Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012

Tháng 10

vội đến
vội đi
nhẹ nhàng
hờ hững
lửng lơ
...
thì thôi, 
xem như 
chuyện mình 
chưa bắt đầu 
...

Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2012

Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2012

Lan man tối thứ bảy

Hổm rày mở tivi coi HBO với StarMovie thấy toàn chiếu phim kinh dị. Sực nhớ ra sắp Halloween. Mình chẳng có chút kỷ niệm nào với Halloween cũng không hề ưa phim kinh dị. Mình có thể khẳng định là mình chưa có coi một đoạn phim kinh dị nào quá hai phút. Nhưng nói nó chẳng có ích lợi gì thì cũng không đúng, Ít ra nó còn giải sầu được cho biết bao nhiêu người khoái coi cái thể loại này. Như dì của mình chẳng hạn. Ngộ, suốt thời gian mang bầu em Hiển, toàn coi phim kinh dị :)

Nhớ hồi nhỏ, mình hổng biết ma cỏ là gì hết. Mười bảy tuổi đi Đà Lạt ở biệt thự ma ngoài ngoại thành còn hổng sợ, sau này biết mới sợ ;D. Tới lúc có người yêu rồi đi chống lầy, tự dưng bày đặt sợ đủ thứ. Đi qua chỗ tối là vội vàng níu chặt tay người ta. Thấy cái gì máu me là em sợ em sợ. Ra đường thấy người ta bị tai nạn thì tim đập thình thịch không dám dòm. Thấy người ta quánh nhau thì tay chân quíu hết trơn, ở đó mà coi. Đi tới chốn đông người quá cũng e ngại đủ điều, mà ở một mình cũng sợ đủ thứ.

Cho tới một ngày "kia"... mình bỗng dưng hết sợ, tự hồi nào mình cũng chẳng hay nữa.

Mình không muốn nhớ tới, nhưng, thiệt, mình khó mà quên cái cảm giác của ngày "đó". Có những đêm dài, mình thức trắng, sợ run người. Tim gan phèo phổi co thắt dữ dội. Mặt mày bơ phờ còn người cứ co rúm lại. Sau này, mình tin chắc rằng nỗi sợ của mình lúc đó lớn tới mức, nó gần như đè bẹp tất cả nỗi sợ khác trên đời. Cho nên từ sau dạo "đó", mình đi qua chỗ tối tỉnh bơ, đứt tay tự cầm máu, giữa đường thấy tai nạn hay quánh nhau cũng không thấy quýnh quáng, ở một mình, ăn một mình, ngủ một mình, cày cục một mình... cũng không thấy có gì phải phàn nàn.

Cách đây chưa lâu, trong xóm có cái đám ma, sát bên nhà bà dì họ của mình. Đúng lúc nguyên nhà dì về quê nên gửi nhà cho mình coi dùm mấy bữa. Tối thứ bảy, mình xách cái lap qua bển, viết được cái entry, chơi vài màn freecell xong ngủ thẳng cẳng. Sáng ra thấy mấy anh trong xóm thức đám ma ngồi uống cafe trước cửa nhà dì. Một anh dòm mình chăm chăm hỏi hồi tối em ngủ bên đây một mình à. Mình dạ. Ảnh tròn mắt hỏi em hổng sợ hả? Mình cười hỏi sợ cái gì? Ảnh lên giọng: sợ ma!? Mình cười cười thủng thẳng trả lời: em bây giờ chỉ sợ người thôi hông có sợ ma anh ơi... Mấy ảnh được nước cười giòn :)

Hồi mình còn đi làm, gặp lúc công ty có chuyện lùm xùm tranh chấp, mình toàn nhảy vô chỗ dầu sôi lửa bỏng. Không chút e sợ. Được sai tới đâu thì mình đi tới đó. Sếp mình nể mình còn mấy em nhân viên mình thì ngưỡng mộ mình lắm. Có đứa còn hỏi chị có bí quyết gì mà em thấy đụng chuyện nhỏ chuyện lớn gì chị cũng bình tĩnh hay dzậy. Mình thản nhiên trả lời rằng chị mày có gì đâu mà mất nữa, bất quá thí cái mạng cùi này thôi chứ có gì mà sợ nữa hả em. Nghe cứ như là dân giang hồ hay là thứ người bất cần đời nào đó ;)

Nhớ có lần, em Đ. kế toán mặt xanh lè vô văn phòng kể rằng nó đang chạy xe trên đường thì gặp anh chàng kia ăn mặt rất bảnh bao, áo bỏ vô thùng đàng hoàng, chạy xe Nouvo ngay phía trước nó. Đi ngang qua một cô gái đương xách giỏ đi bộ ngược chiều xe chạy, anh này thò tay bóp vú cổ một cái mạnh. Cô này chỉ kịp phản xạ kêu rú lên. Em Đ thấy thôi mà cũng hốt hoảng không khác gì cô kia. Mấy em trong văn phòng bàn tán sôi nổi về chuyện quấy rối này. Mình cũng kể chuyện hồi xưa mình học cấp ba Marie Curie, thỉnh thoảng, gặp mấy thằng đi xe đạp, chạy theo kè kè, em em cho anh hỏi thăm, xong hỏi toàn chuyện sex bậy bạ hoặc show hàng. Thấy gớm. Nhớ lần đó đi bộ lơn tơn với nhỏ bạn, gặp quấy rối, mình chẳng thấy sợ nhưng nó kéo tay mình chạy trối chết. Chẳng qua nhờ ông ngoại mình chỉ dạy, mình bắt đầu biết trừng mắt lại, kiếm đồ phang hoặc chỉ vô hàng mấy ảnh show cười há há thiệt lớn, ôm bụng cười vật vã càng tốt. Mấy ảnh thấy mình phản ứng một trong ba kiểu đó là quay đầu bỏ chạy liền, mình không cần phải chạy :). Bữa đó, mình vừa kể vừa diễn tả điệu bộ làm mấy ẻm cười chảy nước mắt.

Có thể, trong mắt người khác, mình là người dũng cảm và mạnh mẽ :)

Thì cứ cho là dzậy.

Chỉ có điều, bây giờ, nếu mình nói mình không buồn, thì thật ra, mình đang tự dối lòng mình. Còn nếu mình nói mình sống dzậy mà dzui, thì thật ra, mình đang gạt người ta thôi.

Sao cũng được :)

Ơn Chúa, mình biết, đêm nay, một đêm thứ bảy cuối tuần, có một người, đã ngủ rất ngon, nhờ đọc tin nhắn của mình...

Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2012

Ảnh

Mình đương không có rảnh, thậm chí còn đương rất rối nữa. Rối (tơi) bời. Chỉ muốn post ảnh cũ, những tấm ảnh mà mình vừa tình cờ lục ra, thấy khoái, thấy nhớ... Mấy tấm ảnh này ít nhiều cũng làm mình giảm chút xì-trét. Dạo này, mỗi khi gặp chuyện không dzui, mình toàn cười. Cười thôi chứ không muốn khóc muốn than nữa. Khóc mà chi? Than mà chi? Có ngăn được xót xa đâu ;). Vậy nên cứ cười, há A. :)

với các bé gái xinh xắn ở Sapa hồi t6/2007
tính ra cái ảnh Safari World này làm desktop background trên cái laptop
của mình cũng 3 năm rồi kg thay đổi :)
cái show cá heo này đen nghẹt người ta
mình khoái nhất là cái show này... mà thật ra show nào mình cũng khoái :)
ờ sân bay Suvarnabhumi ngày về, cái anh hướng dẫn bận áo vàng,
ảnh dẫn tour thiệt là tốt -
Thái Lan t10/2009
đầm Ô Loan vào buổi sớm không khí rất tuyệt - Phú Yên t12/2011
bên trong hang đá NT Mằng Lăng là đền thờ ông Thánh Andre Phú Yên
ăn chè ở chợ Tuy Hòa, chè ngọt, chị bán chè còn ngọt hơn chè nữa :)
thành phố Tuy Hòa yên bình ngó từ trên Tháp Nhạn
dòng người tấp nập đổ về NT Chánh Tòa Tuy Hòa trong đêm Giáng sinh
2011, đêm đó mình ăn mặc đẹp đẽ 1 mình thơ thẩn ở gần đó, kg tài nào
chen chân vô bên trong được
ốc vú nàng, ốc mặt trăng, cầu gai... chấm với muối tiêu chanh dằm ớt xanh
những thứ tuyệt ngon mà mình đã được thưởng thức ở Ninh Chữ t11/2011
chuối 100 nải ở Tiền Giang
khoái cái ảnh này: thằng Hiển say sưa nghe chị kia ca nhạc tài tử
nhớ 1 thời mình tung tăng với 3 em nv dễ thương này, hơn tụi nó tới 1
chục tuổi mà tụi nó cứ ganh tị với cái sự vui khỏe trẻ trung của mình quài :)
mình khoái cái cảm giác lên cao & buổi sáng trong lành trên núi
Tây Ninh t10/2011
kỷ niệm chuyến hành hương với bé Chi ở Tà Pao t5/2012, mình khoái cái
ảnh này dù nó mờ căm và vì nó là tấm duy nhất 2 đứa chụp chung :)
mình yêu Đà Lạt... ở đó có 1 nơi gọi là Vườn tĩnh lặng :) ảnh t9/2010
cảm giác mình lâng lâng lạ lắm khi quay lại đây hồi tháng 5/2012 :)
mình mơ, được cùng ai đó, ngắm diều, mỗi chiều, trên thảm cỏ xanh
bên Hồ Xuân Hương

Thứ Tư, 24 tháng 10, 2012

Bạn zí bè (2)


Kể ra, mình đã quen biết nó mười bảy năm rồi. Nó nhỏ hơn mình có một tuổi mà gọi mình bằng Xuân xưng bằng em ngọt xớt. Mình thì nào giờ vẫn gọi nó bằng mày xưng bằng tao, cũng ngọt xớt luôn. Nó nể mình bi nhiêu thì mình cũng thiệt là quý nó bấy nhiêu. Nói nào ngay, mình đã chứng kiến toàn bộ quá trình trưởng thành của nó. Từ lúc nó còn trai trẻ bồng bột cho tới khi thành thằng đàn ông trải đời một vợ một con một sự nghiệp sáng rỡ. Từ thời nó làm phụ bếp lông bông cho tới khi làm bếp trưởng ở một vài cái khách sạn lớn ở trung tâm SG. Cả lúc nó mở quán làm chủ rình rang cho tới khi thất bại tay trắng. Mình đã chứng kiến nỗ lực của nó từng bước từng bước một. Mình hiểu nó như nó hiểu mình. Đằng sau vẻ bề ngoài trẻ con hời hợt đó là một thằng đàn ông sống có trách nhiệm và một tâm hồn nghệ sĩ bay bổng. Nó hát hay và hay hát. Còn trái tim mình thì cứ mềm nhũn ra mỗi khi nó cất tiếng hát. Giữa hai đứa có quá nhiều kỷ niệm vui buồn, kể sao cho hết. Chỉ ghi lại để nhớ một vài chuyện, biết đâu mai này mình già cả lú lẫn quên hết thì thiệt là uổng lắm :)

Chuyện hồi xửa xưa, đâu chừng cuối thập niên chín mươi, nó chừng hai chục tuổi, làm phụ bếp, để ý nhỏ M làm phục vụ rất xinh gái. Phải nói là nó si tình con nhỏ luôn. Nhỏ M dễ thương không hề thích nó nhưng cũng không hề muốn mất một người bạn như nó. Cả hai đứa đều trẻ con, không có yêu đương gì mà cứ giận nhau như cơm bữa. Sau cùng được sự tư vấn của chị em, hai đứa nó quyết định nói chuyện rõ ràng với nhau. Hổng hiểu sao mười mấy năm rồi mà bộ nhớ mấy chục GB của mình vẫn nhớ như in cái bản mặt hồ hởi và từng lời nói của nó lúc kể mình nghe em đã nói chuyện với bé M rồi X, tụi em thống nhất từ nay làm bạn của nhau thôi. Mình ờ, vậy tốt rồi. Rồi mình nhiều chuyện mới hỏi thêm bộ hai đứa nói chuyện ở quán Thủy Trúc hả? Nó dạ rồi nói nho nhỏ tỏ vẻ bí mật lắm: bé M khóc quá chừng luôn chị. Mình hỏi liền: sao bé M lại khóc? Nó lắc đầu nói em hông biết nữa. Tự dưng, mình hỏi vặn: nó khóc hay mày khóc?? Tội nghiệp thằng nhỏ, giật mình cái bặt liền: em đâu có khóc!! Hehe, mình được nước dồn nó vô thế luôn: thiệt hôn, sao tao nghe đồn mày khóc như mưa mà? Nó bối rối ngó mình một cách thận trọng nhưng vẫn lắc đầu lia lịa: hông! nó khóc! em hổng có khóc!! Mình lại làm mặt tỉnh như ruồi gằn giọng với nó: khai thiệt coi, bé M mới kể tao nghe mày khóc quá chừng khóc, bây giờ mày kể nó khóc, mày hổng có khóc, dzậy rốt cuộc là đứa nào khóc đây?? Tới nước này thì cái mặt nó hiện nguyên cục quê ở trên trán luôn. Zậy là chị X quỷ quái này được nước lấn tới kết luận cái rụp: mày kể nó khóc, nó kể mày khóc, zậy chắc chắn hồi tối hôm qua hai đứa bây đã ôm nhau khóc thắm thiết ớ quán người ta rồi đúng hôn?? Mèn ơi, nó cười cười rồi lặn trên bếp mất tiêu mấy bữa không dám xuống nhà hàng luôn :))

Mình với nó làm bạn đồng nghiệp từ 12/1995 đến tận 5/2005, và cả đời này mình không bao giờ quên hai cái món spaghetti của nó: Pomodoro và Bolognese. Hai món này mới nhìn sơ rất giống nhau, đều có sốt cà cộng hành tây, chỉ khác nhau là món Bolognese có thêm bò bằm còn Pomodoro thì không. Chuyện là, ngoại trừ bếp, mấy bộ phận khác rất là thích ăn mấy món Âu trong thực đơn nhà hàng, kể cả mình. Mình làm cashier, nhiệm vụ chính là thu chi tiền, nhưng ngày thường vẫn hay dòm ngó phụ phiếu order để nhắc mấy bạn phục vụ bưng bê cho đúng bàn. Bữa đó khách cũng hổng có đông lắm, mình thấy có phiếu order một cái spa Bolog. Rồi thấy bếp ra đĩa Bolog đó rồi, bưng cho khách ăn rồi. Mấy phút sau, lại thấy bếp ra thêm một đĩa giống y chang dzậy. Ra quầy dòm lại, đâu có ai order Bolog nữa đâu ta. Máu tham (ăn) nổi lên, hoắc chị Th. bartender nói nhỏ bữa nay thằng N. nó bị tẩu hỏa làm một lúc hai đĩa Bolog luôn nè chị. Hai chị em cười hí hí, ngó trước ngó sau. Hổng có ai. Đem lên quầy. Quất sạch. Haha, lại nói, thường, người ta ăn vụng thì thấy ngon lắm, mà bữa đó ăn xong hai chị em mình còn tức tối ngồi lèm bèm: sao bữa nay em ăn thấy dở quá à... ờ, Bolog gì mà lạt nhách... ờ, chả thấy miếng thịt nào... sao bữa nay nó nấu gì mà tệ dzậy ta... Mấy phút sau thấy phục vụ vô réo anh N ơi còn dĩa Pomo đâu sao chưa ra?? Có tiếng nó vọng xuống từ trên bếp: ra nãy giờ rồi mà. Tự dưng hai chị em giật mình cái độp, dòm nhau, cười rũ rượi rụng rời. Rồi đích thân mình mon men vô bếp giả khờ: ủa hồi nãy mày ra đĩa sau là Pomo hả?... sao giống Bolog vậy?... à à... vậy hả... khác nhau chổ có thịt hổng có thịt thôi hả... ờ ờ... tao nói thiệt mày nha hồi nãy lúc mày ra đĩa đó tao tà lanh bưng dùm phục vụ rồi bị vấp cái ghế đổ hết rồi... mày làm lại dùm cho khách đĩa Pomo khác cấp tốc nha N... Cái thằng thiệt dễ thương, hổng nói gì hết, cười cười bỏ vô làm đĩa mì cấp tốc thiệt. Xong nó mới hoắc hai chị em mình lại kêu mấy chị giả điên với em hả?? lần sau muốn ăn thì nói em một tiếng đừng có làm ẩu zậy  nữa nha... Hehe, đành phải thú thiệt với nó là hồi nãy hai đứa tao ăn xong tưởng nó là Bolog chửi mày quá chừng luôn ;)).

Tới lúc nhà hàng đóng cửa, đứa nào đứa nấy bận rộn mưu sinh, cưới vợ gả chồng, ở xa mút chỉ, một năm họp mặt được một vài lần. Thi thoảng, mình nhận được cuộc gọi của nó "X đang ở đâu vậy? Ăn cơm chưa? Em đang ở gần công ty X nè... em mua cơm cho X nha?... X ăn cơm gì?... " Hay là nó làm mình khoái nở lỗ mũi khi gọi cho mình rồi nói "em đang ở ngoài chợ Cũ gần chỗ X luôn nè, X ăn chè ba màu hôn em mua đem qua cho?.. ủa mà văn phòng X có mấy người?... Vậy em mua bốn ly luôn há..." Cái thằng ga lăng thứ thiệt luôn... Lúc nó mới biết mình nửa đường gãy gánh, chị em gặp nhau, nó chẳng biểu lộ gì. Cho tới phút cuối, nó mới lại quàng vai mình, buồn thỉu buồn thiu, nói thì thầm vô lỗ tai mình, cho mình mình nghe. Chỉ có mấy câu đơn giản ngắn gọn, nó đã làm mình thiệt là xúc động trong cái bữa tối hôm đó.

Mình thích chơi với nó là vì nó có máu văn nghệ đầy mình, nó nghe nhạc hợp gu với mình và nó cất tiếng hát thì ôi thôi nghe nức cả tâm hồn. Mới cách đây chừng một tháng, nhờ bạn kia bị thất nghiệp réo gọi hoài nên mấy đứa bạn mình có dịp ngồi đồng ớ quán cafe cả buổi. Ngả ngớn cười giỡn. Tới hồi thấy chị em phụ nữ to nhỏ chuyện phụ nữ, nó lấy phone ra nghe nhạc. Nghe vài bài nó nhét cái earphone vô tai mình nghe bài này đi X, hay lắm... Mình cầm lấy cái phone của nó quẹt quẹt hỏi playlist của mày đây hả... toàn nhạc Tuấn Ngọc, Sĩ Phú, Ngọc Lan... gu nghe nhạc nào giờ hổng thay đổi ta.... Rồi mình phát giác ra: mày nghe nhạc Tuấn Ngọc mà không có bài Tưởng niệm sao N?? Nó lập tức nghiêng người hát nho nhỏ Ta nghiêng vai soi lại cuộc đời, thì hãi hùng hoàng hôn chợt tới... Mình lại quẹt quẹt cái playlist rồi vặn vẹo tiếp: mày nghe nhạc Ngọc Lan mà không có Cho người tình lỡ luôn hả... Vậy là nó lại nhắm mắt phiêu linh Khóc mà chi, yêu thương qua rồi, than mà chi, có ngăn được xót xa... Mình khoái quá, mình với nó khen nức khen nở hai cái bài này. Mình khoái quá, mình nhớ lại hồi xưa hễ mua được cái đĩa nào hay là nó đem khoe với mình liền. Ánh mắt nó sáng quắc, vẻ mặt nó tươi rói khi diễn tả một bản nhạc hay ra làm sao, mà toàn là tâm đắc với nhạc xưa thôi nha, nó nói nhạc mới bây giờ em nghe hổng được X ơi. Mình khoái quá, mình khoái nghe cái giọng hát truyền cảm của nó gì đâu... Tự dưng nhắc lại chuyện này mình đâm ra nhớ giọng hát của nó da diết :))

...

Mình có cớ viết cái entry dài thoòng ôn lại mấy chuyện xưa thật là xưa này là vì hổm rày nó kiếm mình hoài. Nó ra sức nài nỉ mình đi theo nó làm thư ký tiêu chuẩn gì đó khi nó nhận làm bếp trưởng khách sạn 3 sao ở khu tây. Nó vẽ cho mình một viễn cảnh rất đẹp và hấp dẫn. Nhưng cuối cùng mình cũng đau lòng nói lời từ chối với nó. Hôm rồi mới sáng sớm nó đã kiếm mình. Mặt mày căng thẳng, nó kêu mình đào tạo gấp cho em một mớ kiến thức vi tính X ơi... em thấy nhục quá à, mới vô buổi họp bị ban giám đốc khách sạn cười, nói em là thời buổi này không có chơi sổ tay với giấy viết gì hết, chỉ chơi i-meo thôi... em nói mấy ảnh thông cảm, mấy năm nay em chỉ chú trọng trau dồi chuyên môn thôi, không có biết gì về i-meo với in-tec-nec hết... mấy ảnh nói không được không được, không biết thì đi học đi... em rầu quá... bây giờ mà kêu em xách cặp đi học vi tính nữa chết em luôn á, X dạy em đi... Dzậy là mình tận tình dạy nó mấy chiêu thông thường, thực tập tại chỗ, ghi chú đầy đủ... Nó nói dễ òm zậy mà em tưởng khó lắm, mất ngủ hổm rày... Dạy xong, hai chị em có cớ ngồi tám thêm một mớ chuyện nghề. Lúc tiễn nó ra xe, mình nói với theo: muốn hỏi cái gì cứ alo tao nha... mà mày chỉ cần kiếm thư ký cho ngon lành là ok rồi, cần gì phải học? Nó nói rất nhanh: không, em từ chối bên đó rồi, họ đòi hỏi cao quá mà không có X phụ em làm mấy chuyện tính toán, ra giá cost, lên thực đơn đủ thứ nên thôi, em nhận set-up chỗ này rồi... Rồi nó nhấn nhá thêm câu cuối: còn sau này nếu X muốn hợp tác với em, chỉ cần X lên tiếng... Mình ngẩn người ra, ngó nó trìu mến, rồi mình bắt tay nó, cám ơn mày nghen, cám ơn mày vì đã cho tao biết là vẫn còn có giá trị trên cõi đời này :)).

Đúng là bạn zí bè!

Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2012

Có ai mang cho tôi ly trà đá?




*ảnh chụp ngẫu hứng ở Max cafe, PN, 29/8/2012
*tựa đề ngẫu hứng nhái theo entry Có ai mang cho tôi tách trà nóng?
của mình viết cách đây đ 1 niên 3 tháng
*entry này cũng hết sức ngẫu hứng,
bởi vì mình vẫn đang nhớ, đang mơ, đang thèm gào nước mát lạnh và quá đỗi ngọt ngào
...của ngày ...mới hôm qua

(*chghi lại để nhớ) 
 

Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

Bình an là bình yên

1.
Cách đây hơn hai năm rồi, có một bạn đọc blog gửi cho tôi cái link với lời nhắn nhủ "X đọc đi, đọc để thấy lòng nhẹ nhàng hơn". Không biết bây giờ bạn ấy có còn đọc blog tôi không, nhưng tôi rất cám ơn bạn về cái link bạn đã gửi. Thậm chí tôi còn copy về file word trên máy và đặt cho nó một cái shortcut nằm chính giữa cái desktop để nghiền ngẫm cho tới tận bây giờ. Trong đó, tôi thích một đoạn nói về sự bình an:
"... Khi tâm an ta sẽ nhìn nhận lại vấn đề ở một tầng hiểu biết khác. Ta không còn thấy sự việc bất thành hay đổ vỡ kia là điều quá kinh khủng, không còn thấy thái độ khó chịu hay lầm lỗi của người kia là đáng phải trừng phạt nữa. Cho nên khi tâm an thì ta không còn muốn thay đổi hoàn cảnh, ta có một khả năng có thể chấp nhận mà không thấy khó khăn hay đau đớn gì. Ta đã từng thấy có những người trông rất an ổn và vui vẻ, mặc dù trong họ đang có những mất mát rất lớn lao. Không phải họ đang cố gắng che đậy để trình diễn trước mọi người, mà chính nhận thức và dung lượng trái tim của họ đã giúp họ ôm ấp được hoàn cảnh. Đó là những người không đặt hạnh phúc của mình quá nhiều vào sự toại nguyện từ bên ngoài, nên khi hoàn cảnh bất toại nguyện thì họ không bị dễ khổ đau.
... Trong quá khứ ta đã từng sống thiếu tỉnh thức và hiểu biết, vì để nắm bắt những nhu cầu hưởng thụ cao cấp từ vật chất đến sự công nhận của người đời mà ta đã coi rẻ tâm hồn mình, đem tâm hồn mình ra cho hoàn cảnh hay kẻ khác giày xéo. Ta sẵn sàng nổi giận, hờn ghen, nghi ngờ, kỳ thị, độc tài, hơn thua và cả thù hận để có được cái này cái kia mà thực chất chỉ là những thỏa mãn cảm xúc. Ta chưa bao giờ có cơ hội để nhìn kỹ lại tâm mình, trừ phi bị thất bại hay mất mát chua cay, nhưng đó là những lần quay về trong muộn màng và choáng ngộp với những đống tàn tro. Kết quả thường là buồn chán và tuyệt vọng chứ chưa bao giờ có một chương trình thanh tịnh hóa tâm hồn cho nghiêm túc.
... Ai đã trải nghiệm nhiều năm trong cuộc đời đều cũng thấm thía rằng chỉ có sự thanh thản và bình an trong tâm hồn mới là khát khao lớn lao nhất của con người.
... Thôi ta về đi, về thu xếp lại những bề bộn trong tâm hồn, đừng tiếp tục lao tới phía trước để nắm bắt hay chứng tỏ gì thêm nữa. Chỉ khi nào tâm hồn ta lắng dịu, không còn những khắc khoải mong cầu hay chống đối, biết chấp nhận và thuận theo hoàn cảnh, ý thức giữ tâm hơn là giữ cảnh, thì ta mới nếm được chất liệu thảnh thơi và hạnh phúc chân thật. Nếu trong giai đoạn ban đầu rất khó giữ tâm trước những hoàn cảnh trái ngang, ta hãy tạm thời tìm cho mình một không gian đủ an ninh để tịnh dưỡng tâm hồn. Một con thú khi bị trúng thương thì nó lập tức rút về hang để liếm láp vết thương vì nó biết cơ thể nó có khả năng tự chữa trị, nếu nó không kềm chế nổi cơn thèm khát mà tiếp tục ra ngoài săn mồi thì sẽ bị kẻ khác tấn công hay chính vết thương ấy sẽ hủy diệt nó. Vì vậy biết lúc nào cần phải quay về nuôi dưỡng hay chăm sóc tâm hồn mình, sẵn sàng rời xa những hào quang hấp dẫn từ cuộc sống thì đó mới đích thực là kẻ trí..."

2.
Có một câu chuyện kể về sự bình yên mà tôi rất thích:
Một vị vua treo giải thưởng cho nghệ sĩ nào vẽ được một bức tranh đẹp nhất về sự bình yên. Nhiều họa sĩ đã cố công thể hiện tài năng của mình.
Nhà vua ngắm tất cả các bức tranh nhưng chỉ thích có hai bức và ông phải chọn lấy một. Một bức tranh vẽ hồ nước yên ả. Mặt hồ là tấm gương tuyệt mỹ vì có những ngọn núi cao chót vót bao quanh. Bên trên là bầu trời xanh với những đám mây trắng mịn màng. Tất cả những ai ngắm bức tranh này đều cho rằng đây là một bức tranh bình yên thật hoàn hảo.
Bức tranh kia cũng có những ngọn núi, nhưng những ngọn núi này trần trụi và lởm chởm đá. Ở bên trên là bầu trời giận dữ đổ mưa như trút kèm theo sấm chớp. Đổ xuống bên vách núi là dòng thác nổi bọt trắng xóa. Bức tranh này trông thật chẳng bình yên chút nào.
Nhưng khi nhà vua ngắm nhìn, ông thấy đằng sau dòng thác là một bụi cây nhỏ mọc lên từ khe nứt của một tảng đá. Trong bụi cây một con chim mẹ đang xây tổ. Ở đó giữa dòng thác trút xuống một cách giận dữ, con chim mẹ đang bình thản đậu trên tổ của mình... Bình yên thật sự.
"Ta chấm bức tranh này! - Nhà vua công bố - Sự bình yên không có nghĩa là một nơi không có tiếng ồn ào, không khó khăn, không cực nhọc. Bình yên có nghĩa ngay chính khi đang ở trong phong ba bão táp ta vẫn cảm thấy sự yên tĩnh trong trái tim. Đó mới chính là ý nghĩa thật sự của sự bình yên".


3.
Có một câu chuyện khác nữa mà tôi cũng rất tâm đắc. Đó gần như là một giai thoại về Nội của tôi. Hầu hết những người sống xung quanh khu vực Nhà thờ Chánh tòa Long Xuyên đều biết tới ông bà Nội tôi bởi lối sống đức hạnh và mẫu mực. Năm đó, cô họ tôi mở một cửa hàng kinh doanh lớn ở SG. Cô vốn rất thương và kính nể Nội tôi nên chạy từ SG về LX chỉ để hỏi ý Ông về việc đặt tên cho cửa hàng. Ông Nội tôi đã nhẹ nhàng trả lời, đại khái rằng "trên đời này không có gì quý hơn sự bình an..." Cô tôi hân hoan ra về và đặt tên cho cửa hàng của mình là Bình An. Xưa giờ, tôi vẫn có thiện cảm với những người lấy tên Bình An để đặt cho công ty, cửa hàng hay thậm chí là tên con cái họ. Chắc hẳn họ đã có những trải nghiệm đáng giá để cảm nhận và trân trọng sự bình an mà họ có được. Suy cho cùng bình an hay bình yên đều là một... là thứ mà con người ta vẫn kiếm tìm sau những giờ phút bon chen, vất vả, ganh đua, mê mải, mệt nhoài, khó khăn... là thứ mà ai nấy trong thiên hạ đều mưu cầu cho tới tận khúc cuối của cuộc đời... Phải nói là, càng lúc tôi càng thấm thía hai chữ "bình an" quý giá mà Nội tôi đã nói.

4.
Hôm nọ, chị em gặp nhau mừng mừng vui vui. Sau những câu chuyện rất thường tình, sau những tràng cười giòn bất tận, chị em tôi bắt đầu nói về sự bình an. Rồi bất chợt, chị dòm tôi "chị hỏi thiệt chớ cho tới giờ phút này em đã cảm nhận được sự bình an ở trong lòng chưa?". Tôi chỉ cười "chị nhìn vô mắt em coi, chị có thấy bình an ở trong đó không?". Chị cười nheo mắt nói có "chị tin là có". Và cái con nhỏ hay cười rất giòn mà rất mau nước mắt là tôi lập tức ứa lệ :D. Đêm ấy, tôi về nhà, nằm chéo chân, để tay ngang bụng, ngó lên trần nhà. Khoan thai. Tôi đã tự hỏi mình "có bình an không sau những ngày mưa bão tơi bời?" Câu trả lời là "có" (chứ sao không :)).

Thậm chí, tôi còn biết rõ tường tận từ đâu mà tới...

bắt chước chị kia, mình post lại hình cũ tháng 9/2006 :D

Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2012

Người xưa đã nói (2)

THƯ VIẾT CHO BẠN
Trong thiên hạ có hai cái khó: lên trời khó, mà cầu cậy nhờ vả người càng khó hơn.
Trong thiên hạ có hai cái đắng: hoàng liên đắng, mà nghèo kiết khốn cùng càng đắng hơn.
Nhân gian có hai cái mỏng: giá mùa xuân mỏng mà thói đời càng mỏng hơn.
Nhân gian có hai cái hiểm: núi sông hiểm mà lòng người càng hiểm hơn.
Biết được cái khó, chịu được cái đắng, quen được cái mỏng, dò được cái hiểm mới có thể ở đời được.
LỜI BÀN
Biết được cái khó, là người có chí tự lập không làm phiền ai; chịu được cái đắng, là người có tâm kiên nhẫn, cố làm nên việc; quen được cái mỏng, là người có bụng đại độ bao dung được đời; dò được cái hiểm, là người có trí tinh khôn thấu được nhân tình thế thái. Ở đời mà có được bốn điều ấy, thì giao thiệp với ai mà chẳng được, làm công việc gì mà chẳng nên.

KHÔNG QUÊN ĐƯỢC CÁI CŨ
Đức Khổng Tử ra chơi ngoài đồng, thấy một người đàn bà đứng khóc nỉ non ở chỗ bờ đầm. Đức Khổng Tử lấy làm lạ, bảo học trò hỏi vì cớ gì mà khóc.
Người đàn bà nói: "Độ trước tôi cắt cỏ thi, tôi đánh mất cái trâm cài đầu bằng cỏ thi, cho nên tôi khóc."
Đức Khổng Tử hỏi: Đi cắt cỏ thi, mà mất cái trâm bằng cỏ thi, thì việc gì mà phải khóc? Người đàn bà nói: "Không phải vì tôi đánh mất cái trâm cỏ thi mà tôi khóc; tôi sở dĩ khóc, là tôi thương tiếc một vật cũ, dùng đã lâu, mà ngày nay không sao thấy được nữa."
LỜI BÀN
Cái gì đã là của mình, mình có bụng yêu, mà lỡ khi mất, thì về sau dù có được cái khác giống như thế, hay hơn thế, mình cũng không thể sao yêu cho bằng. Thường, lại chỉ vì thấy cái mới mà hồi nhớ đến cái cũ, sinh ra chạnh lòng, nên câu ta thán, có khi ngậm ngùi thương khóc nỉ non. Tại sao vậy? Tại đối với mình, cái của mất không chỉ có giá của mà thôi, lại hình như còn có một phần tâm hồn mình hay tâm hồn người để lại cho mình ngụ ở trong nữa. Sự cảm động đầu tiên bao giờ cũng là sự cảm động hay nhất, bền nhất. Ôi! Cáo chết ba năm quay đầu về núi, con người ta, dù cho lông bông xiêu bạt đến thế nào, còn có chút tâm tình cũng không sao quên được gốc tích xứ sở mình. "Hồ mã tê bắc phong, Việt điểu sào nam chi". Con ngựa rợ Hồ (phía bắc nước Tàu) thấy gió bắc còn cất tiếng kêu, con chim đất Việt (phía nam nước Tàu) chọn cành nam mới chịu làm tổ, huống chi là người mà lại quên được nguồn gốc ư.

NGƯỜI NƯỚC LỖ SANG NƯỚC VIỆT
Hai vợ chồng người nước Lỗ, chồng khéo đóng giày, vợ khéo đan mũ, muốn đem nhau sang kiếm ăn ở nước Việt.
Có người đến bảo rằng: “Vợ chồng nhà bác đi chuyến này thế nào cũng cùng khổ."
Người nước Lỗ hỏi: "Sao bác lại nói thế?"
Người kia bảo: "Giày dùng để đi, mà người Việt đi chân không, không thích đi giày; mũ dùng để đội, mà người Việt để đầu không, không cần đội mũ. Vợ chồng nhà bác làm giày, đan mũ giỏi thật, song đến ở nước người ta, người ta không dùng đến tài nghề của mình, thì làm thế naò mà không khốn cùng?”
Hai vợ chồng người nước Lỗ nghe nói, không sang nước Việt nữa.
LỜI BÀN
Đến chỗ đi đầu không, mà bán mũ, đến chỗ đi chân không mà bán giày thì cũng giống như mùa rét mà bán quạt, mùa nực mà bán chăn bông, tuy trái nơi và trái thời khác nhau, nhưng cũng là trái, không được việc cho mình, mà lại còn để tiếng cười cho thiên hạ nữa. Cho nên người có tài phải tìm nơi đáng ở mà ở chớ đem đàn mà gảy ta trâu thì có ích chi.

HOÀ THUẬN VỚI MỌI NGƯỜI
Lưu Ngưng Chi đang đi giày, có người đến nhận, ông đưa ngay. Sau người ấy tìm thấy giày, đem giày ông trả lại. Ông nhất định không nhận nữa.
Thẩm Lân Sĩ đang đi giày. Cũng có người đến nhận. Ông cười hỏi: “ Giày của bác à?”. Rồi ông đưa ngay. Sau, người láng giềng tìm thấy giày đem giày ông trả lại. Ông nói: “ Không phải của bác à?” Ông cười rồi nhận.
Việc này tuy nhỏ mọn. Song ở đời, ta nên cư xử như ông Lân Sĩ, không nên như ông Ngưng Chi.
LỜI BÀN
Giày của mình, mình đang đi, có người đến nhận mà mình cũng đưa, không thèm cãi “của tao của mày” như Ngưng Chi và Lân Sĩ thực ở đời cũng là hiếm có vậy. Kịp khi người ta tìm thấy giày của người ta, đem giày mình lại trả là người ta đã biết lỗi lầm. Nếu mình khăng khăng không chịu nhận, là mình quá ư nghiêm khắc mà làm ngăn trở cái lòng hối quá của người ta. Sao bằng nhận mới tỏ rõ tấm lòng bao dung được người, cả lúc người lầm, cả lúc người biết lầm. Như thế mới thực là người đầy hòa khí để cư xử với quần chúng vậy.

TỰ LẤY LÀM KHOAN KHOÁI

Đức Khổng Tử đi chơi núi Thái Sơn, gặp ông Vinh Khải Kỳ giao du ở ngoài đồng, mặc áo cừu thắt lưng dây, tay gảy đàn cầm, vừa đi vừa hát.
Đức Khổng Tử hỏi:
“Tiên sinh” làm thế nào mà thường vui vẻ thế?
Ông Vinh Khải Kỳ nói:
Trời sinh muôn vật, loài người quý nhất, mà ta được làm người, đó là một điều đáng vui – Trong loài người, đàn ông quý hơn đàn bà, mà ta được làm đàn ông, đó là hai điều đáng vui – Người ta sinh ra có người đui què, có người non yểu mà ta hoàn toàn khỏe mạnh nay đã chín mươi tuổi; thế là ba điều đáng vui...Còn cái nghèo là sự thường của thế gian, cái chết là sự chết của đời người. Ta nay xử cảnh thường, đợi lúc hết, thì có gì là lo buồn?
Đức Khổng Tử nói:
Phải lắm! Tiên sinh thế là biết cách tự làm cho khoan khoái mà hưởng sự vui thú ở đời.

(trích Cổ học tinh hoa)

Thứ Ba, 9 tháng 10, 2012

Hữu dụng và vô dụng

thương tặng chị

Trang Tử dẫn một đoàn môn sinh lên núi thăm bằng hữu. Đến chỗ rừng sâu heo hút, thấy đám tiều phu đang đốn cây. Trang Tử hỏi:
- Vì sao các anh chặt hết mấy cây kia, chỉ lưu lại mỗi một cây to này?
Tiều phu nói:
- Cây này xem bề ngoài đẹp đẽ vậy chứ vô dụng lắm, chẳng xài được gì cả!
Trang Tử quay đầu ngó môn sinh bảo:
- Cây này nhờ vô dụng mà được lưu lại, các anh phải học theo như vậy!
Đi qua núi, trời sắp sụp tối, Trang Tử dẫn môn sinh đến nghỉ đêm nơi nhà người bạn.
Người bạn đã lâu không gặp Trang Tử, mừng rỡ sai con:
- Hãy mau giúp cha làm thịt chim đãi khách!
Con cầm dao lên, hỏi cha:
- Nhà mình có hai con chim, nên giết con nào?
Người cha bảo:
- Tất nhiên là con không biết hót!
Nói xong, người cha mỉm cười bảo Trang Tử:
- Con tôi khờ quá, có vậy mà cũng hỏi, con chim không biết hót thì vô dụng quá, giữ lại làm chi?
Trang Tử quay đầu bảo môn sinh:
- Con chim được sống là nhờ biết hót, các anh phải học tập điều này.
Sáng hôm sau, các trò không nhịn được, hỏi Trang Tử:
- Thưa thầy, chiều qua vào rừng, thấy cây vô dụng được chừa lại, thầy bảo học nó. Rồi đến lượt con chim, nhờ có tài mà được sống, thầy cũng bảo học nó. Lời thầy dạy thực mâu thuẫn quá, rốt cuộc chúng con phải theo bên nào? Hữu tài hay vô tài? Hữu dụng hay vô dụng?
Trang Tử cười to, nói:
- Các anh phải dùng trí phán đoán, tùy thời mà cư xử, ứng biến chứ! Hễ thấy cần hiển tài thì phô tài, cần vô dụng thì hiện vô dụng. Còn bình thường thì hãy trụ ở giữa hữu và vô, vậy thôi.

LỜI BÀN:
Trang Tử là một vị thầy được đời tôn xưng là bậc hiền trí, cư xử ôn nhu dịu dàng. Người trí thì không chấp chặt hay thiên về một bên. Giữa vô dụng và hữu dụng họ đều khéo rút ra phương pháp hay để sống. Bao giờ cũng thức thời, khéo nắm bắt cơ hội để ứng xử thích hợp. Tùy lúc mà họ thể hiện có tài hay vô dụng. Dù không phải là bậc toàn trí toàn năng, song giữa hữu và vô tài họ luôn nhận định sáng suốt và thể hiện phù hợp.
Người ta thường nói, dại cũng chết mà khôn cũng chết, biết mới sống. Biết chính là biết tùy lúc tùy thời ứng xử nhịp nhàng. Không trụ, không chấp sống an nhiên, tùy duyên tiếp vật, lợi mình và lợi người v.v… chính là minh triết trong cuộc sống mà mỗi người cần phải thực tập để thành tựu.

(Kể theo Trang Tử Sơn Mộc)

Thứ Hai, 8 tháng 10, 2012

Mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời

"Ở dưới bầu trời này,
mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời:
một thời để chào đời, một thời để lìa thế;
một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây;
một thời để giết chết, một thời để chữa lành;
một thời để phá đổ, một thời để xây dựng;
một thời để khóc lóc, một thời để vui cười;
một thời để than van, một thời để múa nhảy;
một thời để quăng đá, một thời để lượm đá;
một thời để ôm hôn, một thời để tránh hôn;
một thời để kiếm tìm, một thời để đánh mất;
một thời để giữ lại, một thời để vất đi;
một thời để xé rách, một thời để vá khâu;
một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng;
một thời để yêu thương, một thời để thù ghét;
một thời để gây chiến, một thời để làm hoà

...  
Thiên Chúa đã làm mọi sự hợp thời đúng lúc"

Anh à, cuối tháng chín này, có một buổi chiều, mưa tầm tã, em bước vào nhà thờ, người ướt sũng. Lòng em cũng ướt sũng. Giọng của chị trên cung thánh đọc bài này vừa nhịp nhàng vừa nhấn nhá, vừa có vẻ bi tráng vừa sang sảng át cả tiếng mưa gió ngoài kia. Từng câu từng chữ vang dội vào tai vào lòng làm em lặng cả người. Em đã bồi hồi thảng thốt cúi đầu bái phục Người. Em thấy em thật thiếu sót khi chưa từng biết tới những Lời này trước đây. Mà sao một tư tưởng cách đây hơn hai ngàn năm lại có thể chạm vào sâu thẳm trái tim em đúng lúc đúng thời đúng vào buổi chiều hôm đó hả anh? Anh à, chỉ vì cái điệp khúc "một thời" này, em đã nhớ anh rất nhiều... Và em muốn anh biết, em thật sự ngưỡng mộ Người, ngày một nhiều hơn.


Chủ Nhật, 7 tháng 10, 2012

Ngắn thôi (5)

1.
Không phải khi không mà tôi đóng blog lại. Những lần trước là do buồn quá buồn không thể buồn hơn nữa. Lần này là do giận quá giận, có thể coi như là giận con cá chém cái thớt vậy.

2.
Đối với tôi, lời nói nặng không nhất thiết phải là những lời mắng chửi xối xả. Tôi nhớ là tôi hầu như chưa từng bị ai nói nặng kiểu đó. Vậy mà có một câu nói nhẹ hều, kiểu như "làm riết coi hổng được" lại quật tôi ngã hết mấy ngày.

3.
Mà trong cái rủi lúc nào cũng có cái may. Nhờ cái câu nhẹ hều đó, tôi có thêm động lực cắm đầu làm như điên đặng có tiền trả nợ người ta. Tôi ghét (và tôi không đáng) bị nói nặng nói nhẹ.

4.
Những khoảnh khắc dòm lại mình, tôi, suy cho cùng cũng chỉ là một con người bé mọn và bất toàn. Tôi không thể biết hết mọi thứ mà tôi muốn biết. Càng không thể biết hết được mọi ngóc ngách của cái gọi là sự thật... Một khi mà, cái sự thật đó, người ta đã cố tình che giấu hoặc phớt lờ.

5.
... Và tôi đã phớt lờ rất nhiều thứ, một cách cố ý, trong những ngày này ^^

6.
Có một đêm của tháng chín mưa gió dầm dề dai dẳng, tôi đã "đi đến tận cùng của sự tuyệt vọng" và đã thấy, quả thật "sự tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa" :p
7.
Đánh dấu một ngày cuối tuần đầu bù tóc rối với công việc, Má và bé Kachi :)

Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2012

Bà Ngoại


Bà Ngoại yêu dấu của tôi tánh tình rất rộng rãi và thương người. Từ con cháu trong nhà, bà con lối xóm, người cùng họ Dương cho tới người ngoài đường, hễ thấy ai khổ Ngoại cũng rút ruột ra tìm cách giúp người ta. Nhờ đó mà cho tới tận bây giờ, gia đình tôi vẫn còn được hưởng phước của Ngoại để lại. Phước rất lớn.

Ông bà Ngoại tôi gốc người Tiều quê ở Sóc Trăng. Khác với rất nhiều nhà đông con ở quê hồi xưa, ông bà Ngoại chỉ có một mình Má tôi là con gái cưng. Má tôi sinh cho ông bà ba đứa cháu ngoại. Khỏi phải nói bà Ngoại cưng ba đứa cháu khủng khiếp. Đi đâu Ngoại cũng dắt tụi tôi theo để khoe cháu ngoại.

Hồi đó, ông Ngoại làm nghề lái xe hàng liên tỉnh, thường xuyên vắng nhà. Rồi ông Ngoại đi ở hẳn với bà ngoại nhỏ làm bà Ngoại tôi mất ăn mất ngủ khóc lóc vật vã bao nhiêu là ngày trời. Thời đó xe cộ khó khăn, vậy mà Ngoại cũng tìm đến tận nhà địch thủ để quánh ghen. Quánh đâu không thấy chỉ thấy sau đó Ngoại đem ba đứa con riêng của ông Ngoại về nhà nuôi. Tại Ngoại thấy mấy đứa nó tội nghiệp quá, nắng miền trung làm tụi nó đen đúa, rách nát, khờ căm à. Từ dạo đó, Ngoại thương và lo lắng sắm sửa cho ba đứa đó còn hơn tụi tôi nữa. Tự dưng ba đứa cháu ngoại xém bị ra rìa luôn. Cái nhà nhỏ xíu mà có tới sáu đứa con nít ngang ngang nhau nên chuyện ganh ghét quánh lộn là bình thường. Có tới hai phe mà bà Ngoại bênh phe kia ra mặt luôn. Phe kia cũng quấn quýt và gọi Ngoại bằng cái tên rất trìu mến: Má Ngoại ;)). Vậy đó, Ngoại tôi chứng minh cái câu "mấy đời bánh đúc có xương..." là sai bét. Ít ra là thời đó, ai cũng dòm thấy Ngoại thương mấy đứa con cùng ba với Má tôi như con ruột của Ngoại. Đến giờ đã mấy chục năm rồi, dì cháu anh em nhà tôi trải qua nhiều khó khăn sóng gió nên giờ sống khá là hòa thuận vui vẻ, hơn hẳn nhiều nhà khác.

Hồi đó, nhà Ngoại nhỏ xíu xiu lại nằm trong hẻm sâu thăm thẳm vậy chứ lúc nào cũng có khách viếng. Khách dưới quê lên chơi cho biết Sài Gòn, lên thăm ông bà Ngoại, lên khám bệnh, lên xin tiền, lên ở trọ đi học đi làm... Với ai Ngoại cũng niềm nở, ở bao lâu cũng được. Ở, Ngoại nuôi cơm không tốn tiền rồi, lúc về Ngoại dấm dúi tiền cho đi xe nữa. Còn chuyện Ngoại cho quần cho áo cho hết đồ đạc trong nhà là chuyện thường tình. Ông Ngoại không bao giờ rầy bà Ngoại về vụ này. Chỉ có Má là hay cằn nhằn. Mỗi lần Má nhằn, Ngoại chỉ cười cười "thôi kệ đi, người ta khổ mà, mai mốt mình sắm lại mấy hồi..." 

Hồi đó, bà Ngoại bán thịt ở ngoài chợ, cũng có tiếng tăm vì tánh tốt lại hay bán thiếu bán chịu cho người ta. Nhất là mấy người bán cơm, bán hủ tiếu, bán bánh mì xung quanh xóm tôi. Bán thiếu từ sáng tới tối người ta bán hàng xong mới trả tiền cho Ngoại. Hoặc ai khổ khổ không mua thịt thiếu thì mượn tiền xoay làm vốn một hai bữa. Dân nghèo buôn gánh bán bưng chạy ăn từng bữa với mấy người bán vé chợ đen ngoài rạp hát HĐ hồi xưa ai mà không biết Ngoại tôi. Nhằm bữa trời mưa dầm dề, người ta bán ế hổng có tiền trả lại than khổ than đói với Ngoại thì thôi Ngoại cho khất luôn bữa khác trả. Có bữa, chẳng những lấy không được tiền mà Ngoại còn về nhà lén Má tôi xúc gạo đem cho người ta nữa... dù nhà tôi lúc đó đâu phải là dư dả lắm đâu...

Tới lúc Ngoại lớn tuổi không còn mua bán gì nữa, Má tôi nợ nần tùm lum, Củ Kiểm (cậu mợ) tôi ở Long Xuyên - là cháu gọi Ngoại tôi bằng cô, cô họ chứ không phải cô ruột - rước Ngoại về ở cho tới khi Ngoại mất. Củ Kiểm tôi có tình cảm rất đặc biệt với Ngoại, thương yêu lo lắng cho Ngoại còn hơn con ruột. Nhất là Kiểm tôi, Kiểm giống và hợp tánh với Ngoại dữ lắm, người ngoài hổng biết tưởng hai má con. Bởi vì, Ngoại đã nuôi năm sáu anh em của Củ tôi suốt từ thời đi học đến đi lính rồi dựng vợ gả chồng. Không riêng gì Củ Kiểm tôi mà hầu như tất cả con cháu của Ngoại đều quý mến Ngoại không thể tả. Có hàng trăm câu chuyện về Ngoại mà tôi đã được nghe. Toàn là tiếng tốt. Tôi còn không nhớ hết chứ thằng em tôi nó thần tượng và ghi nhớ tất cả những kỷ niệm về Ngoại yêu dấu của tụi tôi.

Tôi nhớ như in một bữa tối cuối tháng 9/1997, Củ tôi gọi điện thoại vô chỗ tôi làm, kêu tôi "bình tĩnh nghe củ nói nghe con". Tôi bủn rủn tay chân khi nghe Củ tôi nói bà Ngoại bị đột quỵ mất rồi. Tôi không kịp khóc mà tim thì đập thình thịch, cắm đầu cắm cổ đạp xe một mạch về nhà. Hầu hết mọi người ở nhà đều kêu rú lên đau đớn khi nghe tin dữ. Lối xóm bàng hoàng. Ông Ngoại tôi khóc nghẹn. Má tôi xỉu lên xỉu xuống. Ba tôi đang xỉn tỉnh hẳn luôn. Ba run run mở tủ đưa cho tôi cái cà rá 5 phân vàng để bán lo đám cho Ngoại. 5 phân vàng của ba chính là tài sản lớn nhất của nhà tôi lúc đó. Rồi chú H, hàng xóm sát vách nhà qua đưa Má tôi 1 cây vàng "đem bán lo cho dì Mười đi, xong rồi tính với anh sau". Rồi dì N, cậu T, dì L, cậu Y,... và rất nhiều người có ơn nghĩa với Ngoại tôi rần rần ráp vô lo cho Ngoại phút cuối không thiếu món gì...

Ngoại được đem về quê an táng theo đúng ước nguyện lúc còn sống. Mặc cho đường xá khó khăn, gần cả trăm người đã đưa Ngoại tôi về quê trên hai chiếc xe đò lớn đi từ lúc ba giờ sáng. Sau khi ngồi xe hơn tám tiếng đồng hồ từ SG về ST, đoàn người phải lội bộ từ ngoài lộ vô ấp thêm năm sáu cây số nữa. Rất đông bà con họ hàng lối xóm ớ quê đã đợi sẵn đón Ngoại ở bến sông đầu đường lộ. Cả trăm thanh niên trai tráng, toàn cháu gọi Ngoại bằng ý (dì), bằng cô, bằng kiểm (mợ), bằng thím, bằng úm (bác gái)... trầm mình dưới nước cẩn thận từng bước một để đưa hòm Ngoại xuống ghe. Ghe khẳm dữ dội làm ai nấy đều thon thót tim. Cuối cùng, sau bao trắc trở đường xa gió bụi, Ngoại đã được về tới nơi quê nhà yên nghỉ trong bình an.

Vậy mà đã 15 năm rồi, những kỷ niệm về Ngoại chưa hề phai nhạt trong tôi. Tôi vẫn nhớ hương vị món bánh tằm bì và món bánh chuối nướng với nước dừa ngọt ngọt mặn mặn có thêm hành lá của Ngoại làm. Tôi nhớ Ngoại hồi đó mỗi ngày đều uống sinh tố mãng cầu mát lạnh, tôi hay canh để múc ké mấy muỗng mà mê tới giờ. Tôi còn mê món bánh dừa nướng mà mỗi lần đi bán về đổ giỏ tiền ra, đứa nào phụ Ngoại đếm tiền sẽ có bánh dừa ăn. Và hổng chừng có thêm mớ tiền lẻ Ngoại cho bỏ túi nữa :).

Thiệt ra, tới tận giờ, mỗi khi nhắc Ngoại, mọi người trong nhà tôi đều có cảm giác như Ngoại vẫn còn sống. Ngoại đang đi về quê chơi thôi. Nhớ Ngoại, lòng tôi luôn có cảm giác ấm áp kỳ lạ... vì tôi biết, tôi mãi mãi là đứa cháu gái duy nhất mà Ngoại cực kỳ thương.

post lại nhớ Ngoại nhân ngày Giỗ (1997 - 2012)

Xem thêm:

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...