‘Xuân, hạ, thu, đông rồi lại xuân’ - chuyện của 4 mùa
Bộ phim được chia thành 5 phần, tương ứng với các mùa trên nhan đề: Xuân, Hạ, Thu, Đông rồi lại Xuân. Bối cảnh phim đặt tại nơi thâm sơn cùng cốc, nơi có một cái hồ nhỏ được bao phủ bởi núi rừng, giữa hồ là một ngôi chùa nhỏ. Ở đó có một vị cao tăng và một chú tiểu hằng ngày ăn chay, tụng kinh niệm Phật, vào rừng hái thuốc, sống chan hòa với thiên nhiên.
Đặt nhân vật của mình trong một bối cảnh mang đầy tính thiện như thế, Kim Ki Duk dường như phá vỡ quan điểm truyền thống vốn có thói quen đổ lỗi cho hoàn cảnh làm tha hóa con người. Ông muốn nhấn mạnh cái ác như một bản chất của con người, một điều không tránh khỏi, cho dù con người ở bất cứ đâu và là bất cứ ai.
Bộ phim bắt đầu vào mùa Xuân, chú tiểu do buồn chán đã lần lượt lấy dây buộc những hòn đá nhỏ vào ba con vật: Cá, Ếch và Rắn. Nhìn những con vật di chuyển chật vật khó khăn, chú cười phá lên vô tư mà không hề biết rằng toàn bộ những hoạt động của mình đều lọt vào tầm mắt nghiêm khắc của sư phụ. Vị sư phụ không can thiệp ngay, đợi cho đến đêm tối bèn buộc đá vào lưng chú tiểu để cho chú hiểu được tội ác của mình đối với mấy con vật. Sư phụ bắt chú phải quay trở lại giải phóng cho Cá, Ếch và Rắn cùng lời đe “Nếu một trong những nhân vật đó chết, con sẽ phải chịu dằn vặt suốt cuộc đời”.
Trong ba con vật đó, Cá và Rắn đã chết. Chú Tiểu bật khóc nức nở. Đó là nước mắt của sự sám hối muộn màng, sự thức tỉnh của lương tâm hay đó là sự sợ hãi trước cái nghiệp mà chú sẽ phải gánh chịu suốt đời vì đã gây ra những cái chết đó? Khán giả không thể biết chắc được. Chưa kịp thấm nhuần bài học về nhân quả, nghiệp báo, mùa xuân của trời đất và của đời người đã qua đi…
Rồi mùa Hạ, mùa Thu và mùa Đông nối tiếp nhau. Chú tiểu dần lớn lên, ngã vào tình yêu, phạm giới luật, bỏ đi, giết người, cuối cùng trở về thành một ông sư… Như thể trải qua mọi hỷ, nộ, ái, ố của cuộc đời, người ta mới đủ sức rũ bỏ được mọi ham muốn của cuộc sống trần tục để quay về với con đường tu hành. “Sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc” - những hàng chữ trong Bát nhã tâm kinh mà chú tiểu xưa lấy dao khắc ở chùa, có lẽ đi đến tận cùng cũng được lĩnh hội.
Spring, Summer, Fall, Winter and Spring cũng đầy ám ảnh về lẽ nhân quả, báo ứng ở đời. Chú tiểu xưa từng đeo đá hại chết những con vật vô tội về sau phải trải qua bao nhiêu sóng gió, khổ đau như một cách trả nợ. Gần cuối phim, chú tiểu, giờ đã trở thành một người đàn ông trung tuổi (do chính đạo diễn Kim Ki Duk diễn xuất), vai mang đá nặng, tay cầm tượng Phật trèo lên núi cao như một cách để sám hối, chuộc tội. Đây cũng là một hình ảnh biểu tượng cho việc con người luôn phải trả giá cho những nghiệp báo được tạo ra từ những lỗi lầm trong quá khứ.
Spring, Summer, Fall, Winter… and Spring sẽ là một phim hay nếu dừng lại ở đây, khi câu chuyện chấm dứt ở thế hệ sư nam thứ hai biết quay đầu là bờ, phục thiện. Nhưng bộ phim đã trở nên đặc biệt xuất sắc, xuất chúng khi có thêm một phần nữa “và mùa Xuân”, tạo thành một vòng tròn khép kín với phần đầu, thể hiện sự tuần hoàn của tạo hóa.
Vẫn lại có một vị sư già và một chú tiểu nhỏ sống êm đềm bên nhau. Chú tiểu vì nhàm chán lại tìm cách hành hạ các con vật để mua vui, lần này tăng mức độ độc ác lên bằng cách nhét sỏi vào miệng cá, ếch và rắn. Nếu cứ chăm chú quan sát thì chẳng cuộc đời nào giống cuộc đời nào, nhưng nếu từ cao và xa nhìn xuống thì sẽ thấy mọi thứ chẳng qua chỉ là sự lặp đi lặp lại, đời này qua đời khác, chẳng có gì thay đổi. Con người vẫn lặp đi lặp lại những lỗi lầm cũ và phải trả giá đắt cho những hành động của mình.
Giống như hầu hết những bộ phim khác của Kim Ki Duk; Spring, Summer, Fall, Winter… and Spring sử dụng rất ít lời thoại. Hai phần cuối của phim là mùa Đông và mùa Xuân gần như vắng bóng hoàn toàn âm thanh, tiếng nói của con người. Đạo diễn Kim Ki Duk diễn giải một cách xuất sắc cho sự lựa chọn có chủ ý của mình: “Tôi không cố ý giảm lời thoại trong phim, mà đơn giản tôi nghĩ, im lặng cũng là thoại”.
Phần hình ảnh đóng một vai trò quan trọng trong việc thể hiện chủ đề phim. Xuyên suốt bộ phim là hình ảnh cánh cửa mở ra khép vào như một hình thức giới thiệu các mùa. Cảnh mây trời vẩn đục che lấp mặt trời khi chú tiểu dứt áo ra đi đuổi theo tình yêu đầu đời như dự báo về một tương lai nhiều sóng gió. Những đường kim mũi chỉ vội vã của người sư phụ khi đọc được mẩu tin về người chồng giết vợ cho thấy người sư già đã nhận ra người học trò nhỏ của mình và biết rằng cậu sẽ quay trở về.
Hình ảnh con thuyền chở hai người cảnh sát và chú tiểu sang bờ bên kia chợt khựng lại, không đi nữa thể hiện sự vương vấn, nặng lòng của người sư thầy đối với học trò của mình. Bộ phim hầu như không có cảnh quay thừa và mỗi cảnh quay đều được gửi gắm dụng ý riêng của đạo diễn. Rõ ràng cảnh quay trong phim giàu tính ẩn dụ, thậm chí còn diễn đạt hùng hồn hơn cả lời nói.
Spring, Summer, Fall, Winter… and Spring còn khiến khán giả say mê vì những khung cảnh thiên nhiên đẹp như tranh vẽ. Đó là khu hồ vào mùa Xuân với làn nước trong veo và cây cối bừng bừng sức sống, mùa Hạ với những cơn mưa bất chợt, sóng lăn tăn mặt hồ, mùa Thu với lá phong đỏ rực, mùa Đông với băng tuyết phủ trắng xóa. Cảnh ngôi chùa nhỏ xinh, rêu phong cổ kính tọa lạc giữa mặt hồ bao quanh là rừng cây đặc biệt thơ mộng. Cảnh người đàn ông tóc điểm bạc lặng lẽ đi một mình giữa băng giá gây ám ảnh mạnh mẽ.
Bộ phim để lại một cảm giác đặc biệt pha trộn giữa nặng nề và nhẹ nhõm. Cảm giác nặng nề bởi vì phim gợi nên quá nhiều trăn trở về cuộc sống, tình yêu, cám dỗ, sự sa ngã và cứu rỗi cũng như quy luật nhân quả. Tuy nhiên cảm giác nhẹ nhõm thanh bình cũng sẽ đến với khán giả, vì sau tất cả mọi chuyện, hình ảnh cuối phim vẫn là Tượng Phật ung dung dưới nắng trời, từ trên cao nhìn xuống toàn bộ khu hồ và thế giới loài người. Từ điểm nhìn ấy, khán giả sẽ cảm thấy mọi lo lắng, phiền muộn của mình đều phù phiếm nhỏ bé, chẳng có gì đáng kể.
Đạo diễn Kim Ki Duk từng chia sẻ: “Phim tôi không có lời đáp, mà luôn đưa ra những câu hỏi”. Spring, Summer, Fall, Winter… and Spring sẽ không cầm tay chỉ lối khán giả đến bất kỳ một con đường, một quan điểm sống nào. Bộ phim chỉ đặt ra những vấn đề giàu tính khơi gợi, khiến khán giả muốn dừng lại ngẫm ngợi về cuộc đời để từ đó tìm ra câu trả lời của riêng mình và sống sâu sắc hơn.
(Anh Trâm)
Em đã từng review phim này :)
Trả lờiXóaem cho chị link nha, chị thích xem cảm nhận của em :)
XóaEm nhớ ra mình chỉ mới đăng trên báo giấy (tờ Tin vắn điện ảnh của lớp em) chứ chưa đăng trên mạng, khi nào rảnh em sẽ đăng lên blog em để chị đọc nhé.
Xóachị đợi nha :)
XóaMình chưa xem phim nầy . Cảm ơn Xuân đã giới thiệu . Chúc Xuân mãi mãi Xuân .
Trả lờiXóacám ơn cô :)
Xóa