Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

Yêu nhau đi (3)


Ta có một người bạn thân, suýt chút nữa là thành người yêu vì bị chị em đàn áp cáp đôi hoài... Nhưng mà xét lại cho kỹ thì cả hai không thể yêu nhau được ;). Bởi hồi đó, ta đang đương đầu với sóng gió nên mạnh mẽ nam tính quá chừng, còn bạn thì hiền lành nhu mì quá nên nam tính hơi ít xíu. Hơi ít thôi, không hề đáng kể vì bạn có nhiều cái tốt khác để lấn át chuyện đó. Ta chưa từng thấy người bạn nào sống tốt, có trách nhiệm, sâu sắc, luôn nghĩ cho người khác như bạn. Hai đứa ta là bạn tốt của nhau lâu rất lâu. Thân rất thân. Có người yêu rồi vẫn thân. Có gia đình rồi vẫn thân. Có một thời gian bị gián đoạn khi hai đứa ta phải lo lắng cơm áo gạo tiền, bị dòng đời xô đẩy, lại ở hai đầu nỗi nhớ nên hầu như rất ít liên lạc. Nhưng hễ có dịp gặp nhau thì ôi thôi, rủ rỉ rù rì, hàn huyên bất tận từ chuyện nhà cửa, anh em, tiền bạc, dòng họ, đứa nói đứa gật rồi đổi tư thế đứa gật đứa nói mặc cho đám bạn xung quanh thắc mắc chọc ghẹo.

Nhớ một buổi sáng lâu lắm rồi, bạn gọi điện cho ta. Giọng sắc bén, giận dữ, bạn tuôn một tràng bức xúc. Bạn kể chuyện vợ bạn ghen. Mà không phải ghen bình thường, ghen với thằng bạn học rất thân của bạn. Bạn thấy đau đớn vì ai khác có thể hiểu lầm bạn, không tin tưởng bạn chứ không thể nào vợ bạn, là người sống với bạn bao nhiêu năm mà không hiểu bạn, không tin tưởng bạn. Bạn hỏi ta thấy bạn sống như thế nào? Bạn cần ta hiểu bạn để khẳng định bạn là đàn ông trăm phần trăm? Bạn biết bạn không mạnh mẽ nam tính như thằng N, như T.. nhưng bạn biết bạn là ai, bạn biết bạn phải sống thế nào? Nói chung là bạn thất vọng nặng nề.

Ta im lặng lắng nghe bạn nói. Rồi vuốt giận cho bạn. Ta hiểu nỗi bực tức của bạn. Ta khẳng định ta biết bạn lâu rồi, dĩ nhiên bạn là đàn ông trăm phần trăm :). Ta cũng biết vợ bạn ở nhà giữ con nhỏ, nhiều khi áp lực cũng nặng nề lắm bạn ơi. Bạn dịu lại, thừa nhận vợ bạn thần kinh yếu lắm, hay ngủ mớ, hay suy diễn, giận hờn, ghen tuông.. nhiều khi làm bạn mệt mỏi. Ta lại khuyên bạn nén giận, vợ bạn đang cần bạn lắm, bạn dỗ dành, giải thích cho vợ bạn đi. Bạn ừ, còn cám ơn ta đã lắng nghe bạn... Rồi ta thấy bạn đổi status "buồn wá là buồn, chán wá là chán" ;).

Mấy ngày sau, thấy mất tiêu cái status nọ, ta hỏi thăm. Giọng bạn phấn khởi khác hẳn. Bạn nói mọi chuyện giải quyết xong rồi. Bạn đã nói chuyện, giải thích cho vợ bạn hiểu rồi. Bạn nói lỗi cũng tại bạn (đúng là bạn ta, lúc nào cũng nghĩ cho người khác). Vì lúc đó chuyện đến quá bất ngờ, bạn bị choáng nên bạn đã phản ứng mạnh. Đó là lần đầu tiên bạn lớn tiếng với vợ... Bạn còn nói thêm với ta rằng bạn rất thương vợ thương con, bạn bao nhiêu tuổi rồi, bạn biết bạn đang đứng ở đâu, bạn trân trọng những gì bạn đang có, ngoài xã hội thiếu gì cám dỗ nhưng bạn không dại gì đánh đổi gia đình...

Ta hiểu ta thương ta quý bạn ta vô cùng. Bạn ta cũng quý ta lắm nên bạn chẳng hề tin hôn nhân của ta gặp trục trặc. Hồi đó bạn cũng hay động viên ta. Lúc nào cũng tin ta sẽ vượt qua được khó khăn thử thách. Câu nói bất hủ của bạn là "K. tin X. Bởi K. biết X. lâu rồi mà...". Hễ nhớ tới câu đó là làm ta nghẹn... ta khóc... rồi ta cười liền...! 

Chúc mừng hai bạn vừa có thêm một bé trai, X. rất vui vì hai bạn đã vượt qua rất nhiều trở ngại để sống hạnh phúc ;D

(note cũ xì 2010, có edited lại để tặng bạn hiền)

Forever - Stratovarius

...
I'm the wind in the trees
Would you wait for me forever?


Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Ngắn thôi (17)



Tháng bảy, tháng bảy, như mọi tháng bảy, tôi luôn cố giữ cho mình đừng chao đảo.
Tôi muốn từ bỏ chính mình và làm lành với tháng bảy.
Nhưng quá khó.
Buổi chiều ngày thứ hai mươi mấy của tháng bảy, đột nhiên tôi mất thăng bằng.
Chao nghiêng.
Tháng bảy nhìn tôi đầy nghi ngại.
Có vẻ như tại tôi nhất thời nông nỗi chứ không phải tại cái tháng bảy đêm dài dằng dặc này.
Tôi ghét phải thừa nhận một lần nữa về việc tôi ghét tháng bảy như thế nào.
...

Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

Ngắn thôi (16)


"Mỗi Kitô hữu đều có những cái để từ bỏ, nhưng cần thiết nhất và cũng khó khăn nhất là phải từ bỏ chính mình, từ bỏ cái tôi cao ngạo, ích kỷ, hưởng thụ, để được ngay từ bây giờ niềm vui an bình, và hạnh phúc."


Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

Đám giỗ



1.
Chưa tới ngày giỗ đầu của ba, đã có nhiều người gọi điện hỏi thăm má. Nhiều người hỏi quá nên má phải tính chuyện làm giỗ đầu cho ba. Vì nhà tôi nằm trong hẻm nhỏ chật ních, bà con lối xóm của tôi hầu như rất ít nhà đãi tiệc giỗ nhiều bàn. Thường, chỉ có tụ họp gia đình ăn bữa cơm tưởng nhớ người đã mất thôi. Bữa trưa thứ ba này, giỗ đầu của ba được anh em tôi tổ chức xôm tụ náo nhiệt, giống y như tánh ý ba lúc còn sống. Bà con hai họ nội ngoại gần xa từ SG cho đến LX, ST, BT, BD tề tựu khá đông đủ. Bạn bè, con cháu, lối xóm thân thiết của ba cũng có mặt chật cứng cái hẻm nhỏ. Dì tôi rất quý ông anh rể vui tánh là ba tôi nên đứng ra đảm nhận vị trí bếp chính. Vốn bản tính kỹ lưỡng và cầu toàn, hồi ba còn sống, dì làm món gì cũng rất hợp ý ba. Má lo tiếp khách, còn mấy anh em tôi thì lăng xăng chạy bàn. Cực nhưng mà vui. Ai đến dự cũng nhắc ba, nhớ ba. Hầu như ai ngồi trong bàn cũng có kỷ niệm với ba để kể. Tưởng như ba đang hiện diện ở đây chứ chẳng hề đi đâu xa.

2.
Hôm nay giỗ bà nội tôi. Giỗ ông nội cách giỗ bà nội đúng một tháng nên các cô chú tôi từ lâu đã thống nhất làm chung một ngày 27/7 cho dễ nhớ. Nhằm ngày hè nên con cháu tề tựu về quê rất đông vui. Nhớ nội, tôi chỉ muốn trích lại một cái note cũ tôi đã viết rất lâu, từ 2010.

...
Suốt đời tôi không bao giờ quên những buổi sáng thức giấc trong căn nhà lá xiêu vẹo của nội tôi ở Nhơn Mỹ, Chợ Mới, An Giang. Không khí trong lành mát mẻ, chim hót ríu rít, cả một không gian trước mắt tôi rộng lớn, xanh tươi, mơn mởn với ruộng lúa và sông nước ngút ngàn. Tôi nhớ không quên bữa cơm nội nấu cho anh em tôi ăn. Chỉ có canh bầu hái ngoài vườn sau nhà, thịt ba rọi kho tiêu thơm lừng với những chén cơm bằng sành mẻ miệng, hạt cơm nở to như hạt đậu và thơm ngát mùi lúa mới. Chiều chiều, nội tôi lại đi kêu người ta bắt cua đồng về bỏ vô nồi luộc cho mấy đứa tôi ăn, ngọt ngon không thể tả. Tối tối, dưới ánh đèn dầu leo lét, mấy bà cháu nằm rỉ rả nói chuyện đời xưa cho đến khi tụi tôi thiếp đi lúc nào không hay... Cứ thế, tuổi thơ của anh em tôi trôi qua êm đềm mỗi khi hè đến, ba tôi nghỉ phép và dẫn ba đứa về quê. Có khi ở cả nửa tháng đến một tháng, từ Long Xuyên, Nhơn Mỹ qua tận Sóc Trăng. Tha hồ tắm sông, thả diều, lội ruộng, bắt cua, bắt cá...

Bà nội tôi hiền thiệt là hiền. Lúc nào nội cũng nhẫn nhịn hy sinh cho chồng con trước tiên. Tam tòng tứ đức nội gần như có đủ. Dù cuộc sống cực khổ trăm bề nhưng nội tôi luôn lạc quan. Máu khôi hài của nội còn di truyền lại cho các con cháu đời sau, cho nên mỗi lần nhà bên nội tôi tụ tập ăn uống hay giỗ đám gì là tràn ngập tiếng cười. Biết bao giai thoại tiếu lâm về nội được các cô chú tôi nhắc lại. Tôi vẫn nhớ dáng nội cao lớn, hay ngồi trên đi-văng kể chuyện rất có duyên làm cho cả nhà cười nắc nẻ. Rồi khi lắng nghe con cháu kể chuyện, dù vui dù buồn, nội cũng chỉ cảm thán có một câu một: "Chúa bà ơi!". Tôi vẫn nhớ đôi bàn tay to bè và hai bàn chân có ngón cái rất lớn của nội. Sau này, có lần nhìn thấy bàn chân tôi, mấy cô tôi ứa nước mắt nói tôi có đôi bàn chân giống y chang nội.
...

3.
Ngày mai là giỗ ông ngoại tôi. Nghe má kể, cuộc đời ông ngoại từ thời trai trẻ đã rất cơ cực. Khi má mới tám tuổi, ông bà ngoại dắt má lên SG ở trọ, làm đủ thứ nghề để mưu sinh. Bà ngoại đi làm giúp việc, mua bán lặt vặt. Còn ông ngoại thì làm ai kêu gì làm nấy, toàn việc nặng nhọc như phụ hồ, bốc vác, lơ xe. Sau cùng, nhờ mê đá banh mà ông ngoại đổi đời. Ông ngoại đá banh rất hay nên mấy năm liền được ở vị trí tiền đạo của đội banh một hợp tác xã xe buýt hồi xưa, đi thi đấu ở đâu là thắng ở đó. Từ một lơ xe được trọng dụng cho đi học lên làm tài xế. Ban ngày làm tài xế xe buýt, buổi tối ông ngoại còn lái taxi kiếm thêm. Dần dần, cuộc sống cũng ổn định.

Khi còn nhỏ, tôi rất ít gặp ông ngoại ở nhà. Đó là khoảng thời gian ông ngoại ngược xuôi trên những chuyến xe bắc nam. Và gầy dựng thêm một gia đình mới ở miền trung xa xôi. Đến tận những năm tôi 14 - 15 tuổi, gia đình nợ nần suy sụp, từ một người nghiện rượu say sưa bê bết, ông ngoại đã bỏ hết mọi sự quay về nhà. Bỏ cái rụp. Làm lại từ đầu ở tuổi 60. Ông ngoại dãi nắng dầm mưa với một xe thuốc lá ở đầu hẻm để nuôi mấy dì cháu anh em tôi và trả nợ. Tướng tá ông ngoại không có cao lớn nhưng rất nhanh nhẹn, tháo vát. Năm giờ sáng, ông ngoại đẩy xe ra, vừa tập thể dục vừa bán. Cả ngày vừa bán vừa trò chuyện với mấy bạn già của ông ngoại. Buổi tối, nếu không có bạn già nào ngồi chung, ông ngoại sẽ có một cuốn sách để làm bạn. Đến tận mười một mười hai giờ đêm mới đẩy xe vô nhà mặc cho mấy đứa tôi nài nỉ ông ngoại dọn vô sớm nghỉ ngơi sớm. Dù toàn làm việc chân tay cơ cực nhưng ông ngoại rất có ham mê đọc sách. Ông có cả một tủ sách ở nhà và thuộc làu Tam Quốc Chí, Thủy Hử và mấy truyện kiếm hiệp Kim Dung.

Có biết bao nhiêu chuyện tôi muốn kể về ông ngoại. Nào là cái ngày ông ngoại gom tiền đi mua cái tivi màu đem về nhà. Ngày ông ngoại làm gan xách thêm một cái đầu đĩa nữa đem về cho tụi tôi coi cho đủ bộ, khỏi đi coi ké nhà người ta. Chuyện ông ngoại dạy dì cháu tôi tự vệ khi gặp kẻ gian quấy rối. Chuyện ông ngoại cự với thằng hãng thuốc 555 rất mắc cười. Chuyện ông ngoại xách cây đi kiếm thằng cha vô cớ quýnh anh hai tôi khiến cả nhà người ta phải năn nỉ xin lỗi. Chuyện ông ngoại có một chiếc xe PC màu xanh rất chiến. Những thói quen ông ngoại thường làm vào ngày mùng một tết. Những món ăn ưa thích nhất của ông ngoại ngày này qua ngày khác. Chuyện ông ngoại tôi lo lắng đùm bọc đám con cháu ở quê lên SG đi học đi làm, kể cả đám con cháu bên vợ. Chuyện ông ngoại uốn nắn và trị hai cái chân vòng kiềng của ông cậu tôi. Chuyện ông ngoại cưng má với hai bà dì của tôi ra làm sao. Chuyện ông ngoại thân với chú P. từng ở tù hai chục năm về tội giết người từ trước giải phóng được thả ra, chỉ có chú Mười - là ông ngoại tôi - hay động viên trò chuyện. Tôi vẫn nhớ như in ngày ông ngoại phải nhập viện vì làm việc quá sức trong một ngày nắng nóng tháng năm. Những ngày ông ngoại bị liệt nằm một chỗ không nói được nhưng cái gì cũng biết cũng nhớ...

4.
Chỉ trong một tuần cuối tháng bảy này, nhà tôi có ba cái đám giỗ liền kề nhau. Tôi chỉ muốn nhắc lại một câu mà tôi đã từng viết trong những ngày này năm ngoái... Kể ra thì họ - ba, ông bà ngoại và ông bà nội tôi - không để lại của cải gì lớn lao cho anh em tôi, cũng không để lại những giá trị sống có ý nghĩa to tát... Nhưng cái mà họ để lại là những cảm tình rất đẹp và đáng tự hào của mọi người dành cho họ. Họ còn để lại cho anh em tôi một đại gia đình sống yêu thương và tình cảm vô vàn :).

Lớp tiếng Hoa

tình cờ muốn post lại bài này 
vì tình cờ gặp lại cô giáo tiếng hoa của mình


Lớp tiếng Hoa của tôi còn một tuần nữa thì mãn khóa. Từ sỉ số ban đầu khoảng 20 người, đến giữa khóa còn khoảng 10 người và sau gần ba tháng vật lộn, thử thách sự kiên nhẫn của chúng tôi, lớp còn trụ được đúng 6 người. Tôi già nhất lớp, người duy nhất còn sót lại của thế hệ 7x đời cuối, còn lại 5 em kia đều là 9x đời đầu. Cô giáo trẻ trung xinh đẹp mô-đen của tôi dạy khá hay chứ bộ, tại người ta không nhẫn nại đến cùng thôi. Theo cô nói thì ở lớp 1, thường chỉ có 1/3 sỉ số được lên lớp 2; ở lớp 2 có khoảng 1/2 được lên lớp 3 và từ lớp 3 thì sỉ số luôn ổn định do người ta đã xác định được chí hướng và sẽ theo đuổi việc học đến cùng. Tôi hy vọng là tôi sẽ có chí hướng đến cùng, bởi vì tôi rất thích tiếng Hoa và...vì tôi đang mất phương hướng ;)

Học tiếng Hoa không dễ nhưng tôi lại rất có hứng thú. Tôi không bỏ học ngày nào. Tôi đến lớp sớm trao đổi chuyện trò với mấy em nhỏ. Mấy em không biết tôi là ai. Mấy em không biết tôi đang gặp chuyện ghê gớm gì. Mấy em rất vô tư và ham học. Mấy em nhạy bén và giỏi thấy ham. Một tuần tôi có ba buổi tối được thả lỏng đầu óc một tiếng rưỡi. Không nghĩ ngợi và quên mình đi ;)

Hôm làm bài thi giữa khóa, tôi được 8,5 điểm. Tôi thấy vui vui vì hôm đó tôi thuộc bài lắm. Chỉ vì quên mất từ cái chai (瓶) và cái chén (碗) mà tôi bị trừ hết 1,5 điểm oan uổng. Nhưng bữa đó tôi mừng hụt. Hỏi thăm mấy em nhỏ mới hay, em được điểm thấp nhất là 9,7 điểm. Tôi thành ra người đội sổ!!

Đến khi làm một bài tập kiểm tra trước khi thi mãn khóa, cô giáo cho bài tương đối khó. Mọi người chăm chú làm, có vẻ căng thẳng lắm. Tự nhiên không hẹn mà gặp. Tôi với bé V. ngồi kế bên cùng làm xong một lúc, cùng buông viết chì, cùng cầm tờ giấy bài tập lên, cùng thở hắt ra một cái: haizzz... Xong, hai chị em nhìn nhau cười nắc nẻ. Cả lớp cũng cười. Cô giáo cũng cười, bộ bài khó lắm hay sao mà hai đứa thở dài một cái nghe não ruột ;) Bài kiểm tra đó tôi được 9 điểm. Tôi vui nhưng không vội mừng. Tôi hỏi dò mấy bạn đồng môn, kết quả là em thấp nhất được 9,8 điểm. Tôi lại đội sổ, haha... Nhưng tôi không buồn, tôi biết sức tôi sức già sao đọ lại sức trẻ của mấy em. Đạo lý này tôi hiểu được nè: sức người có hạn!

Hôm thứ bảy vừa rồi, tôi có buổi thi vấn đáp kết thúc khóa học. Tôi hăm hở học bài, đến lớp rất sớm, sẵn sàng cho buổi thi. Đến khi mọi người có mặt đầy đủ, tôi phát hiện ra rằng hôm đó tôi bị tắt tiếng 99% làm sao thi vấn đáp được đây!? Cô giáo cười hỏi tôi biết lựa ngày tắt tiếng quá hen. Bé V. nói ước gì em cũng bị giống chị để tuần sau thi luôn. Tôi bó tay ngồi nhìn mấy em thi xong rồi xách xe không chạy về ;)

Tối nay, tôi thi nói, thi nghe, thi viết một lượt luôn.
Thi nói tốt, tự giới thiệu về mình và trả lời 5 câu hỏi phỏng vấn.
Thi nghe khá tốt, nghe được hết mà quên mất cách viết tên: Pháp (quốc) và Hàn (quốc)
Thi viết cũng khá tốt, viết và dịch được hết, mà không dịch được một câu duy nhất. Câu này ngắn ngủn và rất kinh điển, nghe cô giáo lặp tới lặp lui làm ví dụ trên lớp hoài: Bạn đi ăn cơm với ai?

Giờ thì biết viết câu này rồi...
Giờ thì ngồi nhớ lại câu này và tự nhiên ngẫm nghĩ tới câu trả lời mà buồn thúi ruột.

(CHMX - 14.4.2011)

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

Chuyện đi đường (5)

Bữa nọ, đang chạy xe trên đường Pasteur muốn ra Tân Định mà quên không quẹo Điện Biên Phủ nên tôi ngơ ngẩn một hồi rồi buộc phải đánh một vòng Võ Thị Sáu qua NKKN rồi quẹo lại Điện Biên Phủ ra Hai Bà Trưng... Có hàng vạn cách để người ta đi từ Quận 1 qua Phú Nhuận. Tôi thường đi trục đường này, trên dưới mười năm, từ CMT8 quẹo NTMK ra Pasteur, xuyên qua một con hẻm sát Phở Ngân rồi ra đường Huỳnh Tịnh Của quẹo phải Lý Chính Thắng là tới dưới chân cầu Kiệu rồi. Sau này, mang tâm trạng lan man lọng cọng, rất nhiều lần, tôi chạy huốt qua cái hẻm nhỏ. Dzậy là phải xách xe chạy một vòng trên mấy con đường mà mình không hề mong muốn. Tôi nhận ra xuyên suốt trục đường Pasteur mà tôi hay đi, bây giờ, toàn là đường một chiều. Từ NTMK, VVT, NĐC, ĐBP, VTS cho tới TQT. Tôi nhận ra con đường đời tôi phải đi, bây giờ, không khó để đi đúng, chỉ sợ tôi mất tập trung. Chỉ cần quờ quạng lọng cọng một chút thôi, tôi sẽ không thể an nhiên quay đầu lại, chỉ có thể đánh một vòng xa hoặc rất xa mà thôi...


Tôi đã viết cái đoạn trên cách đây cũng không lâu lắm. Để nhắc nhở mình. Thêm một chút răn đe. Rồi như một phản xạ, hễ đi ngang qua con đường Pasteur là tôi lại nhớ đến cái đoạn văn này. Nhớ luôn cả cái khúc tôi dừng lại đổ xăng ở góc ngã tư Pasteur - Võ Thị Sáu rồi đứng bần thần một hơi mới lên xe đi tiếp. Cứ nghĩ ngợi miên man trong khi nhắm phía trước mà chạy. Nhưng những lần sau này, tôi hầu như không còn lạng quạng đến nỗi đi sai đường hay phải đánh một vòng xa xôi nữa.
 
Hôm qua, lúc chạy xe vòng vòng trong Chợ Lớn, lúc dừng xe chờ đợi lâu lắc, lúc chở một đống hàng buộc đằng trước cột đằng sau, tôi tự nhiên nghĩ ngợi lan man đủ điều. Từ rày sắp lên, tôi sẽ có lúc phải vất vả hơn thế nữa. Tôi sẽ làm những việc không phải sở trường của mình. Dù không thích, tôi cũng phải lăn xả vào những nơi tôi chưa từng mò tới. Tôi sẽ còn đi lạc đường nhiều bận nữa. Vất vả vòng đi vòng lại để tìm thấy đúng thứ tôi muốn tìm. Làm mặt lì để tiếp xúc với những người mà mình cần họ hơn là họ cần mình. Tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần để đối mặt với tất cả những điều đó. Thiệt khó tin ;)

Cũng như tôi viết ở trên, "những lần sau này" không có nghĩa là "mãi mãi về sau này". Cũng như, dạo này, dù không có thích lắm, nhưng tôi bắt đầu hay bóng gió, mượn chuyện nọ để nói chuyện kia. Đời người ngắn ngủi không có gì là bất biến. Mọi thứ rồi sẽ thay đổi. Biết đâu, mai này, có thể tôi lại đi sai đường. Có thể tôi lại phạm sai lầm. Có thể tôi sẽ thấy thấm mệt vì gánh nặng tôi trót mang theo. Có thể tôi sẽ gục ngã vì không biết lượng sức mình. Nhưng có hề gì. Nếu e ngại những đổi thay, những khó khăn và cả những điều chưa chắc chắn, tôi e mình sẽ mãi lẩn quẩn trong những giới hạn mà mình tự vẽ ra. Lẩn quẩn miết sẽ thành lẩn thẩn ;)

Biết đâu, với tôi, ngày mai trời lại sáng bừng bừng.


Tôi không hề thích câu ví von "con chim sợ cành cong" nên tôi chắc chắn sẽ không là một con chim sợ cành cong :).

Thiệt!

Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2013

Thứ sáu

Thay vì so sánh mình với những người may mắn hơn mình, ta nên so sánh mình với số đông của nhân loại. Và rồi sẽ có vẻ như chúng ta thuộc về những người may mắn.
Instead of comparing our lot with that of those who are more fortunate than we are, we should compare it with the lot of the great majority of our fellow men. It then appears that we are among the privileged.
- Helen Keller -

8:30am, nằm, nhìn, thấy đẹp, chụp lại, khoe
 4:00pm, ghé Nhà thờ Huyện Sĩ rồi qua quán cơm chay Pháp Hoa ngồi

6:00pm, 2 cô cháu tới Bonjour cafe mua fruit yaourt take-away
7:30pm, home sweet home với Kachi & 2 chú của nó ;)
10:00pm, nhỏ Thỏ & Lộc rủ qua nhà ngủ rồi coi Lost Tapes, xong 2 chị em
nó co ro đắp mền kín mít từ đầu tới chân còn hỏi mình coi xong thấy sợ
hôn? - Sợ gì mà sợ chứ, chỉ thấy mắc cười 2 đứa bây thôi... ;D


Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

Thắng & Thua

"Trong cuộc sống, nơi nào có một người chiến thắng, nơi đó có một người thua cuộc. Nhưng, người biết hy sinh vì người khác luôn luôn là người chiến thắng"




- Nếu người chiến thắng luôn tìm cách giải quyết vấn đề thì kẻ thua cuộc thường dễ nản lòng mỗi khi gặp phải khó khăn

- Nếu người chiến thắng luôn chịu trách nhiệm cho hành động của mình thì kẻ thua cuộc lúc nào cũng tìm lời bào chữa cho những hành động của mình.

- Nếu người chiến thắng nói: "để tôi giúp bạn làm điều đó" thì kẻ thua cuộc thường né tránh: "đó không phải công việc của tôi".

- Nếu người chiến thắng nói: "có lẽ khó nhưng tôi tin mình sẽ làm được" thì kẻ thua cuộc lại bảo rằng: "tôi làm được nhưng nó khó quá"

- Nếu người chiến thắng luôn quyết tâm thực hiện lời cam kết của mình thì người thua cuộc chỉ biết hứa hẹn.

- Nếu người chiến thắng cho mình là một thành viên trong tập thể thì kẻ thua cuộc thường tách mình ra khỏi tập thể.

- Nếu người chiến thắng luôn biết tìm kiếm cơ hội trong mọi trở ngại thì kẻ thua cuộc chỉ nhìn thấy toàn trở ngại trong mỗi cơ hội.

- Nếu người chiến thắng luôn muốn tất cả mọi người cùng thắng thì kẻ thua cuộc lại tin rằng họ sẽ là người duy nhất chiến thắng.

- Người chiến thắng thường trình bày những lời lý lẽ vững chắc bằng ngôn từ mềm mại thì kẻ thua cuộc luôn sử dụng những lý lẽ yếu ớt bằng ngôn từ cứng rắn.

- Nếu người chiến thắng kiên định với những giá trị cao đẹp và bỏ qua nhưng điều nhỏ nhặt thì kẻ thua cuộc hơn thua nhau bằng những điều nhỏ nhặt mà bỏ qua những giá trị cao đẹp của cuộc sống.

- Nếu người chiến thắng sống theo quan điểm: "đừng làm những điều mà bạn không muốn người khác làm cho mình" thì kẻ thua cuộc lại sống theo phương châm: "phải quan tâm bản thân mình trước tiên".



- Sưu tầm từ Ngonluanho.net -

Thứ Ba, 16 tháng 7, 2013

7 bước vượt qua khó khăn

...

Sáng nay thức dậy nghĩ tới A. đang tuyệt vọng, em đã muốn viết vài dòng để khích lệ A. Em không nghĩ ra được mình sẽ viết cái gì đây kỳ này, nên post đại một bài sưu tầm có tựa đề 7 bước vượt qua khó khăn ;).

Rồi xóa hết.

Vì nghĩ, lúc này A. sẽ không có hứng thú để đọc một bài lý thuyết dài thoòng vậy đâu.

...

Thôi thì cứ nghỉ ngơi đi A.! Một bữa, vài bữa hay vài tuần gì cũng được. Đừng suy nghĩ. Đừng lo lắng. Chỉ cần nghỉ ngơi, cho mình một khoảng lặng, tái tạo năng lượng, A. sẽ sớm được nhìn thấy tia sáng ở cuối đường hầm thôi.

Em tin vậy đó!



------------------------------------
...rồi mọi thứ sẽ ổn thôi anh!
   ------------------------------------

Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

Viếng Cha Diệp 2013


Mình muốn cập nhật một ít thông tin cho những ai hành hương đến với Cha Diệp ở Nhà thờ Tắc Sậy mà tìm thông tin qua Google ra kết quả dẫn đến blog của mình ;)
- Vé xe Phương Trang tăng giá từ 6/7/2013 lên 205k/vé giường nằm từ SG đi Cà Mau, 200k/vé cho chiều ngược lại. Vé xe Mai Linh giường nằm hơi bị cũ kỹ đồng giá 190k/vé cho cả chiều đi và chiều về. Bận đi mình đi xe Phương Trang 11g30 tối xe khởi hành đến 5g40 sáng tới ngay cổng Nhà thờ Tắc Sậy. Bận về đi xe Mai Linh 11g45 trưa xe khởi hành đến 7g tối thì về tới Bến xe miền Tây.
- Giờ lễ Nhà thờ Tắc Sậy: ngày thường có lễ 5g, 9g và 17g30 - chủ nhật có lễ 5g, 7g, 9g và 17g.
- Cơm hủ tiếu bánh canh vẫn giữ giá 25k - 30k/phần nhưng không còn miễn phí trà đá. Uống cafe thì được nằm võng miễn phí. Giá nước và cafe cũng rẻ rề ở ngay mấy quán bên kia đường đối diện nhà thờ.
- Mua đặc sản tôm khô có nhiều loại giá 380k - 440k/kg, khô cá sặc 120k-180k/kg, lạp xưởng ngon 80k/kg và còn rất nhiều món đặc sản khác... cũng mấy gian hàng bán ngay bên kia đường đối diện nhà thờ. Đảm bảo cân đủ và không bị lầm vì anh bán hàng người miền tây vui vẻ thật thà, ảnh nói rằng "chị đừng lo, mua hàng ở Cha Diệp là không bao giờ bị cân thiếu hay bị chặt chém gì đâu chị" ;).
Chúc mọi người có một chuyến hành hương thuận lợi & bình an!

(CHMX - update 15.7.2013)
 
Note cũ Viếng Cha Diệp (t4.2012)

Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

Bài học của Xuân (6)

1.
Tổng kết tháng sáu của mình còn thiếu một chuyện. Chuyện lớn chớ không phải chuyện nhỏ. Chuyện vui chớ không phải chuyện buồn. Mình phải ghi lại bổ sung. Chẳng để khoe khoang, chỉ để mai này có cái mà nhớ.


Cuối cùng sau ba mươi sáu tháng cong xương sống cóng xương sườn trả nợ cho thằng Pru mắc dịch, mình đã nhận được thư thông báo tất toán hợp đồng với nó. Mừng húm. Nhẹ người. Khỏi phải tháng nào cũng nghe cái đám nhân viên nó gọi điện nói này nói nọ, nói một hồi là mình chỉ muốn chửi thề. Cái công ty gì mà mướn nguyên một dàn nhân viên từ trên xuống dưới, từ trái sang phải không hề biết "lắng nghe" và còn lâu mới "thấu hiểu", ở đó mà "luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu"!? 

Mình ghét thằng Pru này kinh khủng nên hễ nhắc tới nó là thấy bực mình. Ai mà không biết thiếu nợ thì phải trả nợ, nhưng là chủ nợ, lại là một công ty lớn, có văn hóa công ty lâu đời thì nó cũng phải biết đạo lý ở đời chứ!? Ai đời, ngày ba mình mới mất, sáng sớm nó gọi điện thông báo tới kỳ thanh toán. Mình nói nhà mình có tang, ba mình mới mất, vài bữa nữa mình sẽ chuyển khoản... Nó nói giọng lạnh tanh: nhà chị có tang là chuyện của chị... Wow... Dù gì mình cũng là khách hàng của nó mà nó không nói được một lời chia sẻ còn nói bá láp. Coi nó làm mình nổi điên hôn? Rồi một bữa nọ, mình nổi điên thiệt. Làm cho nó một trận, mà không phải, tới vài trận lận. Cũng may cho nó, may cho nó là nó còn có duy nhất một thằng sếp biết nói chuyện và vuốt giận khách hàng :).

Bài học rút ra: Không phải ai nói mình "luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu" là làm được đâu. "Lắng nghe" khó lắm, "thấu hiểu" còn khó hơn, và trong mọi sự, đừng bao giờ khẳng định hai chữ "luôn luôn"...

2.
Hồi 2008, mình dọn nhà từ NVĐ qua TBT, tiếc cái quạt cũ đem sửa lại xài. Nghĩ là tiết kiệm được mớ tiền, ai dè chạy xe ngoài đường, lo giữ cái quạt mà làm rớt mất cái điện thoại. Điện thoại Nokia XpressMusic mới tinh, mua bốn triệu bạc, xài đâu được chừng một tháng. Một anh chàng bán bắp ngoài đường lượm được. Hỏi ảnh ở đâu cho mình tới chuộc lại một triệu đồng, ảnh nói không biết, để ảnh về nhà trọ rồi cho mình địa chỉ. Chờ hoài. Gọi thì máy bận liên tục. Báo tổng đài cắt chiều gọi đi thì máy ò í e luôn. Mình đau buồn nằm dài ngẩn ngơ tiếc của cả ngày chẳng thiết tha làm gì nữa. Thì bữa sau, má gọi về nhà liền đi, ba mày mới lượm được cái điện thoại cho mày...

Chạy về nhà, nghe má kể, trên đường ba chạy xe về từ nhà chú L. bạn ba ở tuốt Hương lộ 14 cũ, giờ là LBB thì bắt gặp cái điện thoại nằm reo giữa đường. Lúc đó đường sá ở đó còn vắng teo, ít người qua lại nên ba lượm bỏ túi đem về. Vốn không biết xài điện thoại nên ba để cho nó reo suốt tới lúc về nhà. Đưa má, má lúc đó cũng chẳng biết làm gì với nó, cứ để reo vậy. Hai vợ chồng mình về tới, cầm cái điện thoại, lúc này đã hết reo rồi, suy nghĩ tới lui. Mình đã biết cái cảm giác mất điện thoại, mình biết mình đau mình buồn mình tiếc ra làm sao rồi, chắc người ta cũng vậy. Mình thấy chẳng tha thiết gì với cái điện thoại trên trời rớt xuống này. Chồng mình gọi điện thoại lại cho người ta nói là đã nhặt được điện thoại này, để mang tới trả cho họ. Kỳ lạ thay, họ nói họ đã mua điện thoại mới, không cần nó nữa, Họ kêu mình cứ để xài đi và nhất định không nhận lại. Giống như bị ép vô thế, nên chồng mình để xài, cho tới lúc nó cũ rích tàn tạ luôn mới bỏ đi :).

Bài học rút ra: Ở đời, có nhiều thứ, không tự sinh ra và cũng không tự mất đi, nó chỉ chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác... Quan trọng là, trong cái rủi luôn có cái may.

3.
Mình nhớ cách đây không lâu, mình có kể lại trên blog cũ của mình một câu chuyện ngắn mà vui. Đó là một tình huống khá nhạy cảm được mình giải tỏa chỉ bằng hai câu nói. Chuyện là bữa đó sáng sớm mình xách giỏ đi làm, gặp ông anh hai đứng trước cửa phòng mặt mày căng thẳng. Hồi hôm trước khuya lơ khuya lắc rồi, mình có nghe hai vợ chồng cự cãi, rồi còn có tiếng xô xát rất nhỏ nữa. Chắc là ông anh mình lại la cà nhậu nhẹt đâu đây. Giờ sáng ra, xem chừng không khí còn rất nặng nề. Mình làm bộ xoay ổng một vòng dòm ngó tay chân rất kỹ rồi tỉnh bơ hỏi "hồi khuya này, ông mới bị bạo hành phải hôn?". Ổng cười cười. Mình quay sang chị dâu, là con nhỏ bạn thân thiệt thân của mình, đang làm mặt ngầu ngồi ở trong phòng, hỏi nhỏ nhỏ: "ê, hồi tối hôm qua, mày làm gì quýnh anh hai tao dữ dzậy mậy?". Ông anh mình dòm mình, bà chị dâu mình dòm mình rồi ba đứa bỗng dưng phá lên cười rũ rượi rung rinh cả buổi sáng :D.

Bài học rút ra: Nói theo những nhà khoa học, óc khôi hài luôn có lợi cho thể chất & tinh thần của bất kỳ ai :)

4. Gia đình là số 1!

Xem thêm:

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...