đời người vội vã...
1. Bạn bè đồng nghiệp lâu lâu không gặp thường có một câu hỏi nhau: Dạo này thế nào, có khỏe không? Có lẽ câu hỏi “xã giao” ấy là tồn tại lâu dài nhất, thường xuyên nhất, bên cạnh những câu khác như: làm ăn thế nào, gia đình ra sao...
Hồi còn ở tuổi hai mươi, ba mươi, nghe ai hỏi thăm “bạn có khỏe không” thường thấy buồn cười, có gì đó khách sáo, thậm chí bạn bè thân mà hỏi nhau câu đó thường được “dịch” là: tiền có nhiều không, yêu có lắm không? Và lời thăm hỏi ấy thường dẫn đến một tràng cười vui vẻ, để rồi những câu hỏi khác quan trọng hơn lấn lướt sự quan tâm.
Mới đó mà đã qua cái thời hỏi thăm nhau về chuyện bạn bè người sinh sống nơi này người đến ở nơi kia; đứa này cưới vợ, đứa kia lấy chồng; rồi đến chuyện đứa nọ sinh con trai, đứa khác sinh con gái; đến những lần gặp gỡ hỏi han nhau về công danh sự nghiệp... Mới đó mà đã bắt đầu lác đác có những cái tin bạn bè đồng nghiệp ra đi vì những căn bệnh không ai ngờ. Không ai ngờ hôm qua còn trò chuyện cùng nhau, chỉ một cú ngã xe, bạn đã thành người sống đời thực vật. Không ai ngờ một đồng nghiệp ở văn phòng thường trú thường ngày vẫn điện thoại trao đổi công việc, đôi lúc trêu chọc đùa vui, thế mà sau khi hay tin anh bị ung thư chưa lâu, chưa kịp tin, chưa muốn tin ở các xét nghiệm y học thì anh đã ra đi. Những cái chết quá bất ngờ khiến người ta nghi hoặc ở sự sống, và không tránh khỏi những ám ảnh về tai họa rủi ro.
Mới đó mà câu hỏi thăm nhau “Bạn có khỏe không” đã không còn là chuyện khách sáo, hỏi cho có lệ, hỏi vì quen miệng. Khi nghe tin anh bạn đồng nghiệp bị ung thư gan, trong suốt những lần trao đổi công việc qua điện thoại, tôi đã không thể cất lời hỏi anh câu hỏi đó, không thể hỏi anh có khỏe không khi anh đang mang căn bệnh vô phương cứu chữa. Có lẽ chưa đủ thân để hỏi anh đau ra sao, cái chết đã đến gần anh như thế nào, chỉ thấy bùi ngùi khi anh vẫn luôn cười và vẫn nói giỡn, dù giọng nói đã yếu mệt. Anh không nói đến “nó” thì ai nào dám nhắc đến “nó”. Không ai dám “đụng chạm” đến chuyện đó, khi mà ai cũng biết chẳng có phép thần nào xảy ra.
Hãy hỏi thăm nhau khi còn mạnh khỏe, đừng để đến lúc “trời kêu” rồi mới xót xa. Đôi khi chúng ta quên rằng có những điều khi ta nói đến, dù rất hay ho, nhưng đã đến thời điểm không còn giá trị.
2. Trong một thế giới phẳng, như cách nói của Thomas L.Friedman, những kết nối và sự tiếp xúc giữa các cá nhân trở nên dễ dàng và chặt chẽ hơn bao giờ hết. Một số điện thoại, một địa chỉ e-mail, một nickname, một account, một tài khoản... dường như ai cũng có những con số “đại diện” cho mình, giúp mình kết nối và giao tiếp với thế giới. Trong đời sống kinh tế, sự “phẳng” ấy khiến cơ may và rủi ro đổi chỗ cho nhau nhanh nhạy chẳng kém sự lưu chuyển trên mạng. Còn trong đời sống tình cảm, khi công nghệ thông tin phát triển, người ta cũng được lợi và bị thiệt bởi cái ảo nhập nhằng với cái thật.
Chẳng hạn, cái thật là những lời hỏi thăm nhau của cha mẹ, con cái, những trò chuyện thâu đêm suốt sáng của bạn bè dù ta ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, bất cứ đêm hay ngày. Và cái ảo, là đôi khi ta tưởng rằng thế là đủ, ta quên hơi ấm dịu dàng của một bàn tay nắm, quên chiếc khăn mát lạnh mà người thân đắp lên trán ta trong cơn sốt bất ngờ; quên những tiếng khóc, nụ cười, cơn đau thật ngoài đời khi dùng các biểu tượng thay thế... Rồi một ngày, trong điện thoại còn lưu số của một người bạn đã mất, trong Facebook hay trên cửa sổ chat còn nickname của người ấy, khi họ đã về bên kia thế giới, không còn trò chuyện, comment (đưa ra ý kiến, nhận xét) hay reply (trả lời). Nghĩa là cái thật đã mất mà cái ảo vẫn tồn tại, hay nói cách khác: cái ảo đã không cập nhật, không theo kịp cái thực. Những dòng tin nhắn dịch vụ vẫn ân cần và kiên nhẫn nhắc nhở, đại ý: “Hãy giúp anh ấy tìm bạn bè, giới thiệu bạn cho anh ấy”, “Lâu rồi bạn chưa trò chuyện cùng anh ấy, hãy gửi cho anh ấy một tin nhắn”… Sự “vô tư” và tận tâm của những dịch vụ trên mạng như thế khiến bạn ứa nước mắt. Bạn có can đảm “delete” (xóa) đi ngay một con số, một cái tên, khi người sở hữu nó vừa mới ra đi?
Hãy sống thật nhiều hơn, để không phải hối tiếc: lúc nhớ đến nhau thì chỉ còn cái ảo.
Hạ Minh
Con người bằng bàn tay và khối óc đã tạo ra thế giới ảo, vậy nên đừng để thế giới ảo lại tạo ra con người!
Trả lờiXóayéh!
Trả lờiXóaVậy thì còm phát cho nhớ.
Trả lờiXóaVui bạn nhé.