nhiều hơn vui của mình nữa. Cũng có khi buồn quá buồn, muốn viết cái gì đó mà thấy ngại ngại. Sợ có người buồn lây. Sợ có người thương hại. Sợ có người kêu mình phải mạnh mẽ lên. Sợ có người lại chán mình. Sợ tùm lum và vô lý vậy đó. (xin đọc lại số 1) :D

3.
Bữa nay mới lãnh lương tháng ba, như mọi khi, lòng tôi buồn vô hạn...

4.
Kế hoạch làm quán cafe bị chựng lại. Một phần do chuyện gia đình chị Th., nhà đầu tư chính. Một phần do tôi, sau một thời gian tìm hiểu về ma trận quán cafe ở Sài Gòn. Tự dưng thấy chùn bước. Mới đầu bàn bạc thấy ham. Nhưng ham thì ham thiệt, đến lúc bắt tay vô làm thì thấy không hề đơn giản. Vạn sự khởi đầu nan, gian nan bắt đầu nản. Bởi dzậy, thằng em tôi nói đúng, tôi bây giờ khác xưa quá. Chưa ra trận cứ hay tìm cớ thoái lui... Thiệt chán!

5.
Từ bữa đi làm răng dzìa, tôi đâm ra hơi lọng cọng và mất tự tin nha. Tôi hay đè mấy bạn ở nhà và mấy bạn đồng nghiệp ra hỏi rằng có ai nghe thấy tôi nói bị đớt đớt hôn? Hầu hết mọi người nói là không! Chỉ có má tôi nói lâu lâu nghe mày phát âm hổng có chuẩn!? Và một cô nha sĩ. Cô nha sĩ này có cái phòng khám nha khoa rất là đông khách ở gần nhà tôi. Cô trố mặt ngạc nhiên khi thấy tôi có cái cục u u ở dưới vòm họng quá ư là lớn. Cô soi tới soi lui, hỏi tôi sao để nó bự dzữ dzậy em? Tôi nào có biết vì sao nên lắc đầu ý nói hổng biết. Cổ hỏi tôi em ăn uống bình thường hả? Tôi trả lời: dạ, bình thường. Cổ kêu đâu có bình thường đâu, em nói chuyện bị đớt kìa. Tôi lại lắc đầu: đâu có đớt, nào giờ em vẫn nói chuyện bình thường mà. Cổ nói: không, cô nghe đớt rõ ràng mà. Thôi, tôi im. Hơi sức nào cãi bác sĩ chuyên môn. Cương mắc công cổ đưa tôi đi gặp bác sĩ Cường nữa :p. Lúc dzìa, cổ kêu tôi nếu em có muốn mổ cắt bỏ cái cục u u đó thì ghé bệnh viên cô mổ dùm cho, ban ngày cô làm ở bệnh viện này này nè... Thiệt rầu!

6.
Có một dạo cũng gần đây thôi, cứ liên tục nghe tin tốt lành từ bạn bè và nhiều người xung quanh, tôi đâm ra hơi quạu. Đúng ra là có chút đố kỵ ganh ghét. Người thì có bầu, người sinh con, người mua đất, người xây nhà, người trúng số, người xuất ngoại, người có số đào hoa chiếu mệnh... Sao thấy ai cũng xuôi chèo mát mái, lên như diều gặp gió, mà mình chờ hoài cũng không hề thấy kỳ tích gì xuất hiện. Cũng may là trạng thái đó kéo dài không có lâu lắm bởi ngày nào tôi cũng đi Lễ nhà thờ. Tôi nhanh chóng tự cân bằng lại, còn tự cười mình nhỏ mọn thiển cận. Bỏ tật đố kỵ đó luôn. Thiệt may!

7.
Cả năm nay rồi, ra khỏi công ty là tôi đi có một con đường một, băng qua trung tâm Sài Gòn về nhà mình. Nào giờ vẫn nghĩ nó là con đường ngắn nhất nhanh nhất. Nhưng không phải. Một ngày đẹp trời mới đây, tôi phát hiện một con đường khác rộng hơn, sáng hơn, thoáng hơn, ngắn hơn, đẹp hơn. Đó là đại lộ Võ Văn Kiệt hay còn gọi là đại lộ Đông Tây. Sông nước hữu tình. Gió mát lồng lộng. Mỗi chiều tôi đều mong tới giờ về để chạy một mạch trên con đường này. Thiệt khoái!

8.
Chỉ còn một thứ quý giá nhất trên đời mà tôi may mắn có được thì hiện thời tôi chưa muốn khoe đâu :))

9.
Cứ từ từ!


Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

Hũ mắm

Bạn Q đã rất kiên nhẫn với tôi. Hôm qua, đi cafe sáng, tôi muốn nói rõ với bạn rằng tôi không muốn hợp tác với bạn. Tôi đã nói đủ thứ chuyện để kết luận với bạn rằng có những người dòm thấy dzậy mà hổng phải dzậy đâu. Như tôi chẳng hạn. Bạn Q cười lớn rồi phán một câu rằng: em nói thiệt chị, trong nhà ai cũng có một hũ mắm hết, quan trọng là người ta làm thế nào che đậy bưng bít cho nó đừng có bốc mùi tùm lum, ảnh hưởng lối xóm xung quanh thôi... Bạn kết luận câu đó cũng đúng, nên tôi im re, dựa cột ngồi nghe luôn. Tôi đành thú thiệt với bạn là tôi đang hết sức tự ti, tôi chưa lấy lại phong độ, tôi lười, tôi nản, tôi luôn ở tâm trạng sợ sợ, chưa ra trận mà chỉ muốn thoái lui thôi. Bạn Q trước sau gì cũng hổng chịu tin những lời tôi thoái thác. Trước đó và đến tận bây giờ, bạn vẫn không ngừng dội bom tôi bằng những cú điện thoại và tin nhắn, suốt cả ngày. Chị ơi, chị à, bữa nay chị sao rồi, chị ổn chưa, chị phải tin em, em nể chị lắm, chị làm dzậy là hay lắm rồi, chị làm được mà, chị phải vượt qua chính mình, mạnh mẽ lên chị, v.v và v.v... Cuối cùng, sáng qua, tôi đã nhìn bạn đắm đuối mà nói rằng: hoặc là sau này chị sẽ rất biết ơn em vì những lời của em nói bữa nay hoặc, chị sẽ không ngừng oán trách em, em nhớ đó.

Hehe, tội nghiệp thằng nhỏ, nó kêu mình đi theo nó kiếm tiền mà mình cứ làm như nó sắp dẫn mình xuống đoạn đầu đài dzậy. Thiệt tình... :))

phải ráng thôi X!!
bao giờ cho đến ngày xưa :p (Đà Lạt - 2/2006)



Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2012

Lọng cọng (3)

♥ Trái tim nói: "Nếu bạn yêu một người, hãy để anh ấy đi. Nếu anh ấy quay trở lại, anh ấy là của bạn mãi mãi"

♥ Lý trí đáp: "Nếu tôi yêu một ai đó và để anh ấy đi, kể cả anh ấy có quay trở lại, nó chẳng có ý nghĩa gì cả. Cứ như thế, anh ấy luôn có thể bỏ tôi lần nữa và nếu anh ấy thật sự yêu tôi, anh ấy đã không nên bỏ tôi ngay từ lần đầu tiên"


Vậy trái tim đúng hay lý trí đã sai?



(st)

Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2012

Quá đáng :D


Một gã keo kiệt đến khám bệnh xem mình có bị tiểu đường không. Sau khi khám, bác sĩ yêu cầu anh ta ngày mai mang nước tiểu đến để kiểm tra.
Sáng hôm sau, anh chàng mang đến cả một can năm lít đầy. Bác sĩ rất ngạc nhiên vì thấy quá nhiều, nhưng cũng tặc lưỡi kiểm tra. Kết quả cho thấy, nước tiểu trong can nhựa không có dấu hiệu của bệnh tiểu đường.
Sau khi biết kết quả, trong lúc bác sĩ đang ghi sổ, gã keo kiệt nói:
- Cảm phiền bác sĩ cho tôi gọi điện thoại nhờ về nhà có được không?
- Không sao, xin mời anh cứ tự nhiên!
- Alô! Em đấy à! Yên tâm đi nhé, anh không bị tiểu đường, cả em, cả ông bà nội và các con chúng ta không ai bị cả.

 


Hiệu trường cùng đoàn công tác đến một nông trại nuôi heo. Vì muốn cho thấy sự thân thiện của ông, đồng thời cũng để chụp ảnh làm tư liệu cho trường, ông đã được chụp một bức ảnh cùng bầy heo của trang trại.
Nhưng khi đăng bài thì ban biên tập không biết phải chú thích bức ảnh này ra sao, nào là "Hiệu trưởng và bầy heo" thì nghe kì quá, nào là "Chuyến công tác của hiệu trưởng đến trang trại heo" thấy cũng không hay.
Cuối cùng mọi người cùng đồng ý với chú thích của một anh phóng viên: "Đứng thứ 3 từ phải đếm qua - hiệu trường trường chúng ta".

 


Trên tàu hỏa, một người mẹ trẻ cho con bú nhưng đứa bé cứ nằng nặc khóc, không chịu bú sữa. Bà mẹ trẻ kiên nhẫn dỗ đứa bé:
- Bú đi nào, không mẹ cho chú kia bú bây giờ.
Bà mẹ dỗ ba lần liền như vậy, mà đứa trẻ vẫn không chịu bú. Đến lúc này, cậu thanh niên trẻ ngồi đối diện mới rụt rè lên tiếng:
- Chị nói cháu quyết định nhanh lên, tôi chờ. Tàu đã chạy quá năm ga rồi chị.

 

(st)
Chúc mọi người cuối tuần dzui dzẻ!


Yêu nhau đi (2)


Vừa tốt nghiệp phổ thông, đám bạn tôi xôn xao khi nhận được thiệp cưới của con Ngọc. Nó sánh duyên cùng một ông Đài Loan lạ hoắc. Thời những năm chín mươi đó, phong trào lấy chồng Đài Loan đang rầm rộ. Nhưng, chồng con Ngọc không phải là một ông già đui què sứt mẻ mà là một doanh nhân Đài Loan phong độ, giàu có đàng hoàng. Con Ngọc nói nó quen ảnh khi đi học lớp tiếng Hoa ở trong quận năm, được bạn bè giới thiệu.

Đám cưới con Ngọc được đãi ở nhà hàng Maxim trên đường Đồng Khởi khá hoành tráng. Đám bạn háo hức đi mừng con Ngọc vui duyên mới, vui thì vui lắm nhưng phải nói rằng hầu hết đều ngỡ ngàng. Hoặc tò mò. Vì nhiều lý do. Con Ngọc còn quá trẻ, mới hai chục tuổi đầu. Chồng con Ngọc dòm cũng không có già lắm nhưng lớn gần gấp đôi tuổi nó. Con Ngọc đã có người yêu là thằng Dương, bấy lâu nay hai đứa nó vẫn như hình với bóng. Không biết thằng Dương có đi đám cưới?

Thằng Dương là bạn học cùng trường khác lớp với tụi tôi. Thằng Dương tả theo nghĩa đen đúng nghĩa là một đứa đẹp trai, con nhà giàu, học giỏi. Con Ngọc bạn tôi cũng đẹp gái, lanh lợi, giỏi giang không kém gì. Ai cũng biết hai đứa nó quen nhau đã lâu. Không ai biết bữa đó thằng Dương đi uống rượu giải sầu ở đâu...

Con Ngọc theo chồng về Đài Loan ở được mấy tháng thì về nước. Im thin thít, lặn mất tăm.

Mấy năm sau, ở quán cafe góc đường Lý Chính Thắng - Huỳnh Tịnh Của, con Ngọc kể cho tôi nguyên do vì sao nó bỏ của chạy lấy người. Nó không hề bị bạo hành. Cũng không phải vì cực khổ thiếu thốn. Đơn giản chỉ vì cảm giác lạc lõng giữa xứ người. Và, nó ghét cái cảm giác làm một con búp bê trong lồng kính, ăn thứ người khác nấu cho nó ăn, mặc cái người khác thích cho nó mặc... Con Ngọc lúc đó tuổi mới đôi mươi, mạnh mẽ cự tuyệt với lối sống đó. Anh chồng Đài Loan đã làm hết sức để dỗ dành nó. Thậm chí là mời ba má nó sang đó ở một thời gian để khuyên con gái. Nhưng nó đã quyết, và không ai làm nó lay chuyển được. Nó ra đi tay không.

Con Ngọc đã tự mình vượt qua khoảng thời gian khó khăn nhất của cuộc đời nó. Đối diện với hàng bao nhiêu ánh nhìn xoi mói của người khác. Làm lại từ đầu. Đi học. Đi làm. Mạnh mẽ sống cuộc sống của riêng nó. Và không ai khác, chính thằng Dương là chỗ dựa tinh thần duy nhất của nó trong suốt thời gian đó.

Dĩ nhiên là rất lâu sau, khi lại công khai yêu nhau, con Ngọc vấp phải sự phản đối quyết liệt của gia đình thằng Dương. Miệng lưỡi thế gian mà. Con Ngọc khổ tâm muốn chết. Nhưng thằng Dương thì khác, nó đủ bản lĩnh và thông minh để hai đứa nó cùng nhau lập kế hoạch chinh phục nhà trai. Một kế hoạch bài bản chi tiết, tôi nghe còn phải nể phục, khiến cho cả nhà thằng Dương từ trên xuống dưới sau đó đều yêu mến và quyến luyến con Ngọc. Đám cưới thằng Dương con Ngọc vui đến nỗi trừ những người bạn thân nhất, không ai biết rằng hai đứa nó đã trải qua biết bao nỗi gian truân thử thách, có lúc tưởng chừng không vượt qua được.

Nhưng, cái sự đời nó đâu có yên ả...

Chuyện là thằng Dương từ trước đó đã định cư ở Mỹ nên đi đi về về một năm vài lần. Con Ngọc trong thời gian bầu bì sinh con cũng chỉ có một thân một mình. Năm đó, thằng Dương về thăm mẹ con con Ngọc nhưng không biết làm sao mà để con Ngọc giận ghê gớm. Con Ngọc phen đó nhất quyết đòi chia tay. Nó hầu như cắt đứt mọi liên lạc với thằng Dương.

Con Ngọc sau này đã thổ lộ với tôi rằng đó cũng là giai đoạn khủng khiếp nhất đối với nó. Tưởng chừng nó có thể phát bệnh tâm thần phân liệt. Hai năm chứ ít gì. Đêm nào cũng khóc. Suy sụp. Chán ghét mọi thứ. Lánh mặt mọi người. Thậm chí nó đi ngoài đường thấy vợ chồng con cái người ta chở nhau nó cũng ghét. Gặp bạn bè kể chuyện gia đình chồng con là nó quay phắt đi... Cuối cùng, suy nghĩ thấu đáo, vì mình, vì con và vì bố mẹ, con Ngọc biết nó không thể tự hủy hoại mình.

May thay, sau đó thằng Dương biết lỗi của mình nên hạ mình hết cỡ để năn nỉ, mong con Ngọc tha thứ. Không tiếp cận được mẹ con con Ngọc, thằng Dương chơi chiêu cũ, quay qua o bế nhạc phụ nhạc mẫu...

Thế rồi, nước chảy đá mòn, con Ngọc cũng bỏ qua cho thằng Dương.

Bây giờ, con Ngọc thằng Dương và hai quý tử đang định cư ở Mỹ. Hai đứa đang có một tổ ấm mà biết bao người đang ngưỡng mộ. Tôi cũng ngưỡng mộ bởi biết hai đứa nó xứng đáng hưởng hạnh phúc. Hai đứa nó đã đủ trải nghiệm, đủ tỉnh táo và đủ bản lĩnh để nhận ra điều gì là quý giá nhất trên đời này. Một trong những câu nói bất hủ của con Ngọc dành cho tôi: "mình cứ cố gắng phía mình trước, mọi chuyện sẽ theo chiều hướng tốt đẹp... còn nếu không thì coi như hai ông này (tức là chồng của hai đứa tôi đó) là hai kẻ khờ dại, có vợ quý mà không biết giữ ha!?" Con Ngọc trước sau luôn khẳng định nó với tôi là hai con vợ quý. Tôi tin.


 .

*tên nhân vật đã được thay đổi :)


Thứ Năm, 19 tháng 4, 2012

Đi



"Hãy đi đến tận cùng của sự tuyệt vọng để thấy 
sự tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa...".

Cơ hội của sự chối từ

Bạn ao ước tham gia đội bóng, nhưng đội trưởng lại nghĩ khác. Đầu tiên cậu ta lựa chọn những người bạn thân nhất, sau đó là những người có khả năng ghi bàn. Và danh sách cuối cùng không có bạn.

Bạn thấy mình hoàn toàn có khả năng tham gia đội văn nghệ. Cả lớp bầu chọn mãi, cũng tuyển được những "nghệ sĩ" đại diện cho lớp. Nhưng cuối cùng bạn đành ngậm ngùi làm khán giả.

Nếu bạn không có năng lực, chúng ta sẽ nói về sự công bằng. Còn ở đây, bạn có năng lực, nhưng người ta vẫn có thể từ chối bạn, viện dẫn hàng tá lý do: dáng vẻ bên ngoài, sự giàu nghèo, tôn giáo, đôi khi cả giới tính cũng bị đưa lên bàn cân. Cảm giác bị cô lập, lòng tự trọng bị tổn thương, tự dằn vặt mình có thể làm trái tim bạn tan nát, thế giới như sụp đổ. Và có rất nhiều, rất nhiều người quá yếu đuối đã không thể vượt qua được một lần bị bỏ rơi.

Thế nhưng không phải sự chối từ nào cũng tệ hại. Một sự từ chối cũng có nghĩa là thêm một cơ hội mới cho bạn khám phá. Khi bạn lớn lên và đi xin việc, sự từ chối có thể giúp bạn tiếp cận với những cơ hội lớn hơn trong đời mình. Một lời từ chối ở nơi này chính là con đường đưa bạn đến với một vị trí cao hơn ở một nơi khác tốt hơn. Bạn có bao giờ nghĩ thế không ?

Sự chối từ còn cho phép bạn tự khám phá chính bản thân mình, cho phép mình nhận ra mình cứng cỏi và bản lĩnh hơn mình nghĩ khi bạn vượt qua được điều đó. Nó còn giúp bạn nhìn nhận ra bản chất của những con người xung quanh, đâu là những người "bạn", và những ai chỉ đơn giản là "bè".

Cũng giống như những thứ khác trong cuộc đời, bị từ chối sẽ gây ra những vết thương nông sâu khác nhau. Tuy nhiên có một điều chắc chắn là tất cả mọi người đều từng bị từ chối, ít nhất một lần, hoặc vài lần, vào một lúc nào đó trong đời mình. Vì thế, nếu điều đó có đến với bạn thì hãy tin tôi, đây không phải là ngày tận thế.

Vậy thì nếu có bao giờ bị từ chối bởi một ai đó, bị loại bỏ, bị cho ra rìa trong một tập thể, ở một nơi nào đó, thì bạn của tôi ơi, xin hãy nhớ một điều, khi một cánh cửa đóng lại trước mặt bạn, nghĩa là có những cánh cửa khác đang mở ra, và những cánh cửa mở luôn dẫn đến những điều tốt đẹp. Bạn hãy mỉm cười, bước lên và đi đến đó.




Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

Yêu nhau đi (1)


Hồi đó, con Quyên là tổ trưởng phục vụ nhà hàng. Con gái gì mà thùy mị, nhỏ nhẹ, hiền lắm. Phải nói là hiền queo. Con Quyên quê ở Bình Thuận lên Sài Gòn học ngành quản trị nhà hàng khách sạn đàng hoàng. Cũng tại hiền quá, hổng biết bon chen, hổng ham danh lợi nên mấy năm trời làm có một chức một.

Con Quyên có người yêu là thằng Hải. Thằng Hải là cấp dưới của con Quyên. Thằng Hải xấu banh nhà lồng chợ. Chỉ được có cái miệng quá trời lanh. Sát gái. Thấy gái đẹp là cặp mắt vừa cận vừa lồi của nó sáng rỡ hà. Không biết tại con Quyên mê cái miệng thằng Hải quá hay tại thằng Hải có tài thổi lỗ tai nên con Quyên nghe thằng Hải răm rắp. Như biết bao cặp tình nhân trên cõi đời này, tụi nó yêu nhau, hẹn hò nhau, đưa đón nhau, chăm sóc nhau, thề ước với nhau nữa. Thằng Hải đã đưa con Quyên về nhà giới thiệu chính thức. Con Quyên cũng đã đưa thằng Hải về quê ra mắt ba mẹ. Người lớn hai bên đã nói chuyện với nhau. Tưởng chừng như ván đã đóng thuyền. Con Quyên chiều chuộng chăm sóc thằng Hải như là chồng sắp cưới...  cho tới một ngày...

Một ngày không mấy đẹp trời, tổ phục vụ của con Quyên có một nhân viên mới. Thùy Linh, con gái Đà Lạt, không xinh lắm nhưng rất ư là dễ thương. Phải nói, con gái gì mà trắng bóc, lại có giọng nói nhỏ nhẹ, trong trẻo, nghe mê ly. Dòm mặt con Linh hiền còn hơn con Quyên nữa...

Không ai biết chuyện gì xảy ra giữa ba đứa nó cho tới một ngày, thằng Hải được gia đình lo cho đi hợp tác lao động. Bữa ra sân bay, mấy đứa trong tổ phục vụ cũng rủ nhau đi chia tay chia chân với thằng Hải. Xong rồi dzìa đồn rùm cái nhà hàng luôn. Thằng Hải đi xuất ngoại mà làm như đi biền biệt không dzìa nữa. Hai em, là em Quyên và em Linh, mỗi em gục một bên vai anh Hải, bịn rịn, lưu luyến, khóc sướt mướt...

Từ hôm đó, con Linh bị tẩy chay. Mấy đứa trong nhà hàng xúi con Quyên làm cho ra lẽ. Con Linh cúi mặt nói em và anh Hải yêu nhau rồi, chị hãy nhường anh Hải cho em. Con Quyên thờ thẫn chết điếng.

Thằng Hải ở bên kia cũng không có tinh thần để làm gì nữa. Mới mấy tháng nó đã bỏ dzìa. Nó vẫn đi lại với con Quyên và không nỡ bỏ rơi con Linh. Ba má nó phản đối dữ dội, bắt chọn một thôi. Nó chọn con Linh. Ba má nó biết khó mà ngăn cản thằng cháu đích tôn của dòng họ Phan nên đi cưới con Linh liền cho nó. Tôi nghiệp ba thằng Hải lắm, suốt thời gian đó, tối nào ổng cũng ghé nhà hàng. Ổng kiếm con Quyên nói chuyện, an ủi, động viên con dâu hụt.

Khỏi phải nói, con Quyên, thất tình, ngơ ngẩn, mất ăn, mất ngủ, sụt ký, dòm phờ phạc, ốm nhách, không còn chút sinh khí. Chị em mỗi người động viên một câu. Ráng lên. Không có gì phải buồn. Ai cũng dòm thấy đúng ra con Quyên phải mừng mới đúng chớ.

Nhưng mà nhân vật chính tôi muốn nói ở đây không phải là thằng Hải, con Quyên hay con Linh, mà là thằng Quyền bạn tôi đây. Quầy bar quầy cash cách nhau có một cái cái bình rươụ vang bằng gỗ nên hai chị em tôi thân nhau lắm. Hồi đó, ở chỗ tôi làm có rất nhiều em vừa đi học vừa đi làm, thằng Quyền cũng vậy, buổi tối làm bartender, ban ngày đi học bên xây dựng. Thằng Quyền cũng quê ở Bình Thuận, không hề đẹp trai nhưng tánh tình cương trực và tràn trề nam tính. Xuất thân là bộ đội xuất ngũ, tướng thằng Quyền rất cao lớn và giỏi võ. Phải nói là nó mê võ. Hễ ít khách rảnh rỗi nó đứng múa máy chân tay hoài. Lúc cao hứng nó còn biễu diễn vài đường võ cho tôi coi, còn thuyết minh là võ gì thế gì nữa. 

Thằng Quyên vô làm một thời gian, chắc là có nghe loáng thoáng chuyện con Quyên. Những lúc con Quyên ra quầy order nước hoặc tính tiền, thằng Quyền hay lân la quan tâm con Quyên. Một ngày nọ, thằng Quyền ấp úng hỏi tôi rằng nếu em tiến tới với em Quyên thì chị thấy có được không chị? Tôi nhớ lúc đó tôi chỉ nói có hai câu. Đại khái là: "bệnh gì mà cữ hả em!?" và "tin chị đi, con Quyên nhất định sẽ là một người vợ tốt đó Quyền!". Con Quyên có hơi chút e thẹn ngại ngùng. Không dưới ba lần, tôi cười nheo mắt nói với nó rằng: "em phải cho em một cơ hội chứ", và "chị biết thằng Quyền sau này sẽ là một người chồng tốt đó cưng!"

Thằng Quyền học xong, ra trường, đi làm, con Quyên vẫn làm tổ trưởng phục vụ. Đám cưới hai đứa được đãi thiệt tưng bừng ở một khách sạn lớn đối diện bãi biển Đồi Dương, Phan Thiết. Giao thừa năm nào, thằng Quyền cũng gọi điện cho tôi. Trước là chúc tết, sau là khoe khoang thành tích để tôi biết nó đang sinh sống ở đâu, làm gì, vợ khỏe, con ngoan ra làm sao. Một ngày nào đó, tôi sẽ đến Phan Rí thăm hai đứa nó.

Dĩ nhiên là thằng Quyền chẳng bao giờ quên cái công nói khích của tôi. Dĩ nhiên là tôi thường thấy nhẹ nhõm mỗi khi nói chuyện với thằng Quyền. Còn thiệt là lâu nữa mới biết chắc chắn rằng tụi nó có ăn đời ở kiếp với nhau hay không. Nhưng ít ra, cho tới bây giờ, tôi biết mình nhìn người hổng có sai. Ít ra, thì cũng mừng cho hai đứa nó, một đứa đã có một người vợ hiền và một đứa đã có một người chồng tốt.
 




*tên nhân vật đã được thay đổi :)

Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

Người xưa đã nói...

[thôi bỏ đi X!]

CÁI LẼ SỐNG CHẾT
Mạnh Tôn Dương hỏi Dương Tử: Có kẻ mến đời, yêu thân, cầu cho không chết có nên không?
Dương Tử nói: Có sống thì phải có chết, lẽ nào mà không chết được?
- Thế cầu sống lâu có nên không?
- Lẽ nào sống lâu được? Người ta không phải thích sống mà sống mãi được, yêu thân mà thân còn mãi được. Vả chăng sống lâu để làm gì? Thế tình hay dở, xưa cũng như nay; thân thể an nguy xưa cũng như nay; việc đời vui khổ, xưa cũng như nay; biến đổi trị loạn, xưa cũng như nay; cái gì cũng đã nghe thấy, đã trông thấy, đã từng trải cả rồi, thì sống trong khoảng trăm năm cũng đủ lấy làm chán, huống còn cầu lấy sống lâu để cho khổ làm gì?
Mạnh Tôn Dương nói: Nếu như thế thì chóng chết còn hơn là sống lâu. Ta nên xông vào gươm giáo, nhẩy vào nước lửa để chết ngay đi có thỏa không?
Dương Tử nói: Không phải thế. Đã sinh ra đời, thì lúc sống cứ tự nhiên mặc, muốn làm gì thì làm, cho đến lúc chết. Lúc sắp chết, cũng tự nhiên mặc, muốn hóa ra gì thì hóa cho đến lúc cùng. Lúc sống, lúc chêt, lúc nào cũng tự nhiên như không, hà tất phải quan tâm sống lâu hay chóng chết làm gì? 

MONG LÀM ĐIỀU PHẢI
Nước Lỗ có người ở một mình một nhà. Bên láng giềng có người đàn bà góa cũng ở một mình một nhà.
Một đêm, mưa to, gió lớn, nhà người đàn bà đổ, người đàn bà sang xin ngủ nhờ nhà người láng giềng. Người láng giềng đóng cửa không cho vào. Người đàn bà đứng trước cửa sổ nói rằng: “Ngươi sao bất nhân thế! Không cho ta vào ư”?
Người láng giềng đáp: “Ta nghe đàn ông, đàn bà sáu mươi tuổi trở lên, mới ở chung được, nay người còn trẻ mà ta cũng còn trẻ cho nên ta không cho người vào ngủ nhờ được”.
Người đàn bà nói: “Ngươi sao không làm như ông Liễu Hạ Huệ ủ người con gái ngồi vào lòng mà không tai tiếng gì”?
- “Ông Liễu Hạ Huệ thì thế được, ta đây thật chưa thể được. Ví ta cho ngươi vào, mà ta không được như ông Liễu Hạ Huệ, thì thà rằng, ta không cho ngươi vào mà ta cũng giữ không tai tiếng gì được như ông Liễu Hạ Huệ. Thế chẳng là ta không làm theo như Liễu Hạ Huệ mà cũng được như Liễu Hạ Huệ ư”?
Đức Khổng Tử nghe chuyện, nói: “Phải lắm! Kẻ muốn học ông Liễu Hạ Huệ, chưa ai giống được như người nước Lỗ này: mong làm điều rất phải, không bắt chước cách làm, rồi mà làm được, thế mới thật khôn”. 

KẺ BẤT CHÍNH
 Nước Sở có người có hai vợ. Vợ cả và vợ lẽ cùng đẹp, cùng xinh.
Anh láng giềng ghẹo người vợ cả. Người vợ cả giận và mắng thậm tệ. Anh láng giềng lại ghẹo người vợ lẽ, người vợ lẽ bằng lòng đi lại.
Không bao lâu, người hai vợ ấy chết. Anh láng giềng muốn tính cuộc vuông tròn lại dạm hỏi người vợ cả.
Có kẻ hỏi rằng: “Người vợ cả trước đã mắng anh, người vợ lẽ vẫn có tình với anh, sao bây giờ anh lại định lấy người vợ cả?”
Anh ta đáp: “Lúc người ta còn là vợ người, thì thích kẻ tư tình với mình, lúc người ta đã là vợ mình thì thích kẻ không tư tính với ai. Kẻ trước đã tư tình với tôi, thì rồi ai nó cũng tư tình được, thiên hạ ai cũng là chồng nó được. Cho nên bây giờ tôi không lấy nó”.
Thế mới hay con người bất chính đi làm tôi tớ người ta, dù làm cho người ta bằng lòng đến đâu, người ta vẫn rẻ rúng khinh bỉ. 

TÀI VÀ BẤT TÀI
Một hôm Trang Tử cùng với học trò đi chơi ở trong núi. Thấy một cây to, cành lá rườm rà, có người đốn gỗ chống búa đứng bên, mà không chặt.
Trang Tử hỏi: “Sao không chặt cây này thế?”
Người đốn gỗ đáp: “Cây này tuy thế mà gỗ xấu không dùng được việc”.
Trang Tử nói: “Cây này chỉ vì không ra gì mà sống lâu được mãi”.
Ra khỏi núi, Trang Tử vào chơi nhà một người quen. Chủ nhà vui mừng, bảo người nhà đem chim nhạn làm thịt.
Người nhà hỏi: “Một con gáy được, một con không gáy được, thì làm thịt con nào?”
Chủ bảo: “Làm con không gáy”.
Hôm sau, học trò hỏi Trang Tử rằng:
“Cái cây ở núi vì bất tài mà được sống lâu, con nhạn ở nhà chủ vì bất tài mà phải giết chết. Giá như tiên sinh thì xử vào địa vị tài hay bất tài?”
Trang Tử cười, rồi nói: “Ta xử vào trong cái khoảng giữa tài và bất tài. Như vậy, thì tránh khỏi được tai nạn song chưa phải là kế vẹn toàn. Chỉ những bậc đạo đức cao siêu, không quản khen chê, lúc như rồng, lúc như rắn, không hẳn rõ ra tài hay bất tài, lúc lên, lúc xuống, chỉ cốt lấy đức hòa làm mực, siêu việt cả muôn vật, tuy là người mà lại khác người… Những bậc như thế, thì còn gì lụy đến thân được! Còn thói đời thường tình nào có thế? Hợp với người, thì có lúc lìa tan; làm nên việc, thì có người nghị luận; ngay thẳng thì bị đè nén; tôn trọng thì bị chê bai; làm thì có kẻ phá; giỏi thì có người ghen; không ra gì, thì thiên hạ lại khinh bỉ… Nhân tình như thế thì làm thế nào được? Thương ôi! Các người nên ghi lấy: chỉ có đạo đức mới khỏi lụy mà thôi”.


Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012

Thanh minh trong tiết tháng ba

Thanh minh trong tiết tháng Ba
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh.
...

Những ngày này, ở Sóc Trăng nói riêng, ở nhiều địa phương khác nói chung, không khí tết Thanh Minh ấm nồng, lan tỏa. Tết Thanh Minh là phong tục tập quán lâu đời, được duy trì như một nét đẹp văn hóa. 

Trước đó, các gia đình đã tổ chức tảo mộ người thân thật sạch sẽ. Sau đó sẽ mang lễ cúng ra ngoài mộ để tổ chức cúng viếng. 

Lễ cúng thường là heo (lợn) quay, gà quay, vịt quay, bánh bò, bánh hỏi… Các gia đình mang lễ cúng ra nghĩa địa, đặt lễ cúng ra trên một manh chiếu (hay giấy báo, nilon…) cúng, sau đó dùng giấy nhiều màu được cắt thành từng dải dài khoảng 20cm đem dán (hay đặt) lên trên mộ người thân. 

Những miếng giấy nhiều màu này tạo cho cả nghĩa địa trở thành một khu vực lộng lẫy sắc màu trông thật ấm cúng. Sau khi cúng xong, người ta bày đồ cúng ra trên nến đất và tổ chức ăn uống ngay tại nghĩa địa để bày tỏ tình cảm kính yêu với những người đã khuất. 

Tết Thanh Minh ở Sóc Trăng đã trở thành một nét văn hóa trong phong tục tập quán của người dân. Đặc biệt, người Sóc Trăng dù đang sinh sống ở đâu, dịp Thanh Minh cũng thu xếp về quê nhà để cúng Thanh Minh nên ở các nghĩa địa vào những ngày Thanh Minh người rất đông, thậm chí nhiều lúc bị kẹt xe, kẹt người nữa.
kỷ niệm quê ngoại Thanh minh 2012
nhớ tô bún nước lèo Sóc Trăng (ảnh goole)

Xem thêm:

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...