Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013

Xuân Hạ Thu Đông rồi lại Xuân

Lâu lắm rồi tôi mới coi được trọn vẹn một bộ phim. Xong, tôi lại thao thức với nó và không thôi nghĩ về nó. Định viết một vài điều mà mình đã cảm nghiệm được, nhưng nghiệm tới nghiệm lui lại e là mình không đủ sức để viết ra. Bữa nay tình cờ đọc được một bài review hay và sâu sắc nên post để lưu lại (nguồn ở đây)

‘Xuân, hạ, thu, đông rồi lại xuân’ - chuyện của 4 mùa

Bộ phim được chia thành 5 phần, tương ứng với các mùa trên nhan đề: Xuân, Hạ, Thu, Đông rồi lại Xuân. Bối cảnh phim đặt tại nơi thâm sơn cùng cốc, nơi có một cái hồ nhỏ được bao phủ bởi núi rừng, giữa hồ là một ngôi chùa nhỏ. Ở đó có một vị cao tăng và một chú tiểu hằng ngày ăn chay, tụng kinh niệm Phật, vào rừng hái thuốc, sống chan hòa với thiên nhiên.

ssfws-jpg-1366736087_500x0.jpg

Đặt nhân vật của mình trong một bối cảnh mang đầy tính thiện như thế, Kim Ki Duk dường như phá vỡ quan điểm truyền thống vốn có thói quen đổ lỗi cho hoàn cảnh làm tha hóa con người. Ông muốn nhấn mạnh cái ác như một bản chất của con người, một điều không tránh khỏi, cho dù con người ở bất cứ đâu và là bất cứ ai.

Bộ phim bắt đầu vào mùa Xuân, chú tiểu do buồn chán đã lần lượt lấy dây buộc những hòn đá nhỏ vào ba con vật: Cá, Ếch và Rắn. Nhìn những con vật di chuyển chật vật khó khăn, chú cười phá lên vô tư mà không hề biết rằng toàn bộ những hoạt động của mình đều lọt vào tầm mắt nghiêm khắc của sư phụ. Vị sư phụ không can thiệp ngay, đợi cho đến đêm tối bèn buộc đá vào lưng chú tiểu để cho chú hiểu được tội ác của mình đối với mấy con vật. Sư phụ bắt chú phải quay trở lại giải phóng cho Cá, Ếch và Rắn cùng lời đe “Nếu một trong những nhân vật đó chết, con sẽ phải chịu dằn vặt suốt cuộc đời”.

Trong ba con vật đó, Cá và Rắn đã chết. Chú Tiểu bật khóc nức nở. Đó là nước mắt của sự sám hối muộn màng, sự thức tỉnh của lương tâm hay đó là sự sợ hãi trước cái nghiệp mà chú sẽ phải gánh chịu suốt đời vì đã gây ra những cái chết đó? Khán giả không thể biết chắc được. Chưa kịp thấm nhuần bài học về nhân quả, nghiệp báo, mùa xuân của trời đất và của đời người đã qua đi…

Rồi mùa Hạ, mùa Thu và mùa Đông nối tiếp nhau. Chú tiểu dần lớn lên, ngã vào tình yêu, phạm giới luật, bỏ đi, giết người, cuối cùng trở về thành một ông sư… Như thể trải qua mọi hỷ, nộ, ái, ố của cuộc đời, người ta mới đủ sức rũ bỏ được mọi ham muốn của cuộc sống trần tục để quay về với con đường tu hành. “Sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc” - những hàng chữ trong Bát nhã tâm kinh mà chú tiểu xưa lấy dao khắc ở chùa, có lẽ đi đến tận cùng cũng được lĩnh hội.

Spring, Summer, Fall, Winter and Spring cũng đầy ám ảnh về lẽ nhân quả, báo ứng ở đời. Chú tiểu xưa từng đeo đá hại chết những con vật vô tội về sau phải trải qua bao nhiêu sóng gió, khổ đau như một cách trả nợ. Gần cuối phim, chú tiểu, giờ đã trở thành một người đàn ông trung tuổi (do chính đạo diễn Kim Ki Duk diễn xuất), vai mang đá nặng, tay cầm tượng Phật trèo lên núi cao như một cách để sám hối, chuộc tội. Đây cũng là một hình ảnh biểu tượng cho việc con người luôn phải trả giá cho những nghiệp báo được tạo ra từ những lỗi lầm trong quá khứ.

1184702809493-jpg-1366736087_500x0.jpg

Spring, Summer, Fall, Winter… and Spring sẽ là một phim hay nếu dừng lại ở đây, khi câu chuyện chấm dứt ở thế hệ sư nam thứ hai biết quay đầu là bờ, phục thiện. Nhưng bộ phim đã trở nên đặc biệt xuất sắc, xuất chúng khi có thêm một phần nữa “và mùa Xuân”, tạo thành một vòng tròn khép kín với phần đầu, thể hiện sự tuần hoàn của tạo hóa.

Vẫn lại có một vị sư già và một chú tiểu nhỏ sống êm đềm bên nhau. Chú tiểu vì nhàm chán lại tìm cách hành hạ các con vật để mua vui, lần này tăng mức độ độc ác lên bằng cách nhét sỏi vào miệng cá, ếch và rắn. Nếu cứ chăm chú quan sát thì chẳng cuộc đời nào giống cuộc đời nào, nhưng nếu từ cao và xa nhìn xuống thì sẽ thấy mọi thứ chẳng qua chỉ là sự lặp đi lặp lại, đời này qua đời khác, chẳng có gì thay đổi. Con người vẫn lặp đi lặp lại những lỗi lầm cũ và phải trả giá đắt cho những hành động của mình.

Giống như hầu hết những bộ phim khác của Kim Ki Duk; Spring, Summer, Fall, Winter… and Spring sử dụng rất ít lời thoại. Hai phần cuối của phim là mùa Đông và mùa Xuân gần như vắng bóng hoàn toàn âm thanh, tiếng nói của con người. Đạo diễn Kim Ki Duk diễn giải một cách xuất sắc cho sự lựa chọn có chủ ý của mình: “Tôi không cố ý giảm lời thoại trong phim, mà đơn giản tôi nghĩ, im lặng cũng là thoại”.

Phần hình ảnh đóng một vai trò quan trọng trong việc thể hiện chủ đề phim. Xuyên suốt bộ phim là hình ảnh cánh cửa mở ra khép vào như một hình thức giới thiệu các mùa. Cảnh mây trời vẩn đục che lấp mặt trời khi chú tiểu dứt áo ra đi đuổi theo tình yêu đầu đời như dự báo về một tương lai nhiều sóng gió. Những đường kim mũi chỉ vội vã của người sư phụ khi đọc được mẩu tin về người chồng giết vợ cho thấy người sư già đã nhận ra người học trò nhỏ của mình và biết rằng cậu sẽ quay trở về.

[Caption]

Hình ảnh con thuyền chở hai người cảnh sát và chú tiểu sang bờ bên kia chợt khựng lại, không đi nữa thể hiện sự vương vấn, nặng lòng của người sư thầy đối với học trò của mình. Bộ phim hầu như không có cảnh quay thừa và mỗi cảnh quay đều được gửi gắm dụng ý riêng của đạo diễn. Rõ ràng cảnh quay trong phim giàu tính ẩn dụ, thậm chí còn diễn đạt hùng hồn hơn cả lời nói.

Spring, Summer, Fall, Winter… and Spring còn khiến khán giả say mê vì những khung cảnh thiên nhiên đẹp như tranh vẽ. Đó là khu hồ vào mùa Xuân với làn nước trong veo và cây cối bừng bừng sức sống, mùa Hạ với những cơn mưa bất chợt, sóng lăn tăn mặt hồ, mùa Thu với lá phong đỏ rực, mùa Đông với băng tuyết phủ trắng xóa. Cảnh ngôi chùa nhỏ xinh, rêu phong cổ kính tọa lạc giữa mặt hồ bao quanh là rừng cây đặc biệt thơ mộng. Cảnh người đàn ông tóc điểm bạc lặng lẽ đi một mình giữa băng giá gây ám ảnh mạnh mẽ.

Bộ phim để lại một cảm giác đặc biệt pha trộn giữa nặng nề và nhẹ nhõm. Cảm giác nặng nề bởi vì phim gợi nên quá nhiều trăn trở về cuộc sống, tình yêu, cám dỗ, sự sa ngã và cứu rỗi cũng như quy luật nhân quả. Tuy nhiên cảm giác nhẹ nhõm thanh bình cũng sẽ đến với khán giả, vì sau tất cả mọi chuyện, hình ảnh cuối phim vẫn là Tượng Phật ung dung dưới nắng trời, từ trên cao nhìn xuống toàn bộ khu hồ và thế giới loài người. Từ điểm nhìn ấy, khán giả sẽ cảm thấy mọi lo lắng, phiền muộn của mình đều phù phiếm nhỏ bé, chẳng có gì đáng kể.

Đạo diễn Kim Ki Duk từng chia sẻ: “Phim tôi không có lời đáp, mà luôn đưa ra những câu hỏi”. Spring, Summer, Fall, Winter… and Spring sẽ không cầm tay chỉ lối khán giả đến bất kỳ một con đường, một quan điểm sống nào. Bộ phim chỉ đặt ra những vấn đề giàu tính khơi gợi, khiến khán giả muốn dừng lại ngẫm ngợi về cuộc đời để từ đó tìm ra câu trả lời của riêng mình và sống sâu sắc hơn.

(Anh Trâm)

Ngắn thôi (11)

Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2013

Bạn Tin

tự nhiên bữa nay nhìn bạn Lộc nhớ bạn Tin da diết, nên lục lại note cũ

Bạn Tin mới 10 tuổi, có đôi mắt rất to và buồn.

Lúc Tin còn nhỏ, được mẹ dắt đi chơi xa. Tin về kể với nội, con với mẹ với chú kia ở trong căn phòng đẹp lắm, tự nhiên chú kia bắt con nằm quay mặt vô tường rồi làm gì mẹ đó, con nghe... Nội muốn chết ngất, không cho Tin kể nữa.

Mẹ và ba Tin ly hôn. Tin ở với ông bà nội, em gái Tin ở với ông bà ngoại.

Mẹ lấy chú kia, có thêm đứa con nhỏ nữa. Mẹ Tin gặp Tin không dòm. Chú kia cũng không dòm Tin. Ba Tin làm lái xe đi suốt, cũng ít khi dòm ngó tới Tin. Tin ngơ ngác. Tin bơ vơ. Tin thiếu tình thương trầm trọng.

Giờ, ba Tin lấy vợ. Tin không nói chuyện với ai ba ngày liền. Tối mới sáu giờ chui vô mùng ngủ. Cô Tin thương Tin lắm. Cô sợ Tin bị trầm cảm, lúc nào cũng để mắt đến Tin. Ngày rước dâu, Tin cũng mặc đồ mới, mặt lạnh ngắt. Tin nhìn cô dâu chú rể chăm chăm không chớp mắt. Cô dâu lại gần Tin nở nụ cười lấy lòng rồi hỏi: "Nhớ cô không?", Tin lạnh lùng trả lời: "Không, con nhớ hôm bữa ba con đi với cô khác mà".

Tiệc cưới đông đúc ồn ào, Tin đứng tựa cửa nhìn ba Tin sánh vai cô dâu lên sân khấu. Cô Tin đi ra kêu Tin vô ngồi bàn. Tin không nói không rằng cứ đứng chôn chân ở đó nhìn về hướng sân khấu. Ánh mắt của Tin buồn không thể tả.

Tôi chỉ nghĩ được một điều: phải chi Tin cứ khóc thiệt lớn!

(Xúc cảm mạnh khi nhìn thấy ánh mắt buồn tê tái của cháu một người bạn - Đà Lạt 12.9.2010

Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

Một ngày như mọi ngày

Sức khỏe Má dạo này không tốt lắm nên bị em giành quyền đi chợ từ mấy tuần nay. Phải nói là em vô cùng thích thú. Sáng sáng em dậy sớm lơn tơn đi bộ băng qua mấy cái hẻm nhỏ để ra chợ. Em nhìn ngắm những gian hàng đầy ắp đồ đạc, em lắng nghe tiếng rao hàng trả giá rộn ràng của người bán kẻ mua, em thấy mình như hòa nhập vào không khí ồn ào sôi động của cái chợ thân thương mà em đã quen biết mấy chục năm nay rồi. Từ bữa nhận lãnh trách nhiệm này, mỗi sáng được đi chợ, em luôn thấy tâm trạng nhẹ nhàng phơi phới, nhất là những khi gặp người quen. Em và họ chào nhau bằng nụ cười tươi rói và vài lời thăm hỏi xã giao "Má... đâu?", "Sao bữa nay... đi chợ?", "Bữa nay... cho ăn món gì dzạ?" "Cái này... mua bao nhiêu dzạ?". Cuối tuần, dẫn nhỏ Kachi đi theo, em trả lời còn mỏi miệng hơn bởi gặp ai quen nó cũng kêu réo tên người ta trước. Mới bây lớn mà biết xã giao dễ sợ luôn :)


Tầm chín giờ sáng, em đeo cái laptop lên vai, lơn tơn đi bộ ra cửa hàng cách nhà chừng năm phút. Mở cửa, vệ sinh, dọn dẹp, trưng bày hàng hóa chừng một tiếng đồng hồ. Mở laptop lên. Liếc sơ cập nhật cái tin tức thời sự xong là em say sưa úp úp cười cười nói nói bán bán tới gần năm giờ chiều. Một mình một cửa hàng, em tất bật vừa lo nhập hàng, chụp ảnh, chỉnh sửa, quản trị web, nhận đặt hàng qua điện thoại, tiếp khách bán hàng, vừa đăng vừa úp quảng cáo trên cả chục website. Em đã nói ai mướn được em là phước của họ cho nên tám tiếng đồng hồ, chỉ tập trung chuyên môn, của em trôi qua thiệt nhanh, nhẹ và hiệu quả. Trong tám tiếng đồng hồ đó, em hầu như không có một xíu thời gian nào để nghĩ ngợi để buồn phiền để nhớ nhung ai.

Chiều tối, đi Lễ về, em lại chở hai đứa bạn nhỏ đi vòng vòng đâu đó để giảm stress cho cả nhà, đồng thời trả lại sự yên tĩnh cho lối xóm xung quanh. Đến khi tiễn hai bạn nhỏ lên giường đi ngủ, tầm chín giờ tối, em lại một mình. Em loay hoay. Em nhớ. Em buồn. Em giận. Em nghĩ quẩn đủ thứ. Biết làm thế nào bây giờ, bởi đôi khi, em vẫn còn oán trách cái người đã phá vỡ tan tành giấc mơ gia đình hạnh phúc của em. Ngày nào cũng như ngày nấy, em chỉ làm khó mình được nhiêu đó. Rồi thôi. Em lại tự ve vuốt nỗi buồn và cơn giận của mình. Khi mọi cảm giác tiêu cực đã lắng xuống, em lại nằm yên, ngó mông lung lên cái đồng hồ treo tường. Lần nào cũng như lần nấy, em rùng mình nhận ra mỗi một phút đã trôi qua không bao giờ quay lại được. Thấy mình đang xài phí phạm mình quá.


Đêm nào em cũng tự ru mình "Ngủ đi, Xuân... Ngày mai sẽ tốt đẹp thôi mà... Ngủ đi, Xuân!". Em chẳng muốn ôm giữ tảng đá đè nặng trên ngực mình hoài. Em muốn yên lành. Nên. Chỉ biết tự ru mình chừng đó thôi. Đêm nào cũng như đêm nấy.

 

Thứ Tư, 24 tháng 4, 2013

Người mẫu

Nghe mẹ nhỏ Kachi kể hôm hổm đi về quê chơi, thấy ông ngoại cầm máy điện thoại lên, nhỏ Kachi chạy ra xa xa đứng làm duyên kêu "ông ngoại! ông ngoại! người mẫu nè! chụp hình đi ông ngoại". Haha. Tại ở nhà cô Hai cô Ba bắt nó làm người mẫu quay phim chụp hình riết rồi nó mới phản xạ được vậy đó...

người mẫu... chuẩn bị đi tiệc tháng trước
người mẫu... ngẫu hứng ở nhà hàng xóm
người mẫu... đời thường
người mẫu... khoái chí nghe nhạc bằng earphone
người mẫu... bị phạt úp mặt vô tường




Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2013

Lọng cọng (12)

Anh có thể trì hoãn, nhưng thời gian thì không (Benjamin Franklin)


1.
Nói tới chuyện lọng cọng, đầu tiên không thể không nói tới chuyện chú Hiển. Dạo này sức khỏe mẹ chú Hiển hổng được tốt lắm nên chiều nào rước nó đi học về cũng gửi gắm chị X. Chỉ có chuyện tắm rửa, cho ăn cơm thôi mà ngày nào nó cũng dậm chân dậm cẳng hát cái điệp khúc "em không muốn chị X tắm cho em, em muốn mẹ em tắm cho em à""em không muốn ăn cơm". Mặc cho nó nhoi nhoi như con dòi, chị X vẫn làm mặt lạnh vừa tắm vừa chọt lét nó "chị X đâu có muốn tắm cho cưng đâu Hiển, mỗi ngày chị X chỉ có mấy chục phút để hành hạ cưng à, để cho chị X hành hạ cho đã đi Hiển". Vậy là mỗi chiều, chú Hiển thì vừa khóc vừa cười, còn nhỏ Kachi thì đứng lấp ló ở của nhà tắm để hí hửng coi cô Ba nó hành hạ chú Hiển. Riết ghiền. Bữa kia, Má thấy nó vô nhà tắm vọc nước ướt áo kêu nó cởi đồ ra Má tắm cho. Nó lắc đầu "con không muốn Má tắm đâu, con muốn chị X tắm cho con à". Rồi nó thò đầu ra kêu "chị X ơi... vô hành hạ em đi, em muốn chị X hành hạ em à". Haha. Nó làm tôi nhoi nhoi nhớ lại lời thề yêu thương và hành hạ ai đó suốt đời của tôi hồi xửa xưa...

2.
Trong một động thái cho thấy sự bực tức của A. với cá nhân tôi, bữa nọ, qua y!m, A. đã có một bài trao đổi với tôi dài thòong. Cốt ý là trách nhiều hơn giận. Chắc là A. đã thành công trong việc thức tỉnh tôi, cho nên sau bữa đó tôi chỉ để bụng cái câu "tại sao em treo chữ Nhẫn khắp nơi mà đụng chuyện chẳng mấy khi thấy em đem ra thực hành??". Tôi lúc đó còn cười nhạt "chữ Nhẫn là chữ mà em phải học cả đời này!". Sau này nghĩ lại, thấy mắc cỡ, A. nói đúng, tôi công nhận là xưa nay tôi chưa từng thấy ai mau thay đổi và khó nắm bắt như tôi đây. Sau này nghĩ lại, may là còn có A. để mình trút, mình hành, mình làm mình làm mẩy. Cho nên, giờ ghi lại ý này, trước là để nhớ cái tình của bạn A., sau là để nhớ mà thực hành chữ Nhẫn.

3.
Bữa nọ, đang chạy xe trên đường Pasteur muốn ra Tân Định mà quên không quẹo Điện Biên Phủ nên tôi ngơ ngẩn một hồi rồi buộc phải đánh một vòng Võ Thị Sáu qua NKKN rồi quẹo lại Điện Biên Phủ ra Hai Bà Trưng... Có hàng vạn cách để người ta đi từ Quận 1 qua Phú Nhuận. Tôi thường đi trục đường này, trên dưới 10 năm, từ CMT8 quẹo NTMK ra Pasteur, xuyên qua một con hẻm sát Phở Ngân rồi ra đường Huỳnh Tịnh Của quẹo phải Lý Chính Thắng là tới dưới chân cầu Kiệu rồi. Sau này, mang tâm trạng lan man lọng cọng, rất nhiều lần, tôi chạy huốt qua cái hẻm nhỏ. Dzậy là phải xách xe chạy một vòng trên mấy con đường mà mình không hề mong muốn. Tôi nhận ra xuyên suốt trục đường Pasteur mà tôi hay đi, bây giờ, toàn là đường một chiều. Từ NTMK, VVT, NĐC, ĐBP, VTS cho tới TQT. Tôi nhận ra con đường đời tôi phải đi, bây giờ, không khó để đi đúng, chỉ sợ tôi mất tập trung. Chỉ cần quờ quạng lọng cọng một chút thôi, tôi sẽ không thể an nhiên quay đầu lại, chỉ có thể đánh một vòng xa hoặc rất xa mà thôi...

4.
Ngứa miệng muốn nói tiếp về cái sê-ri Chuyện Hôn Nhân (6), (7), (8)... mà hồi xưa viết bên blog cũ được chị em hưởng ứng nhiệt liệt. Nhưng thấy hơi lọng cọng. E là tôi lại động chạm tùm lum tới cái dzĩ-dzãng-dzơ-dzáy-dzễ-dzì-dzấu-dziếm của mình nên chùn tay.

5.
Đương thích thú nghiền ngẫm say sưa Xuân Hạ Thu Đông rồi lại Xuân ba bữa nay rồi...

Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2013

Ngắn thôi (10)

Chữ Nhẫn là chữ mà mình phải học cả đời này!

buổi sớm ở Tân Định 19.4.2013

Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

Ngắn thôi (9)


Có cũng như không, không chẳng khác có, nói gì nữa, có gì để nói...

Ngắn thôi (8)



Lọng cọng (11)

1.
Một ngày giữa tháng tư nắng nóng bức bối, chị gọi cho tôi lúc sáng sớm. Chị chỉ hỏi "em khỏe không?" nghe ỉu xìu rồi im thin. Biết là có chuyện chẳng lành bởi chị chưa từng gọi tôi vào buổi sớm. "Có chuyện gì hả chị? chị nói đi, em đang ở một mình trong phòng, em nghe nè". Chị khóc ngất. Tiếng nức nở xen lẫn trong câu chuyện mà chị kể một cách ngắt quãng và khó nhọc làm cho tim tôi thắt lại. Cảm giác của chị, sự đau đớn của chị, nỗi phẫn uất của chị, cả tâm trạng rối rắm hụt hẫng của chị nữa... là những thứ tôi đã từng trải qua. Thứ cảm giác mà chỉ có người trong cuộc hoặc đã từng trải nghiệm thì mới biết thế nào là tan nát cõi lòng! Tôi biết chị sẽ phải đối mặt với những ngày u ám và cay đắng nhất của một người bị phụ bạc. Tôi đã nhìn thấy con đường gồ ghề sắp tới chị sẽ đi. Tôi thương chị khủng khiếp. Tôi thương tôi khủng khiếp. Cái ngày giữa tháng tư nắng nóng bức bối đó, ngày tôi đến nhà chầu khóc điên cuồng, đêm tôi thức tới bốn năm giờ sáng. Không ai hay, không ai thấy, không ai để ý. Đó quả là một ngày rất dài, và rất buồn, với riêng tôi thôi.

2.
Hồi sáng đi chợ, nghe anh kia bán quần thun rao rất lớn làm ai nghe cũng ngoái lại dòm "giá xăng tăng, giá quần tuột... chỉ 40k/cái... mại dô mại dô!". Câu rao ngắn gọn nhưng gây ấn tượng mạnh làm tôi nhớ tới giờ. Bỗng dưng nhớ lại mấy cái truyện trăm chữ tôi viết hồi xửa xưa. Có lẽ tôi nên bắt đầu viết ngắn lại, bởi bây giờ cái gì đơn giản ngắn gọn thì hợp với tôi hơn. Dài dòng quá chỉ làm người ta nặng đầu. Và mau chán. Ai cũng lớn rồi, nói ít hiểu nhiều. Có lẽ nên vậy...

3.
Ngẫu hứng post lại một truyện trăm chữ cũ mèm (8.9.2010), nếu có ai thấy mới hay thấy mình trong đó thì chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên.
Cưới ba tháng, vợ thấy có ngăn kéo chứa đầy thư, ảnh, kỷ niệm của anh với người cũ. Một quyển tập cũ học tiếng Hoa làm vợ chú ý. Trang cuối có hai dòng chữ, một nét con gái tròn trịa: "Anh có yêu em không?" và một là nét của anh: "Em không tin anh sao?".
Vợ khóc lóc. Anh cười xòa bảo quá khứ rồi em!
Huề. Vợ hỏi: "Anh có yêu em không?". Anh ôm vợ vào lòng: "Em không tin anh sao?"
Anh có nhân tình. Vợ càng níu lại, anh và nhân tình càng quấn quýt. Vợ buông tay, cả hai hí hửng nhưng rồi hụt hẫng vì hết hứng. Nhân tình hỏi: "Anh có yêu em không?". Mặt anh dại đi: "Em không tin anh sao?"

4.
Tôi đã từng viết rằng trong những ngày này, nếu mà tôi nói tôi không vui thì là tôi đang tự dối lòng mình. Còn nếu tôi nói tôi không buồn thì chỉ có thể là tôi đang gạt người ta. Giờ phút này nhìn lại, tôi chỉ muốn nói thêm, rằng, tôi chưa bao giờ cho những ngày này là những ngày tồi tệ. Tôi không thấy nó tồi tệ nữa bởi tôi biết những ngày tôi đang sống đều do Chúa ban tặng. Một ngày nào đó, xa thiệt xa giờ phút này, nhìn lại con đường mà mình đã đi qua, tôi tin là tôi sẽ biết ơn Chúa, rất nhiều, vì những khó khăn thử thách mà Người đã gửi đến cho tôi.

5.
Những ngày này, tôi bắt đầu mặc lại những chiếc váy hoa, và đi Lễ mỗi buổi chiều...


Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2013

Ảnh (4)


kỷ niệm Đà Lạt 24.3.2013

 
 
 
 
 
 

Mất ngủ

"Thôi kệ đi, cái gì tới nó tới, cái gì tới rồi cũng qua, cái gì qua rồi cũng quên..."
Mình lại mất ngủ đêm nay rồi. Không thể lý giải được vì sao. Lọ mọ ngồi dậy chỉ để viết lại câu này. Trước là nhắc mình, sau cũng chỉ là nhắc mình thôi.


Thứ Năm, 11 tháng 4, 2013

Họa Trung Hữu Phúc, Phúc Trung Hữu Họa

cho một buổi sáng bình yên

Ngày xưa có một ông vua có rất nhiều cận thần thân tín. Tuy nhiên ông ta tỏ ra đặc biệt yêu mến một người trong số họ bởi người này rất thông minh, giỏi giang và luôn luôn đưa ra những lời khuyên hữu ích.

Một ngày nọ, nhà vua bị một con chó cắn vào ngón tay và vết thương ngày càng trở nên trầm trọng. Nhà vua liền hỏi người cận thần rằng đó có phải một điềm xấu hay không. Người cận thần trả lời: "Đó là điều tốt hay xấu thì khó mà có thể nói trước được, thưa đức vua".

Cuối cùng, ngón tay của nhà vua bị hoại tử nặng và cần phải cắt bỏ. Nhà vua liền hỏi lại người cận thần: "Hẳn đây là một điềm xấu?".

Một lần nữa, người cận thần vẫn trả lời như cũ: "Tốt hay xấu rất khó để nói, thưa đức vua". Nhà vua tức giận tống giam người cận thần của mình.

Vào một ngày nhà vua đi săn trong rừng. Ông khấp khởi mừng thầm khi mải mê đuổi theo một con nai rồi ngày càng dấn sâu hơn vào rừng rậm. Cuối cùng nhà vua nhận thấy mình bị lạc. Điều tồi tệ hơn là ông bị thổ dân bắt lại làm vật tế thần. Nhưng họ bất ngờ nhận ra rằng nhà vua thiếu mất một ngón tay. Ngay lập tức họ thả nhà vua ra vì ông ta không phải là một người đàn ông hoàn hảo và không phù hợp để dâng cúng - Tế Thần.

Sau đó nhà vua đã tìm được đường về cung điện. Nhà vua hiểu ra lời nói của người cận thần năm xưa: "Tốt hay xấu thì khó mà có thể nói trước được". Nếu không bị mất một ngón tay, nhà vua có thể đã bị giết.
Ngay lập tức, nhà vua truyền lệnh thả người cận thần của mình và xin lỗi anh ta. Nhưng người cận thần không có vẻ gì oán trách nhà vua khi bị tù đày. Trái lại, người cận thần nói: "Đó không hẳn là điều tồi tệ khi đức vua giam thần lại".

"Tại sao?", nhà vua hỏi.

"Bởi nếu đức vua không giam thần lại, thần sẽ được đi theo trong chuyến đi săn. Nếu người dân bản địa nhận ra rằng nhà vua không thích hợp cho việc cúng tế, họ sẽ sử dụng thần để dâng lên vị thần của họ".

Đôi khi chúng ta luôn cảm thấy thất vọng, đau buồn khi mọi thứ không suôn sẻ như mong đợi. Cũng có khi cảm giác như cả thế giới đang sụp đổ. Khi điều đó xảy ra, không có gì là sai khi chúng ta khóc hoặc cảm thấy thất vọng. Nhưng một khi bạn bình tĩnh và kiểm soát bản thân trở lại, hãy thử nhìn chúng dưới một góc độ khác, có thể bạn sẽ nhận ra rằng chúng không tồi tệ như bạn nghĩ và đôi khi là cơ hội để bạn có được điều tốt hơn. Có những điều tưởng chừng như thuận lợi ban đầu lại có kết thúc tồi tệ và ngược lại.  Không có gì thực sự xác định được là xấu hay tốt. Hay chăng chỉ là vấn đề mà chúng ta nhìn nó theo chiều hướng tích cực hay bi quan mà thôi.

Nói cách khác, trong cái rủi có cái may, và điều quan trọng nhất là không bao giờ được từ bỏ hy vọng. Vì nơi nào có sự sống, nơi đó có hy vọng (Where there's life, there's hope). Thế giới này vẫn luôn có một nơi tốt đẹp và cuộc sống vẫn muôn màu.


chợ đêm Đà Lạt 24/3/2013

Chú Hiển

Chú Hiển của Kachi mới ăn sinh nhật 4 tuổi hồi tháng một, còn Kachi bé bỏng của mình thì tới tháng sáu này mới được 2 tuổi. Bữa nay Kachi hí hửng theo ba mẹ về thăm ngoại mà không có gọi điện báo trước. Nghe ba nó gọi điện kể cho bà nội là ông bà ngoại thấy gia đình ba người nó dừng xe trước cửa mà mừng rỡ nhảy lưng tưng luôn. Mình nói với nội nó điệu này ở dưới mấy bữa cô nàng sẽ làm trò cho cả nhà cười lăn cười bò cho coi :)

Còn mình, mới xa cô nàng có mấy tiếng đồng hồ thôi mà cứ nhớ tiếng nó líu lo líu lo vừa nói vừa hát, nhớ cái điệu bộ quấn quýt không rời cô Ba nó nửa bước.Tự nhiên nổi hứng đè chú Hiển nó ra quay cờ-lip. Để thử coi giữa hai chú cháu nó có gì khác biệt.

Quả là khác biệt! :D

Bài trắc nghiệm của cô Ba đơn giản thôi nhưng mỗi khi quay cờ-lip, nhỏ Kachi trả lời rất là rành mạch tự nhiên. Nó suy nghĩ để trả lời chứ hổng có ai dạy trước. Mắt để nhìn, tai để nghe, miệng để ăn (làm bộ nhai nhai), mũi để hửi (hếch hếch cái mũi), tay để múa (vừa múa vừa hát em có đôi bàn tay trắng tinh...), chân để đi (đứng dậy đi tới đi lui) .... Còn thằng chú của nó thì thôi khỏi nói. Chắc tại IQ của nó cao hơn cháu nó nên nó tự tin trả lời rất nghiêm chỉnh kèm theo điệu bộ minh họa rõ ràng khi lần đầu tiên được phỏng vấn quay phim. Hehehe. Mắt để đi ngủ. Mũi để hỉ mũi. Tai để nghe nhạc. Tóc để đi hớt tóc. Tay để múc cơm ăn. Răng để ăn đồ ăn. Lưỡi để lè ra đánh chà chà chà. Đít để rửa đít...

Không thể post cái cờ-lip này lên được vì nó đã làm chị Hai chị Ba nó đứa hỏi đứa quay cười rung hết cái cờ-líp, coi như hư phim rồi :D

cafe Đà Lạt 24.3.2013

Xem thêm:

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...