Thứ Ba, 18 tháng 6, 2013

Đức tin là một món quà


Thời con gái, tôi thuộc dạng người chỉ tin vào bản thân mình và những điều tận mắt thấy. Tôi kết hôn năm hai mươi bảy tuổi. Tôi làm một tân tòng. Tôi được làm quen với giáo lý nhà Chúa chỉ bằng một tháng học cấp tốc tại nhà một cô giáo lý viên ở chung cư TQD và vài tuần học giáo lý hôn nhân ở nhà thờ DCCT trên đường KĐ. Tôi được rửa tội và thêm sức chỉ một ngày trước ngày cưới. 

Trong suốt ba năm sau đó, tôi không hề tìm thấy một hứng thú nào trong việc đọc kinh đi lễ. Chủ nhật tôi vẫn cùng chồng đi lễ, mỗi tuần một nhà thờ khác nhau trong thành phố cho đỡ nhàm chán. Thường đi trễ về sớm và hay ngồi ngoài sân, vì tôi luôn thấy nhấp nhỏm không yên hoặc lo ra khi ngồi trong nhà thờ. Dĩ nhiên Lời Chúa đối với tôi lúc đó chỉ là những hạt giống được gieo trên đá sỏi. Tôi thậm chí còn thấy khó chịu khi nghe những bài Thánh ca. Tôi vẫn thuộc dạng người chỉ tin vào bản thân mình và những điều tận mắt thấy. 

Chồng tôi là một người có đạo dễ chịu và kiên nhẫn. Nhờ có một nền tảng giáo lý được truyền lại từ Mẹ, anh ấy sẵn lòng giải đáp mọi thắc mắc và luôn thông cảm cho một người tân tòng khô khan như tôi. Mẹ tôi, một cô giáo dạy nhạc có mối quan hệ rộng rãi với các nhà thờ, một người ngoan đạo và có lòng bác ái vô biên. Mẹ luôn làm gương cho con cái và cũng như anh ấy, mẹ sẵn sàng chia sẻ với tôi mọi điều để củng cố đức tin cho tôi. Mẹ dẫn tôi đi hành hương khắp nơi, từ Bãi Dâu, Tà Pao, Châu Đốc, Bạch Lâm-Đồng Nai, Cha Diệp-Cà Mau... nghe ở đâu có dấu lạ, có nhân chứng đức tin là Mẹ kéo tôi theo. Tôi đi theo Mẹ nhìn ngó thiên hạ, tự hỏi làm sao mà người ta có thể tin và tin nhiều đến thế. Gần ba năm trời, tôi không hề biết thật tâm cầu nguyện điều gì, quỳ trước mặt Chúa nhưng lúc nào cũng chia trí đâu đâu. Tôi không tin, cũng không phản bác. Có lần, tôi còn bật khóc ngon lành khi đang dự lễ vì bứt rứt, không hiểu sao mình phải khổ sở đứng ở đây giờ này. Tôi vẫn nhớ, lúc đó, chồng tôi không hỏi han cũng chẳng tỏ thái độ gì, chỉ quay sang nắm chặt tay tôi. Rất nhiều lần anh ấy ôm tôi vào lòng, nói rằng "...chỉ cần em sống tốt... em sống tốt tức là em đã sống đạo rồi". 

Thời gian đó, Mẹ tôi vẫn kiên trì làm nhân chứng đức tin cho các con của Mẹ. Vì Mẹ, mỗi tuần, mấy anh em tôi dắt díu nhau đi học lớp Kinh Thánh & Cầu Nguyện mà Mẹ rất tâm đắc. Lúc đầu là học ở Nhà thờ TG, một nhà thờ nhỏ gần khu TĐ, sau đó là lớp của cha Bảo ở DCCT. Dù có lúc rất uể oải nhưng những gì mà tôi thu nhận được trong hai lớp học đó khá là nhiều. Đầu tiên là tôi làm quen, nắm vững cách đọc và bắt đầu yêu thích Kinh Thánh. Hai đứa tôi cùng nhau đọc Kinh Thánh mỗi tối, tôi nhập tâm dần và đã biết cầu nguyện dựa trên những điều được truyền dạy. 

Có một lần, trong chuyến hành hương Tà Pao với Mẹ, tôi bị thuyết phục bởi chứng kiến việc cầu nguyện của một đoàn hành hương do Cha KL dẫn dắt. Lúc đó tôi không biết Cha KL là ai, chỉ nghe Mẹ nói Cha là tác giả của nhiều bài Thánh ca và từng là Thầy dạy nhạc của Mẹ. Đoàn của Cha, có lẽ gần ba chục người đàn ông, trẻ có già có, ăn mặt trang trọng, giữa trời trưa nắng, mồ hôi đầm đìa, quỳ gối giang tay đọc kinh một cách thành tâm và cung kính. Trong khi rất nhiều nhóm hành hương khác lúc đó ở trên núi, hầu hết đều núp dưới bóng cây, nhiều phụ nữ khẩu trang kín mít, tay che dù tay cầm quạt. Khi đó, tôi tự hỏi điều gì khiến họ, những người đàn ông cao to kia lại thành tâm tin tưởng đến như vậy!?

Cho đến một ngày, một biến cố xảy đến với gia đình tôi. Biến cố đó chính là ơn Chúa đã ban và làm thay đổi gia đình tôi mãi mãi...

Tháng 9/2007, nhân ngày lễ lớn, nhóm bạn chúng tôi hẹn nhau đi chơi VT bằng xe máy. Khởi hành vào buổi chiều, khi sáu người chúng tôi ra khỏi SG, trời bắt đầu mưa tầm tã. Mưa kèm theo sấm chớp ầm ầm rất đáng sợ. Chiều hôm đó, em trai tôi cũng đi cùng đám bạn đồng nghiệp thân thiết. Tụi nó đi tám người nhưng lúc trở về chỉ còn bảy. Tối đó, khi em tôi băng qua đường quẹo vào khách sạn thì bị một chiếc xe máy chạy ngược chiều tông vào giữa xe. Cú ngã không nặng nề mấy nhưng... đã lấy mất mạng sống của người bạn ngồi sau xe em tôi. Em tôi chỉ bị thương ngoài da nhưng những tổn thương tâm lý thì phải mất rất lâu mới có thể phục hồi. Người nhà của bạn nó, vì quá đau lòng trước sự ra đi đột ngột của con em mình đã làm áp lực và quy trách nhiệm cho nó. Cả nhà tôi cũng hết sức đau buồn. Chúng tôi đã làm hết sức mình để chia sẻ với họ, dù biết, thật khó để xoa dịu nỗi đau này. Em tôi hoàn toàn suy sụp và gần như trắng tay sau tai nạn đó. 

Dù được bạn bè đi chung làm chứng và khuyên giải nhưng gia đình người bạn đã mất vẫn khăng khăng cho rằng lỗi tại em tôi. Những ngày đó, em tôi thường xuyên bị triệu tập ra VT để lấy lời khai, dựng hiện trường. Điều tra tới lui, khai đi khai lại nhưng kết luận điều tra của công an không làm họ thoả lòng. Họ lại chửi bới, lại làm khó, lại thưa kiện, lại điều tra kéo dài... Lần cuối cùng khi đứng ở hiện trường vụ tai nạn, em tôi gần như hoảng loạn, dù lúc đó có Má và chồng tôi cùng một vài người bạn tháp tùng để khích lệ tinh thần nó. Khi đó ở nhà, tôi, Mẹ tôi cùng với nhiều nhóm cầu nguyện ở nhiều nơi, được Mẹ tôi nhờ, đã hiệp ý với nhau để cùng cầu nguyện bình an cho em tôi.

Tôi vẫn nhớ buổi trưa hôm đó, tôi vừa cầu nguyện vừa khóc rất nhiều. Tôi không ăn uống gì, mệt mỏi nằm dưới nền nhà thiếp đi lúc nào không hay. Trên tay tôi vẫn nắm chặt xâu chuỗi. Rồi tôi giật mình choàng tỉnh vì rõ ràng tôi cảm nhận được xâu chuỗi trên tay mình rung lên. Nó đã đánh thức tôi dậy. Tôi cầm điện thoại lên gọi cho chồng tôi. Anh ấy hoan hỉ nói với tôi rằng lần này mọi việc sẽ ổn thôi vì Chúa đã gửi thiên thần đến giúp em tôi :)

Sau đó trở về, Má, anh và em tôi kể lại rằng, lúc công an họ chở mọi người từ trụ sở lấy lời khai ra hiện trường tái dựng lại lần nữa, có rất nhiều người ở đó tụ tập bàn tán. Có một vài người dân địa phương quá khich đi ngang còn hầm hè chửi bới em tôi. Thêm cái kiểu quát tháo của cán bộ điều tra làm em tôi không đứng vững nữa mà gần như ngồi thụp xuống vệ đường, mặt xanh như tàu lá. Chồng tôi, anh ấy đã đứng giữa đám đông đó, cầu nguyện nài xin sự hiện diện và lòng thương xót Chúa. Khi anh ấy cầu nguyện xong, khi hiện trường ở đó căng thẳng đến nghẹt thở, thì từ xa có một anh thanh niên mặc áo thun màu đỏ đạp xe trờ tới. Anh này dừng lại hỏi han rồi nói anh là người đã chứng kiến tai nạn này. Anh kể vanh vách thấy em tôi chạy từ hướng nào, chiếc xe ngược chiều gây tai nạn rồi bỏ chạy ra làm sao, tất cả đều trùng khớp với lời khai của em tôi và bạn bè. Anh còn đồng ý để lại tên tuổi số điện thoại sẵn sàng làm chứng cho em tôi. Em tôi nói, khi đó, nó gần như ngã quỵ, ngước nhìn về phía tượng Chúa Ki-tô Vua trên núi, thấy rõ ràng có vầng hào quang bao quanh Chúa và nó còn nghe văng vẳng bên tai tiếng nói rằng "con đừng sợ, đã có Chúa đây rồi!".

Em tôi sau đó đã bỏ chỗ làm cũ, bán hết tài sản mà nó đã tích góp được trong mấy năm đi làm để khắc phục hậu quả và chia sẻ với gia đinh người bạn vắn số của nó. Nó vẫn bị ám ảnh tâm lý một thời gian dài sau đó và trải qua những ngày khó khăn khủng khiếp. Tối tối, nó chở Má qua nhà thờ học giáo lý. Nó làm một người tân tòng từ đó. Và Má tôi đã trở lại làm con của Chúa một cách toàn tâm toàn ý đến tận bây giờ.

(còn nữa)

6 nhận xét:

  1. Chồng bạn hay chồng củ?? và nếu anh ta là người tin chúa đến thế và mộ đạo như vậy thì tại sao ly dị??

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. tôi không thích trả lời 2 câu hỏi này tí nào ;)

      Xóa
  2. Một thông điệp hay . Cảm ơn chủ nhà .

    Trả lờiXóa
  3. Ờ, Xuân kg trả lời là phải! Cái bạn nặc danh bên trên cũng tự nhiên như người Long Xuyên, và có duyên như người Miên luôn dzị đó.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. dĩ nhiên là mình sẽ đề cập tới vấn đề nhạy cảm đó mờ, tại thấy bạn ấy nóng lòng quá mà hỏi cứ như hỏi cung nên mình mới hổng thích đó chớ hehehe

      Xóa

cám ơn bạn đã ghé qua blog này.
sự hiện diện của bạn (ở đây) là niềm vinh hạnh cho (MX) tôi ;))

Xem thêm:

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...