Trong thiên hạ có hai cái khó: lên trời khó, mà cầu cậy nhờ vả người càng khó hơn.
Trong thiên hạ có hai cái đắng: hoàng liên đắng, mà nghèo kiết khốn cùng càng đắng hơn.
Nhân gian có hai cái mỏng: giá mùa xuân mỏng mà thói đời càng mỏng hơn.
Nhân gian có hai cái hiểm: núi sông hiểm mà lòng người càng hiểm hơn.
Biết được cái khó, chịu được cái đắng, quen được cái mỏng, dò được cái hiểm mới có thể ở đời được.
LỜI BÀN
Biết được cái khó, là người có chí tự lập không làm phiền ai; chịu được cái đắng, là người có tâm kiên nhẫn, cố làm nên việc; quen được cái mỏng, là người có bụng đại độ bao dung được đời; dò được cái hiểm, là người có trí tinh khôn thấu được nhân tình thế thái. Ở đời mà có được bốn điều ấy, thì giao thiệp với ai mà chẳng được, làm công việc gì mà chẳng nên.
KHÔNG QUÊN ĐƯỢC CÁI CŨ
Đức Khổng Tử ra chơi ngoài đồng, thấy một người đàn bà đứng khóc nỉ non ở chỗ bờ đầm. Đức Khổng Tử lấy làm lạ, bảo học trò hỏi vì cớ gì mà khóc.
Người đàn bà nói: "Độ trước tôi cắt cỏ thi, tôi đánh mất cái trâm cài đầu bằng cỏ thi, cho nên tôi khóc."
Đức Khổng Tử hỏi: Đi cắt cỏ thi, mà mất cái trâm bằng cỏ thi, thì việc gì mà phải khóc? Người đàn bà nói: "Không phải vì tôi đánh mất cái trâm cỏ thi mà tôi khóc; tôi sở dĩ khóc, là tôi thương tiếc một vật cũ, dùng đã lâu, mà ngày nay không sao thấy được nữa."
LỜI BÀN
Cái gì đã là của mình, mình có bụng yêu, mà lỡ khi mất, thì về sau dù có được cái khác giống như thế, hay hơn thế, mình cũng không thể sao yêu cho bằng. Thường, lại chỉ vì thấy cái mới mà hồi nhớ đến cái cũ, sinh ra chạnh lòng, nên câu ta thán, có khi ngậm ngùi thương khóc nỉ non. Tại sao vậy? Tại đối với mình, cái của mất không chỉ có giá của mà thôi, lại hình như còn có một phần tâm hồn mình hay tâm hồn người để lại cho mình ngụ ở trong nữa. Sự cảm động đầu tiên bao giờ cũng là sự cảm động hay nhất, bền nhất. Ôi! Cáo chết ba năm quay đầu về núi, con người ta, dù cho lông bông xiêu bạt đến thế nào, còn có chút tâm tình cũng không sao quên được gốc tích xứ sở mình. "Hồ mã tê bắc phong, Việt điểu sào nam chi". Con ngựa rợ Hồ (phía bắc nước Tàu) thấy gió bắc còn cất tiếng kêu, con chim đất Việt (phía nam nước Tàu) chọn cành nam mới chịu làm tổ, huống chi là người mà lại quên được nguồn gốc ư.
NGƯỜI NƯỚC LỖ SANG NƯỚC VIỆT
Hai vợ chồng người nước Lỗ, chồng khéo đóng giày, vợ khéo đan mũ, muốn đem nhau sang kiếm ăn ở nước Việt.
Có người đến bảo rằng: “Vợ chồng nhà bác đi chuyến này thế nào cũng cùng khổ."
Người nước Lỗ hỏi: "Sao bác lại nói thế?"
Người kia bảo: "Giày dùng để đi, mà người Việt đi chân không, không thích đi giày; mũ dùng để đội, mà người Việt để đầu không, không cần đội mũ. Vợ chồng nhà bác làm giày, đan mũ giỏi thật, song đến ở nước người ta, người ta không dùng đến tài nghề của mình, thì làm thế naò mà không khốn cùng?”
Hai vợ chồng người nước Lỗ nghe nói, không sang nước Việt nữa.
LỜI BÀN
Đến chỗ đi đầu không, mà bán mũ, đến chỗ đi chân không mà bán giày thì cũng giống như mùa rét mà bán quạt, mùa nực mà bán chăn bông, tuy trái nơi và trái thời khác nhau, nhưng cũng là trái, không được việc cho mình, mà lại còn để tiếng cười cho thiên hạ nữa. Cho nên người có tài phải tìm nơi đáng ở mà ở chớ đem đàn mà gảy ta trâu thì có ích chi.
HOÀ THUẬN VỚI MỌI NGƯỜI
Lưu Ngưng Chi đang đi giày, có người đến nhận, ông đưa ngay. Sau người ấy tìm thấy giày, đem giày ông trả lại. Ông nhất định không nhận nữa.
Thẩm Lân Sĩ đang đi giày. Cũng có người đến nhận. Ông cười hỏi: “ Giày của bác à?”. Rồi ông đưa ngay. Sau, người láng giềng tìm thấy giày đem giày ông trả lại. Ông nói: “ Không phải của bác à?” Ông cười rồi nhận.
Việc này tuy nhỏ mọn. Song ở đời, ta nên cư xử như ông Lân Sĩ, không nên như ông Ngưng Chi.
LỜI BÀN
Giày của mình, mình đang đi, có người đến nhận mà mình cũng đưa, không thèm cãi “của tao của mày” như Ngưng Chi và Lân Sĩ thực ở đời cũng là hiếm có vậy. Kịp khi người ta tìm thấy giày của người ta, đem giày mình lại trả là người ta đã biết lỗi lầm. Nếu mình khăng khăng không chịu nhận, là mình quá ư nghiêm khắc mà làm ngăn trở cái lòng hối quá của người ta. Sao bằng nhận mới tỏ rõ tấm lòng bao dung được người, cả lúc người lầm, cả lúc người biết lầm. Như thế mới thực là người đầy hòa khí để cư xử với quần chúng vậy.
TỰ LẤY LÀM KHOAN KHOÁI
Đức Khổng Tử đi chơi núi Thái Sơn, gặp ông Vinh Khải Kỳ giao du ở ngoài đồng, mặc áo cừu thắt lưng dây, tay gảy đàn cầm, vừa đi vừa hát.
Đức Khổng Tử hỏi:
“Tiên sinh” làm thế nào mà thường vui vẻ thế?
Ông Vinh Khải Kỳ nói:
Trời sinh muôn vật, loài người quý nhất, mà ta được làm người, đó là một điều đáng vui – Trong loài người, đàn ông quý hơn đàn bà, mà ta được làm đàn ông, đó là hai điều đáng vui – Người ta sinh ra có người đui què, có người non yểu mà ta hoàn toàn khỏe mạnh nay đã chín mươi tuổi; thế là ba điều đáng vui...Còn cái nghèo là sự thường của thế gian, cái chết là sự chết của đời người. Ta nay xử cảnh thường, đợi lúc hết, thì có gì là lo buồn?
Đức Khổng Tử nói:
Phải lắm! Tiên sinh thế là biết cách tự làm cho khoan khoái mà hưởng sự vui thú ở đời.
(trích Cổ học tinh hoa)
Cỡ này chị X nhà ta rỗi rảnh đọc đắc nhân tâm hơi bị nhiều he!!!
Trả lờiXóaai nói rảnh rỗi... X làm lụng tối tăm mặt mày hổng có thời gian để nghĩ một cái gì đó cho nó sâu sâu xa xa 1 tí nữa đó Ri ơi... có xíu thời gian buổi tối thì đọc và ngẫm để giảm stress thôi ;D
Xóa