Ông bà Ngoại tôi gốc người Tiều quê ở Sóc Trăng. Khác với rất nhiều nhà đông con ở quê hồi xưa, ông bà Ngoại chỉ có một mình Má tôi là con gái cưng. Má tôi sinh cho ông bà ba đứa cháu ngoại. Khỏi phải nói bà Ngoại cưng ba đứa cháu khủng khiếp. Đi đâu Ngoại cũng dắt tụi tôi theo để khoe cháu ngoại.
Hồi đó, ông Ngoại làm nghề lái xe hàng liên tỉnh, thường xuyên vắng nhà. Rồi ông Ngoại đi ở hẳn với bà ngoại nhỏ làm bà Ngoại tôi mất ăn mất ngủ khóc lóc vật vã bao nhiêu là ngày trời. Thời đó xe cộ khó khăn, vậy mà Ngoại cũng tìm đến tận nhà địch thủ để quánh ghen. Quánh đâu không thấy chỉ thấy sau đó Ngoại đem ba đứa con riêng của ông Ngoại về nhà nuôi. Tại Ngoại thấy mấy đứa nó tội nghiệp quá, nắng miền trung làm tụi nó đen đúa, rách nát, khờ căm à. Từ dạo đó, Ngoại thương và lo lắng sắm sửa cho ba đứa đó còn hơn tụi tôi nữa. Tự dưng ba đứa cháu ngoại xém bị ra rìa luôn. Cái nhà nhỏ xíu mà có tới sáu đứa con nít ngang ngang nhau nên chuyện ganh ghét quánh lộn là bình thường. Có tới hai phe mà bà Ngoại bênh phe kia ra mặt luôn. Phe kia cũng quấn quýt và gọi Ngoại bằng cái tên rất trìu mến: Má Ngoại ;)). Vậy đó, Ngoại tôi chứng minh cái câu "mấy đời bánh đúc có xương..." là sai bét. Ít ra là thời đó, ai cũng dòm thấy Ngoại thương mấy đứa con cùng ba với Má tôi như con ruột của Ngoại. Đến giờ đã mấy chục năm rồi, dì cháu anh em nhà tôi trải qua nhiều khó khăn sóng gió nên giờ sống khá là hòa thuận vui vẻ, hơn hẳn nhiều nhà khác.
Hồi đó, nhà Ngoại nhỏ xíu xiu lại nằm trong hẻm sâu thăm thẳm vậy chứ lúc nào cũng có khách viếng. Khách dưới quê lên chơi cho biết Sài Gòn, lên thăm ông bà Ngoại, lên khám bệnh, lên xin tiền, lên ở trọ đi học đi làm... Với ai Ngoại cũng niềm nở, ở bao lâu cũng được. Ở, Ngoại nuôi cơm không tốn tiền rồi, lúc về Ngoại dấm dúi tiền cho đi xe nữa. Còn chuyện Ngoại cho quần cho áo cho hết đồ đạc trong nhà là chuyện thường tình. Ông Ngoại không bao giờ rầy bà Ngoại về vụ này. Chỉ có Má là hay cằn nhằn. Mỗi lần Má nhằn, Ngoại chỉ cười cười "thôi kệ đi, người ta khổ mà, mai mốt mình sắm lại mấy hồi..."
Hồi đó, bà Ngoại bán thịt ở ngoài chợ, cũng có tiếng tăm vì tánh tốt lại hay bán thiếu bán chịu cho người ta. Nhất là mấy người bán cơm, bán hủ tiếu, bán bánh mì xung quanh xóm tôi. Bán thiếu từ sáng tới tối người ta bán hàng xong mới trả tiền cho Ngoại. Hoặc ai khổ khổ không mua thịt thiếu thì mượn tiền xoay làm vốn một hai bữa. Dân nghèo buôn gánh bán bưng chạy ăn từng bữa với mấy người bán vé chợ đen ngoài rạp hát HĐ hồi xưa ai mà không biết Ngoại tôi. Nhằm bữa trời mưa dầm dề, người ta bán ế hổng có tiền trả lại than khổ than đói với Ngoại thì thôi Ngoại cho khất luôn bữa khác trả. Có bữa, chẳng những lấy không được tiền mà Ngoại còn về nhà lén Má tôi xúc gạo đem cho người ta nữa... dù nhà tôi lúc đó đâu phải là dư dả lắm đâu...
Tới lúc Ngoại lớn tuổi không còn mua bán gì nữa, Má tôi nợ nần tùm lum, Củ Kiểm (cậu mợ) tôi ở Long Xuyên - là cháu gọi Ngoại tôi bằng cô, cô họ chứ không phải cô ruột - rước Ngoại về ở cho tới khi Ngoại mất. Củ Kiểm tôi có tình cảm rất đặc biệt với Ngoại, thương yêu lo lắng cho Ngoại còn hơn con ruột. Nhất là Kiểm tôi, Kiểm giống và hợp tánh với Ngoại dữ lắm, người ngoài hổng biết tưởng hai má con. Bởi vì, Ngoại đã nuôi năm sáu anh em của Củ tôi suốt từ thời đi học đến đi lính rồi dựng vợ gả chồng. Không riêng gì Củ Kiểm tôi mà hầu như tất cả con cháu của Ngoại đều quý mến Ngoại không thể tả. Có hàng trăm câu chuyện về Ngoại mà tôi đã được nghe. Toàn là tiếng tốt. Tôi còn không nhớ hết chứ thằng em tôi nó thần tượng và ghi nhớ tất cả những kỷ niệm về Ngoại yêu dấu của tụi tôi.
Tôi nhớ như in một bữa tối cuối tháng 9/1997, Củ tôi gọi điện thoại vô chỗ tôi làm, kêu tôi "bình tĩnh nghe củ nói nghe con". Tôi bủn rủn tay chân khi nghe Củ tôi nói bà Ngoại bị đột quỵ mất rồi. Tôi không kịp khóc mà tim thì đập thình thịch, cắm đầu cắm cổ đạp xe một mạch về nhà. Hầu hết mọi người ở nhà đều kêu rú lên đau đớn khi nghe tin dữ. Lối xóm bàng hoàng. Ông Ngoại tôi khóc nghẹn. Má tôi xỉu lên xỉu xuống. Ba tôi đang xỉn tỉnh hẳn luôn. Ba run run mở tủ đưa cho tôi cái cà rá 5 phân vàng để bán lo đám cho Ngoại. 5 phân vàng của ba chính là tài sản lớn nhất của nhà tôi lúc đó. Rồi chú H, hàng xóm sát vách nhà qua đưa Má tôi 1 cây vàng "đem bán lo cho dì Mười đi, xong rồi tính với anh sau". Rồi dì N, cậu T, dì L, cậu Y,... và rất nhiều người có ơn nghĩa với Ngoại tôi rần rần ráp vô lo cho Ngoại phút cuối không thiếu món gì...
Ngoại được đem về quê an táng theo đúng ước nguyện lúc còn sống. Mặc cho đường xá khó khăn, gần cả trăm người đã đưa Ngoại tôi về quê trên hai chiếc xe đò lớn đi từ lúc ba giờ sáng. Sau khi ngồi xe hơn tám tiếng đồng hồ từ SG về ST, đoàn người phải lội bộ từ ngoài lộ vô ấp thêm năm sáu cây số nữa. Rất đông bà con họ hàng lối xóm ớ quê đã đợi sẵn đón Ngoại ở bến sông đầu đường lộ. Cả trăm thanh niên trai tráng, toàn cháu gọi Ngoại bằng ý (dì), bằng cô, bằng kiểm (mợ), bằng thím, bằng úm (bác gái)... trầm mình dưới nước cẩn thận từng bước một để đưa hòm Ngoại xuống ghe. Ghe khẳm dữ dội làm ai nấy đều thon thót tim. Cuối cùng, sau bao trắc trở đường xa gió bụi, Ngoại đã được về tới nơi quê nhà yên nghỉ trong bình an.
Vậy mà đã 15 năm rồi, những kỷ niệm về Ngoại chưa hề phai nhạt trong tôi. Tôi vẫn nhớ hương vị món bánh tằm bì và món bánh chuối nướng với nước dừa ngọt ngọt mặn mặn có thêm hành lá của Ngoại làm. Tôi nhớ Ngoại hồi đó mỗi ngày đều uống sinh tố mãng cầu mát lạnh, tôi hay canh để múc ké mấy muỗng mà mê tới giờ. Tôi còn mê món bánh dừa nướng mà mỗi lần đi bán về đổ giỏ tiền ra, đứa nào phụ Ngoại đếm tiền sẽ có bánh dừa ăn. Và hổng chừng có thêm mớ tiền lẻ Ngoại cho bỏ túi nữa :).
Thiệt ra, tới tận giờ, mỗi khi nhắc Ngoại, mọi người trong nhà tôi đều có cảm giác như Ngoại vẫn còn sống. Ngoại đang đi về quê chơi thôi. Nhớ Ngoại, lòng tôi luôn có cảm giác ấm áp kỳ lạ... vì tôi biết, tôi mãi mãi là đứa cháu gái duy nhất mà Ngoại cực kỳ thương.
post lại nhớ Ngoại nhân ngày Giỗ (1997 - 2012)
Bà ngoại xuân tính cách hay quá.
Trả lờiXóaĐọc bài này tự nhiên nhớ Sài Gòn ác luôn, chắc do hình ảnh nhân hậu của ngoại em làm chị nhớ những người mình gặp ở Sài Gòn.
ông bà ngoại và ông bà nội em đều là dân miền Tây, mà dân miền Tây với dân SG có tính cách rộng rãi phóng khoáng cũng na ná nhau. mấy anh em của em luôn tự hào về ông bà ngoại và ông bà nội, bữa nào có dịp em post lại bài viết về bên nội luôn há :)
XóaĐúng quá Xuân ơi, đó là lý do X làm chị nhớ SG, nhớ người SG - rộng rãi, phóng khoáng.
Trả lờiXóa