Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013
Đám giỗ
1.
Chưa tới ngày giỗ đầu của ba, đã có nhiều người gọi điện hỏi thăm má. Nhiều người hỏi quá nên má phải tính chuyện làm giỗ đầu cho ba. Vì nhà tôi nằm trong hẻm nhỏ chật ních, bà con lối xóm của tôi hầu như rất ít nhà đãi tiệc giỗ nhiều bàn. Thường, chỉ có tụ họp gia đình ăn bữa cơm tưởng nhớ người đã mất thôi. Bữa trưa thứ ba này, giỗ đầu của ba được anh em tôi tổ chức xôm tụ náo nhiệt, giống y như tánh ý ba lúc còn sống. Bà con hai họ nội ngoại gần xa từ SG cho đến LX, ST, BT, BD tề tựu khá đông đủ. Bạn bè, con cháu, lối xóm thân thiết của ba cũng có mặt chật cứng cái hẻm nhỏ. Dì tôi rất quý ông anh rể vui tánh là ba tôi nên đứng ra đảm nhận vị trí bếp chính. Vốn bản tính kỹ lưỡng và cầu toàn, hồi ba còn sống, dì làm món gì cũng rất hợp ý ba. Má lo tiếp khách, còn mấy anh em tôi thì lăng xăng chạy bàn. Cực nhưng mà vui. Ai đến dự cũng nhắc ba, nhớ ba. Hầu như ai ngồi trong bàn cũng có kỷ niệm với ba để kể. Tưởng như ba đang hiện diện ở đây chứ chẳng hề đi đâu xa.
2.
Hôm nay giỗ bà nội tôi. Giỗ ông nội cách giỗ bà nội đúng một tháng nên các cô chú tôi từ lâu đã thống nhất làm chung một ngày 27/7 cho dễ nhớ. Nhằm ngày hè nên con cháu tề tựu về quê rất đông vui. Nhớ nội, tôi chỉ muốn trích lại một cái note cũ tôi đã viết rất lâu, từ 2010.
...
Suốt đời tôi không bao giờ quên những buổi sáng thức giấc trong căn nhà lá xiêu vẹo của nội tôi ở Nhơn Mỹ, Chợ Mới, An Giang. Không khí trong lành mát mẻ, chim hót ríu rít, cả một không gian trước mắt tôi rộng lớn, xanh tươi, mơn mởn với ruộng lúa và sông nước ngút ngàn. Tôi nhớ không quên bữa cơm nội nấu cho anh em tôi ăn. Chỉ có canh bầu hái ngoài vườn sau nhà, thịt ba rọi kho tiêu thơm lừng với những chén cơm bằng sành mẻ miệng, hạt cơm nở to như hạt đậu và thơm ngát mùi lúa mới. Chiều chiều, nội tôi lại đi kêu người ta bắt cua đồng về bỏ vô nồi luộc cho mấy đứa tôi ăn, ngọt ngon không thể tả. Tối tối, dưới ánh đèn dầu leo lét, mấy bà cháu nằm rỉ rả nói chuyện đời xưa cho đến khi tụi tôi thiếp đi lúc nào không hay... Cứ thế, tuổi thơ của anh em tôi trôi qua êm đềm mỗi khi hè đến, ba tôi nghỉ phép và dẫn ba đứa về quê. Có khi ở cả nửa tháng đến một tháng, từ Long Xuyên, Nhơn Mỹ qua tận Sóc Trăng. Tha hồ tắm sông, thả diều, lội ruộng, bắt cua, bắt cá...
Bà nội tôi hiền thiệt là hiền. Lúc nào nội cũng nhẫn nhịn hy sinh cho chồng con trước tiên. Tam tòng tứ đức nội gần như có đủ. Dù cuộc sống cực khổ trăm bề nhưng nội tôi luôn lạc quan. Máu khôi hài của nội còn di truyền lại cho các con cháu đời sau, cho nên mỗi lần nhà bên nội tôi tụ tập ăn uống hay giỗ đám gì là tràn ngập tiếng cười. Biết bao giai thoại tiếu lâm về nội được các cô chú tôi nhắc lại. Tôi vẫn nhớ dáng nội cao lớn, hay ngồi trên đi-văng kể chuyện rất có duyên làm cho cả nhà cười nắc nẻ. Rồi khi lắng nghe con cháu kể chuyện, dù vui dù buồn, nội cũng chỉ cảm thán có một câu một: "Chúa bà ơi!". Tôi vẫn nhớ đôi bàn tay to bè và hai bàn chân có ngón cái rất lớn của nội. Sau này, có lần nhìn thấy bàn chân tôi, mấy cô tôi ứa nước mắt nói tôi có đôi bàn chân giống y chang nội.
...
3.
Ngày mai là giỗ ông ngoại tôi. Nghe má kể, cuộc đời ông ngoại từ thời trai trẻ đã rất cơ cực. Khi má mới tám tuổi, ông bà ngoại dắt má lên SG ở trọ, làm đủ thứ nghề để mưu sinh. Bà ngoại đi làm giúp việc, mua bán lặt vặt. Còn ông ngoại thì làm ai kêu gì làm nấy, toàn việc nặng nhọc như phụ hồ, bốc vác, lơ xe. Sau cùng, nhờ mê đá banh mà ông ngoại đổi đời. Ông ngoại đá banh rất hay nên mấy năm liền được ở vị trí tiền đạo của đội banh một hợp tác xã xe buýt hồi xưa, đi thi đấu ở đâu là thắng ở đó. Từ một lơ xe được trọng dụng cho đi học lên làm tài xế. Ban ngày làm tài xế xe buýt, buổi tối ông ngoại còn lái taxi kiếm thêm. Dần dần, cuộc sống cũng ổn định.
Khi còn nhỏ, tôi rất ít gặp ông ngoại ở nhà. Đó là khoảng thời gian ông ngoại ngược xuôi trên những chuyến xe bắc nam. Và gầy dựng thêm một gia đình mới ở miền trung xa xôi. Đến tận những năm tôi 14 - 15 tuổi, gia đình nợ nần suy sụp, từ một người nghiện rượu say sưa bê bết, ông ngoại đã bỏ hết mọi sự quay về nhà. Bỏ cái rụp. Làm lại từ đầu ở tuổi 60. Ông ngoại dãi nắng dầm mưa với một xe thuốc lá ở đầu hẻm để nuôi mấy dì cháu anh em tôi và trả nợ. Tướng tá ông ngoại không có cao lớn nhưng rất nhanh nhẹn, tháo vát. Năm giờ sáng, ông ngoại đẩy xe ra, vừa tập thể dục vừa bán. Cả ngày vừa bán vừa trò chuyện với mấy bạn già của ông ngoại. Buổi tối, nếu không có bạn già nào ngồi chung, ông ngoại sẽ có một cuốn sách để làm bạn. Đến tận mười một mười hai giờ đêm mới đẩy xe vô nhà mặc cho mấy đứa tôi nài nỉ ông ngoại dọn vô sớm nghỉ ngơi sớm. Dù toàn làm việc chân tay cơ cực nhưng ông ngoại rất có ham mê đọc sách. Ông có cả một tủ sách ở nhà và thuộc làu Tam Quốc Chí, Thủy Hử và mấy truyện kiếm hiệp Kim Dung.
Có biết bao nhiêu chuyện tôi muốn kể về ông ngoại. Nào là cái ngày ông ngoại gom tiền đi mua cái tivi màu đem về nhà. Ngày ông ngoại làm gan xách thêm một cái đầu đĩa nữa đem về cho tụi tôi coi cho đủ bộ, khỏi đi coi ké nhà người ta. Chuyện ông ngoại dạy dì cháu tôi tự vệ khi gặp kẻ gian quấy rối. Chuyện ông ngoại cự với thằng hãng thuốc 555 rất mắc cười. Chuyện ông ngoại xách cây đi kiếm thằng cha vô cớ quýnh anh hai tôi khiến cả nhà người ta phải năn nỉ xin lỗi. Chuyện ông ngoại có một chiếc xe PC màu xanh rất chiến. Những thói quen ông ngoại thường làm vào ngày mùng một tết. Những món ăn ưa thích nhất của ông ngoại ngày này qua ngày khác. Chuyện ông ngoại tôi lo lắng đùm bọc đám con cháu ở quê lên SG đi học đi làm, kể cả đám con cháu bên vợ. Chuyện ông ngoại uốn nắn và trị hai cái chân vòng kiềng của ông cậu tôi. Chuyện ông ngoại cưng má với hai bà dì của tôi ra làm sao. Chuyện ông ngoại thân với chú P. từng ở tù hai chục năm về tội giết người từ trước giải phóng được thả ra, chỉ có chú Mười - là ông ngoại tôi - hay động viên trò chuyện. Tôi vẫn nhớ như in ngày ông ngoại phải nhập viện vì làm việc quá sức trong một ngày nắng nóng tháng năm. Những ngày ông ngoại bị liệt nằm một chỗ không nói được nhưng cái gì cũng biết cũng nhớ...
4.
Chỉ trong một tuần cuối tháng bảy này, nhà tôi có ba cái đám giỗ liền kề nhau. Tôi chỉ muốn nhắc lại một câu mà tôi đã từng viết trong những ngày này năm ngoái... Kể ra thì họ - ba, ông bà ngoại và ông bà nội tôi - không để lại của cải gì lớn lao cho anh em tôi, cũng không để lại những giá trị sống có ý nghĩa to tát... Nhưng cái mà họ để lại là những cảm tình rất đẹp và đáng tự hào của mọi người dành cho họ. Họ còn để lại cho anh em tôi một đại gia đình sống yêu thương và tình cảm vô vàn :).
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
cám ơn bạn đã ghé qua blog này.
sự hiện diện của bạn (ở đây) là niềm vinh hạnh cho (MX) tôi ;))