Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

Lọng cọng (17)

1.
Cô ba hậu đậu làm nhỏ Kachi bị phỏng bô. Hơi bị nặng. Nó đau, nó khóc nức khóc nở khóc tức khóc tưởi. Cô Ba lúc đầu tưởng nó quấy, ai dè coi lại vết phỏng thấy điếng hồn, xức thuốc xong liền khoanh tay hát bài "am-sò-ri" để xin lỗi nó. Nó đang khóc tự dưng bật cười khanh khách. Cười rồi khóc. Khóc rồi cười. Chú Hiển đứng kế bên chọc quê nó "vừa khóc vừa cười ăn mười cục su-gus". Nó nghỉ học ở nhà một ngày, gặp mặt cô ba là kêu "cô ba xin lỗi con đi". Cô ba nó liền ngoan ngoãn khoanh tay xin lỗi cho nó cười khoái chí chơi.

2.
Bà dì mua cái tv gửi về quê được khuyến mãi tặng kèm bộ ấm trà sứ màu xanh đẹp mắt. Hai dì cháu xớn xác coi hổng kỹ, mấy bữa sau mở ra mới thấy nó bị sứt cái quai. Lu bu cộng với làm biếng nên qua đợt rồi cũng hổng đi đổi, vậy là ôm sô. Bữa, nhằm lúc rảnh, lôi ra, lấy keo dán sắt cặm cụi ngồi dán. Nhỏ em dâu đi ngang, ái ngại "có được hôn đó chị!?". Anh hai đi ngang, hỏi đố "bây giờ mày dán thì thấy nó chắc lắm, tới lúc người ta đem ra xài, châm nước sôi đầy bình, nó gãy ngang rồi sao X.??". Bà dì đi ngang, xua tay "thôi mày bỏ dùm đi X., tiếc làm gì nữa, nó bằng sành sứ, đã gãy rồi làm sao mà dán lại rồi xài được!?". Nhỏ X. cầm cái bình đứng dậy, đi lại bật nắp cái thùng rác, liệng vô, mặt rạng rỡ như trút đi gánh nặng ngàn cân "ờ, thôi bỏ đi, cái gì đã bể vỡ rồi thì đừng có cố mà hàn gắn hoài ha!?".

3.
Tui rất là ngưỡng mộ hai cha con ông Tư hàng xóm mới dọn về ở gần nhà tui chừng vài năm nay. Ông Tư hồi xưa làm cán bộ gì đó cũng có thớ lắm, giờ ông lớn tuổi bị tai biến ngồi một chỗ. Anh Hai con lớn nhất của ông Tư làm bên điện lực, tầm năm chục tuổi, ảnh giống ba ảnh, dáng người cao lớn mặt mày phúc hậu. Và ảnh có hiếu dã man. Trưa trưa, ảnh đi làm về là ghé ngang, ngồi đút ba ảnh từng muỗng cơm từng ly sữa. Chiều chiều, ảnh đi làm về là ghé ngang, tập ba ảnh từng động tác vật lý trị liệu, dìu ba ảnh tập đi từng bước tập nói từng chữ. Có lần tui đứng gần đó, thấy ảnh đang đút cơm mà ông Tư át xì một cái mạnh văng cơm đầy mặt ảnh, xong hai cha con cười hắc hắc. Rồi anh Hai vừa lấy khăn nhẹ nhàng lau miệng cho ông Tư, vừa tự lau mặt ảnh, vừa nói giỡn gì đó mà ông Tư cười như đứa con nít. Cái cảnh tượng đó đẹp vô cùng :).
Cách đây mấy tháng, bà Tư ở nhà đút cho ông Tư ăn cái bánh ít. Hổng biết nhai nuốt làm sao mà cái bánh ít nó làm ông Tư nghẹn thở tím tái người, phải đưa đi cấp cứu. Ông nằm hôn mê mấy tháng trời, bác sĩ toàn tiên lượng xấu, kêu người nhà đem về. Nhưng còn có anh Hai chăm sóc, ảnh chưa bao giờ bỏ cuộc, nên cuối cùng ông Tư cũng có ngày xuất viện, dù thấy ông có vẻ yếu hơn rất nhiều, không còn tươi cười như lúc trước. Bây giờ, lúc nào đi ngang, tui cũng thấy anh Hai quấn quýt chăm sóc ông già: lúc cho ăn, lúc lau mình, lúc xoa bóp, lúc tập thể dục...
Hôm rồi, nghe chị Tám trong xóm hỏi thăm bà Tư. Hai người nói qua nói lại, bà Tư kể chị Tám nghe chuyện anh Hai đã đổ hông biết bao là nhiêu nhân sâm, nước yến, đồ bổ cho ông Tư rồi ổng mới được như dzậy đó. Chị Tám kia gật gù, hèn gì tại anh Hai ảnh chăm ông già dữ quá mà sao ổng đi nổi!? tuổi này bệnh tật đau yếu đi là vừa rồi, cho nó khỏe thân, sống thực vật dzậy chẳng khác nào hành xác!? Chị Tám còn hỏi chớ anh Hai ảnh có cho dì ăn miếng yến nào hôn? Bà Tư im thin. Chị Tám tiếp tục tám: sao người còn khỏe mạnh đây ảnh hổng chăm lo, lo chi cho người sống thực vật dzậy chời!? Tui nghe tiếng bà Tư nói lí nhí "thôi, cô đừng nói nữa, cô nói hồi tui tủi thân tui khóc bi giờ...".
Tui thấy hơi giận trong bụng, có lẽ bà Tư chỉ hơi giận lẫy anh Hai chút xíu thôi, nhưng chị Tám kia chỉ nói dzậy hổng lẽ anh Hai thần tượng của tui ảnh làm sai sao??

4.
Coi phim HK, tui khoái nghe cái câu này lắm: "đã ra đời làm ăn, không nói đến tiền bạc, chỉ nói đến chuyện nghĩa khí thôi...". Dzậy có thể nói giang hồ xưa nay vẫn coi trọng nghĩa khí hơn tiền bạc. Mà MX tui bước chân ra giang hồ đã lâu, may mắn quen biết được không ít người coi trọng tình cảm hơn là vật chất, nghĩa khí hơn là tiền bạc. Chỉ có một số ít, rất ít người, coi đồng tiền như cái bánh xe bò. Dĩ nhiên, nào giờ người ta vẫn nói tiền bạc không mang lại hạnh phúc, và tui cũng tin, tiền bạc không hề mang lại sự chia rẽ... nếu như, người ta không quá coi trọng tiền bạc mà xem thường nghĩa khí ở đời.

5.
Tình cờ đọc được câu này, thấy cũng hay, lưu lại để nhớ: "Bạn nên học hỏi từ những sai lầm của người khác, bởi bạn sống không đủ lâu để phạm tất cả các sai lầm."

ngó sân thượng của Má đã thấy không khí Giáng sinh rồi :)


2 nhận xét:

  1. Thương nhỏ Kachi quá! Cô Ba cố chữa, đừng để cho nhỏ sau này có sẹo phỏng bô xấu lắm nghen!

    Trả lờiXóa

cám ơn bạn đã ghé qua blog này.
sự hiện diện của bạn (ở đây) là niềm vinh hạnh cho (MX) tôi ;))

Xem thêm:

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...