Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

Người xưa đã nói...

[thôi bỏ đi X!]

CÁI LẼ SỐNG CHẾT
Mạnh Tôn Dương hỏi Dương Tử: Có kẻ mến đời, yêu thân, cầu cho không chết có nên không?
Dương Tử nói: Có sống thì phải có chết, lẽ nào mà không chết được?
- Thế cầu sống lâu có nên không?
- Lẽ nào sống lâu được? Người ta không phải thích sống mà sống mãi được, yêu thân mà thân còn mãi được. Vả chăng sống lâu để làm gì? Thế tình hay dở, xưa cũng như nay; thân thể an nguy xưa cũng như nay; việc đời vui khổ, xưa cũng như nay; biến đổi trị loạn, xưa cũng như nay; cái gì cũng đã nghe thấy, đã trông thấy, đã từng trải cả rồi, thì sống trong khoảng trăm năm cũng đủ lấy làm chán, huống còn cầu lấy sống lâu để cho khổ làm gì?
Mạnh Tôn Dương nói: Nếu như thế thì chóng chết còn hơn là sống lâu. Ta nên xông vào gươm giáo, nhẩy vào nước lửa để chết ngay đi có thỏa không?
Dương Tử nói: Không phải thế. Đã sinh ra đời, thì lúc sống cứ tự nhiên mặc, muốn làm gì thì làm, cho đến lúc chết. Lúc sắp chết, cũng tự nhiên mặc, muốn hóa ra gì thì hóa cho đến lúc cùng. Lúc sống, lúc chêt, lúc nào cũng tự nhiên như không, hà tất phải quan tâm sống lâu hay chóng chết làm gì? 

MONG LÀM ĐIỀU PHẢI
Nước Lỗ có người ở một mình một nhà. Bên láng giềng có người đàn bà góa cũng ở một mình một nhà.
Một đêm, mưa to, gió lớn, nhà người đàn bà đổ, người đàn bà sang xin ngủ nhờ nhà người láng giềng. Người láng giềng đóng cửa không cho vào. Người đàn bà đứng trước cửa sổ nói rằng: “Ngươi sao bất nhân thế! Không cho ta vào ư”?
Người láng giềng đáp: “Ta nghe đàn ông, đàn bà sáu mươi tuổi trở lên, mới ở chung được, nay người còn trẻ mà ta cũng còn trẻ cho nên ta không cho người vào ngủ nhờ được”.
Người đàn bà nói: “Ngươi sao không làm như ông Liễu Hạ Huệ ủ người con gái ngồi vào lòng mà không tai tiếng gì”?
- “Ông Liễu Hạ Huệ thì thế được, ta đây thật chưa thể được. Ví ta cho ngươi vào, mà ta không được như ông Liễu Hạ Huệ, thì thà rằng, ta không cho ngươi vào mà ta cũng giữ không tai tiếng gì được như ông Liễu Hạ Huệ. Thế chẳng là ta không làm theo như Liễu Hạ Huệ mà cũng được như Liễu Hạ Huệ ư”?
Đức Khổng Tử nghe chuyện, nói: “Phải lắm! Kẻ muốn học ông Liễu Hạ Huệ, chưa ai giống được như người nước Lỗ này: mong làm điều rất phải, không bắt chước cách làm, rồi mà làm được, thế mới thật khôn”. 

KẺ BẤT CHÍNH
 Nước Sở có người có hai vợ. Vợ cả và vợ lẽ cùng đẹp, cùng xinh.
Anh láng giềng ghẹo người vợ cả. Người vợ cả giận và mắng thậm tệ. Anh láng giềng lại ghẹo người vợ lẽ, người vợ lẽ bằng lòng đi lại.
Không bao lâu, người hai vợ ấy chết. Anh láng giềng muốn tính cuộc vuông tròn lại dạm hỏi người vợ cả.
Có kẻ hỏi rằng: “Người vợ cả trước đã mắng anh, người vợ lẽ vẫn có tình với anh, sao bây giờ anh lại định lấy người vợ cả?”
Anh ta đáp: “Lúc người ta còn là vợ người, thì thích kẻ tư tình với mình, lúc người ta đã là vợ mình thì thích kẻ không tư tính với ai. Kẻ trước đã tư tình với tôi, thì rồi ai nó cũng tư tình được, thiên hạ ai cũng là chồng nó được. Cho nên bây giờ tôi không lấy nó”.
Thế mới hay con người bất chính đi làm tôi tớ người ta, dù làm cho người ta bằng lòng đến đâu, người ta vẫn rẻ rúng khinh bỉ. 

TÀI VÀ BẤT TÀI
Một hôm Trang Tử cùng với học trò đi chơi ở trong núi. Thấy một cây to, cành lá rườm rà, có người đốn gỗ chống búa đứng bên, mà không chặt.
Trang Tử hỏi: “Sao không chặt cây này thế?”
Người đốn gỗ đáp: “Cây này tuy thế mà gỗ xấu không dùng được việc”.
Trang Tử nói: “Cây này chỉ vì không ra gì mà sống lâu được mãi”.
Ra khỏi núi, Trang Tử vào chơi nhà một người quen. Chủ nhà vui mừng, bảo người nhà đem chim nhạn làm thịt.
Người nhà hỏi: “Một con gáy được, một con không gáy được, thì làm thịt con nào?”
Chủ bảo: “Làm con không gáy”.
Hôm sau, học trò hỏi Trang Tử rằng:
“Cái cây ở núi vì bất tài mà được sống lâu, con nhạn ở nhà chủ vì bất tài mà phải giết chết. Giá như tiên sinh thì xử vào địa vị tài hay bất tài?”
Trang Tử cười, rồi nói: “Ta xử vào trong cái khoảng giữa tài và bất tài. Như vậy, thì tránh khỏi được tai nạn song chưa phải là kế vẹn toàn. Chỉ những bậc đạo đức cao siêu, không quản khen chê, lúc như rồng, lúc như rắn, không hẳn rõ ra tài hay bất tài, lúc lên, lúc xuống, chỉ cốt lấy đức hòa làm mực, siêu việt cả muôn vật, tuy là người mà lại khác người… Những bậc như thế, thì còn gì lụy đến thân được! Còn thói đời thường tình nào có thế? Hợp với người, thì có lúc lìa tan; làm nên việc, thì có người nghị luận; ngay thẳng thì bị đè nén; tôn trọng thì bị chê bai; làm thì có kẻ phá; giỏi thì có người ghen; không ra gì, thì thiên hạ lại khinh bỉ… Nhân tình như thế thì làm thế nào được? Thương ôi! Các người nên ghi lấy: chỉ có đạo đức mới khỏi lụy mà thôi”.


2 nhận xét:

  1. Ngày xưa chị cũng thích đọc mấy cuốn cổ học tinh hoa như vậy. Bây giờ vẫn thích nhưng không có thời gian. Bởi vì đọc những sách này phải có thời gian nghiền ngẫm...

    Trả lờiXóa

cám ơn bạn đã ghé qua blog này.
sự hiện diện của bạn (ở đây) là niềm vinh hạnh cho (MX) tôi ;))

Xem thêm:

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...