Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

Cái phụ nữ cần rất đơn giản!

ngày cuối năm, một mình, tự nói với mình & tự nịnh mình (tập n+++)

1.
tea time (Phú Yên)
- Sắc đẹp và đức hạnh? - Không có phụ nữ xấu, chỉ có phụ nữ không biết mình xấu :)). Tự nàng đã ý thức được điều đó từ khi theo chồng bỏ cuộc chơi. Trên đời này có biết bao phụ nữ đã không tiếc sức người sức của để mình trở nên đẹp và duyên dáng hơn trong mắt chồng!? Và trên đời này, không người đàn ông nào lại không thích nhìn thấy vợ mình trẻ trung xinh đẹp yêu đời!?

Nàng không xinh đẹp dịu dàng nhưng nàng luôn biết giữ mình như ngọc, trước mặt người khác luôn tươi tắn và lạc quan. Nàng không có nụ cười ngọt ngào với hàm răng trắng bóng nhưng nàng luôn biết chia sẻ và khích lệ bạn đời. Bao năm qua, nàng đã hết lòng kiên nhẫn, chấp nhận hoàn cảnh, một lòng một dạ nâng khăn sửa túi, chỉ mong muốn mang lại điều tốt nhất cho người chung chăn gối với mình...

Chẳng phải nàng đã sống vậy sao?

2.
- Ở nhà cao cửa rộng? đi xe đẹp? xài điện thoại xịn? - Cơ bản là con người ta sinh ra ai mà chẳng thích sống sung sướng, đầy đủ. Nhưng nếu phải ở trong một căn nhà nhỏ, thậm chí là đi thuê, nhưng trong căn nhà nhỏ đó có những bữa cơm đầm ấm, có nụ cười khúc khích khi vợ chồng cùng xem một bộ phim hấp dẫn, cùng tâm đắc với một bản nhạc hay, cùng cười rũ rượi vì một câu chuyện tiếu lâm.. thì nàng thấy cuộc sống cực kỳ thú vị chứ. Nếu khó khăn, phải bán hết xe cộ, hai vợ chồng đi một chiếc xe dream TQ ba bốn triệu bạc, bèo ơi là bèo, mà vợ ngồi sau vẫn vịn đùi chồng một cách chắc chắn và tin cậy thì nàng thấy cuộc sống vẫn đáng sống chứ. Nếu không có tiền mua điện thoại xịn mà chỉ xài điện thoại cùi bắp nhưng nghe nói nhắn tin ok là ổn rồi, có gì mà nghi ngại nữa chớ... Con người ta lên bờ xuống ruộng, lên xe dream xuống xe đạp mấy hồi... Vật chất chỉ là hư không thôi mà!

3.
- Chồng tốt con ngoan gia đình êm ấm? - Ai đi qua thời con gái mà không mong ước điều đó?? Nhưng ông bà mình đã nói không sai: phận gái mười hai bến nước... Nàng cũng chỉ là một phụ nữ bình thường thôi. Nàng cũng cần cái mà biết bao phụ nữ cần!

4.
Sau hơn mười bốn năm không liên lạc, nàng lần đầu tiên gặp lại cố nhân, anh em trò chuyện vui vẻ. Khi chia tay, tự dưng anh nói với nàng: X, em có cần bất cứ điều gì, nói cho anh biết nha! Lúc đó, nàng đã tròn xoe mắt hỏi anh chứ anh nói câu này là có ý gì? Anh chỉ nhìn nàng và cười...

Đêm đó, nàng thao thức. Không phải trong lòng nàng dậy sóng vì câu nói của người xưa... mà vì, nàng đã quay quắt tự hỏi mình hàng vạn lần... Người đầu ấp tay gối bấy lâu nay của nàng đã ở đâu lúc nàng đang ở bên bờ vực thẳm của cô đơn, tuyệt vọng? lúc nàng mất phương hướng, hoảng loạn, tả tơi?

Mà thôi, bỏ đi! Lâu rồi, nàng đâu có muốn phân cao thấp, nặng nhẹ với ai nữa đâu!!

5.
Cái mà nàng cần- một người phụ nữ bình thường cần - đơn giản lắm... Chẳng phải nàng xứng đáng được yêu thương và hạnh phúc sao!?

6.
Coi cái quảng cáo, tự nhiên nàng mắc cười với cái ví von này: không phải nước mắm nào cũng vượt qua được thử thách với cơm trắng...

:)
qua cầu Thị Nại (Bình Định)

đường đi Hầm Hô (Bình Định)

Biển (3)

Tôi đi biển vào đúng những ngày biển động. Trời xám xịt. Gió. Lạnh ngắt. Sóng ầm ầm. Không hề có chút nắng nào, dĩ nhiên là bầu trời và cả nước biển cũng chẳng còn trong xanh nữa. Tôi không chụp được một tấm hình nào ưng ý về biển kỳ này. ;))

Đại Lãnh sáng sớm mưa lất phất
vịnh Vũng Rô

trời xám xịt
qua đèo Cả

biển Phú Yên
kỳ quan Gành Đá Đĩa


biển rất hoang sơ & dữ dội
bãi biển Long Thủy, Phú Yên trời
còn đẹp được một tí ;)
2 chị em

bãi biển Quy Nhơn lúc sớm mai

sạch & đẹp

hay còn gọi bãi Hoàng Hậu
bãi Trứng, Quy Nhơn
một góc biển ở Ghềnh Ráng


cát ngập đường ở đảo Nhơn Lý,
cách Quy Nhơn 30km
...















*mời bạn đón xem Hướng dẫn du lịch bụi Phú Yên & Bình Định, tác giả CHMX :)

Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2011

Những món quà Giáng sinh...

1.
Một buổi tối trong mùa Giáng Sinh, một cậu bé độ sáu bảy tuổi đứng trước một cửa hàng. Cậu bé không mang giày và quần áo thì tơi tả. Một phụ nữ trẻ đi ngang qua, nhìn thấy em và đọc được ước mơ trong đôi mắt của em. Cô nắm tay em đưa vào cửa hàng. Cô mua cho em một đôi giày và một bộ đồ mới. Khi ra lại ngoài đường, người phụ nữ nói với em: “Bây giờ cháu có thể về nhà và sống những ngày Lễ Giáng Sinh thật vui nhé!” Em bé nhìn lên hỏi cô: “Cô ơi! Cô có phải là Chúa không?” Người phụ nữ mỉm cười nói: “Không em à. Cô chỉ là một trong những người con của Chúa thôi!” Cậu bé thốt lên: “Em biết ngay mà! Em biết là cô có họ hàng với Chúa mà!”
Dan Clark (Are you God?)

2.
Một cậu bé từng mong gặp được Chúa. Cậu nghĩ rằng đường đến gặp Chúa hẳn là xa, nên cậu bỏ vào ba-lô nhiều hộp bánh, vài lon nước ngọt và bắt đầu lên đường. Khi cậu đi được vài ô nhà, cậu thấy một bà lão. Bà ngồi trên ghế đá công viên nhìn những con chim bồ câu đang vui đùa. Cậu bé đến ngồi cạnh bà và mở ba-lô ra. Cậu định lấy một lon nước ngọt để uống, nhưng khi thấy bà lão có vẻ đói, cậu tặng bà vài chiếc bánh. Bà nhận lấy và mỉm cười với cậu. Nụ cười bà thật tươi nên cậu muốn nhìn thấy một lần nữa, vì thế cậu tặng thêm bà lon nước ngọt. Bà lại mỉm cười và cậu bé cảm thấy sung sướng. Họ ngồi cạnh nhau suốt buổi chiều mà chẳng nói với nhau một lời.

Khi hoàng hôn xuống, cậu bé thấm mệt nên muốn về nhà. Cậu đứng đậy bước đi vài bước, rồi bỗng quay mặt chạy lại cạnh bà lão, ôm hôn bà. Bà mỉm cười với cậu với khuôn mặt rạng rỡ hơn bao giờ hết. Về đến nhà, mẹ cậu ngạc nhiên vì thấy cậu thật vui. Bà hỏi: “Cái gì hôm nay làm con vui như thế?” Cậu đáp: “Con đã ăn trưa với Chúa.” Mẹ cậu chưa kịp phản ứng thì cậu đã nói thêm: “Mẹ biết không? Chúa có một nụ cười dễ thương nhất trên đời!”

Trong khi đó bà lão cũng về đến nhà, gương mặt rạng rỡ niềm vui. Con của bà ngạc nhiên nhìn gương mặt tươi rói của bà. Cô hỏi: “Mẹ ơi, điều gì hôm nay làm mẹ vui như thế?” Bà đáp: “Mẹ đã ăn bánh với Chúa ngoài công viên!” Người con chưa kịp phản ứng gì thì bà nói tiếp: “Con biết không? Chúa trẻ hơn là mẹ nghĩ nhiều!”
Julie A. Manhan (An Afternoon in the Park)

3.
Thoạt nhìn, bà ta cũng giống như bất cứ một bà lão nào khác. Bước đi chậm chạp trên tuyết, một mình, xơ xác, đầu cúi gục. Những người qua lại trên hè phố đông người ngoảnh mặt đi, ít ra là bà cũng nhắc họ rằng đau khổ không hề tạm dừng trong mùa Giáng Sinh

Một đôi vợ chồng trẻ, cười cười nói nói, tay ôm đầy quà Giáng Sinh, không để ý đến bà lão kia.
Một người mẹ hối hả đưa hai đứa con về thăm bà ngoại. Họ cũng không để ý đến bà.
Một mục sư chững chạc bước đi, tay phải cầm chặt quyển Kinh Thánh, như một chiến sĩ cầm vũ khí. Nhưng đầu óc ông đang nghĩ đến những sự trên trời, nên ông cũng không màng lưu ý đến bà.
Nếu những người ấy lưu ý, hẳn họ thấy rằng bà lão không mang giày. Bà đi chân không trên tuyết và nước đá.
Hai bàn tay bà nắm chặt vào cổ áo đứt nút để che cho khỏi gió. Bà đừng lại và đứng lom khom ở trạm xe buýt. Đầu bà quấn một chiếc khăn màu đỏ xanh. Bà đứng chờ xe buýt để đi vào trung tâm thành phố.
Một người đàn ông lịch lãm, tay cầm chiếc cặp da, đứng cạnh bà, nhưng không quá gần. Biết đâu bà chẳng mang một bệnh truyền nhiễm.
Một em thiếu nhi cũng chờ xe buýt. Em nhìn đi nhìn lại chân của bà lão, nhưng không nói tiếng nào.
Xe buýt đến và bà lão chậm chạp, khó khăn bước lên. Bà ngồi trên ghế ngang cạnh người lái xe. Người đàn ông và cậu bé đi vội xuống phía dưới. Người đàn ông ngồi cùng ghế với bà lắc lư khó chịu và xoay mấy ngón tay. “Cái bà già!” ông nghĩ thế!
Người lái xe nhìn thấy chân không của bà, bèn nghĩ: “dân vùng này càng ngày càng nghèo thêm. Tôi ghét nhìn cảnh này, tôi sẽ thích hơn ngày nào họ cho tôi lái tuyến đường Đại Học.”
Một cậu bé chỉ vào bà lão. ”Mẹ ơi! Nhìn kìa, bà già kia đi chân không”
Người mẹ bối rối nắm tay con kéo xuống: “Andrew! Đừng chỉ tay về người khác. Như vậy là không lịch sự.” Rồi bà nhìn ra cửa sổ.
“Bà này hẳn có con lớn chứ!” một phụ nữ mặc áo lông cừu thốt lên. “Con bà chắc phải xấu hổ vì bà!” Phụ nữ này cảm thấy hãnh diện vì cô chăm sóc mẹ mình đàng hoàng.
Một cô giáo ngồi ở giữa xe siết chặt gói quà trên đùi mình. Cô nói với người bạn ngồi bên cạnh: “Chẳng phải là mình đã trả đủ thuế để lo cho những trường hợp này sao?”
Cô bạn trả lời “Đấy là sai lầm quản trị của phe Cộng Hòa; họ ăn cắp của người nghèo để cung cấp cho người giàu”. Một ông tóc muối tiêu can thiệp: “Không phải đâu! Đấy là do phe Dân Chủ. Các chương trình an sinh xã hội của phe Dân Chủ biến người ta thành kẻ lười biếng và cầm tù người ta trong cái nghèo!”
Một cậu sinh viên ăn mặc bảnh bao lên tiếng: “Người ta phải học cách tiết kiệm! Nếu bà già này biết tiết kiệm từ hồi còn trẻ, thì bây giờ bà đâu khổ đến thế. Lỗi là do bà ta thôi!”
Tất cả những người ấy cảm thấy tự hào vì mình đã phân tích tình huống thật sắc sảo.
Tuy nhiên, một thương gia có lòng cảm thấy xúc phạm vì sự thờ ơ của các người cùng xe với mình. Ông mở ví rút ra một tờ 20 đô-la nhăn nheo. Ông khẳng khái bước lên và đặt tờ giấy bạc trong bàn tay run run của bà lão. “Bà ơi, tặng bà để mua giày nè.”
Bà lão gật đầu cám ơn. Người thương gia lui về ghế ngồi, hài lòng vì thấy rằng mình là một người biết biến lòng trắc ẩn thành hành động.
Một phụ nữ Kitô giáo nhìn thấy mọi sự. Cô bắt cầu cầu nguyện thinh lặng. “Lạy Chúa, con không có tiền. Con không thể nào giúp được bà ấy. Nhưng lạy Chúa, con có thể dâng lên Chúa những nhu cầu của con người. Con biết Chúa đầy lòng yêu thương. Chúa làm được những điều bất khả. Xin Chúa hãy tỏ hiện vinh quang Người trên bà lão này. Xin cho đôi giày rơi xuống từ trời như man-na xưa, để cho bà lão này có được đôi giày mừng Giáng Sinh.” Và người phụ nữ cảm thấy mình biết sống đời cầu nguyện.

Đến trạm tiếp theo, một cậu thanh niên lên xe. Cậu mặc một chiếc áo gió màu xanh, thắt một khăn choàng màu nâu quanh cổ, đầu đội chiếc mũ xám che phủ đôi tai. Một sợi dây nghe nhạc chạy luồn dưới nón vào tai nối liền với một máy nghe walkman. Cậu lắc lư thân mình theo điệu nhạc mà chỉ một mình cậu nghe. Cậu trả tiền vé rồi buông người xuống đối diện với bà lão. Nhìn thấy đôi chân không của bà, cậu ngưng lắc lư. Cậu thẳng người bất động. Cậu đưa mắt nhìn chân bà rồi nhìn chân mình. Cậu mang một đôi giày hiệu, đắt giá, mới toanh. Hẳn cậu đã phải đề dành khá lâu với đồng lương ít ỏi để mua đôi giày ấy. Bạn bè trong nhóm chắc sẽ cho rắng cậu rất ‘bảnh’ khi mang đôi giày này. Cậu cúi mình xuống, tháo dây giày. Cậu cởi đôi giày mới, cởi đôi vớ đang mang rồi quỳ xuống dưới chân bà lão. “Má ơi! Con thấy má không có giày. Còn con thì có đây!” Dịu dàng, anh nhè nhẹ nâng đôi chân khẳng khiu của bà lão lên. Anh mang vớ và giày của anh vào chân bà. Bà lão gật đầu cám ơn.

Xe buýt dừng lại ở một trạm kế tiếp. Cậu thanh niên xuống xe. Hành khách trên xe chồm theo nhìn cậu ta bước đi chân không trên tuyết.
Một người hỏi: “Anh ta là ai vậy hả?”
Một người khác đáp: “Chắc là một ngôn sứ!”
Người khác lên tiếng: “Hẳn là một ông thánh”
Có người hô to lên: “Xem kìa! Có ánh hào quang trên đầu anh ta”
Người phụ nữ Kitô giáo bảo: “Anh ta chắc là Con Chúa.”
Nhưng cậu bé từng chỉ tay vào bà lão lại nói: “Không phải đâu mẹ ơi! Con nhìn kỹ anh ấy rồi... Anh ấy chỉ là một người thôi!”
Earnest Thompson (Only A Man)
SG-PY hotel

nhà thờ Mằng Lăng


Thứ Năm, 22 tháng 12, 2011

Ký ức Noel

Hồi nhỏ, tôi rất tin có ông già Noel. Nhất là khi đêm Noel, đi ngủ, tôi còn để một chiếc giày trên đầu nằm và năm nào cũng nhận được quà của ông già Noel. Khi thì gói đậu phộng da cá, khi thì hộp bánh tây, khi thì có mấy cục kẹo nhỏ xíu... mà lâng lâng cả ngày, còn háo hức khoe với bạn là tao được ông già Noel tặng quà!! ;))

Lớn lên một chút, ký ức Noel của tôi là những ngày phụ bà ngoại cắt bông giấy bỏ vô bịch nylon nhỏ nhỏ để bán. Ở đầu hẻm nhà tôi, người ta chăng đèn, bắt loa mở nhạc Jingle Bells rình rang. Có cả một đội quân bán hàng ăn uống hùng hậu phục vụ khách đi chơi Lễ. Có vợ chồng cậu Ch. bán hủ tiếu mì xào dòn, có xe bánh mì của dì L, có xe nước mía của dì H, có quầy kem lưu động của dì V, có xe thuốc lá của bà ngoại tôi... Và có rất nhiều người bán bông giấy cho mấy người đi dạo phố tấp nập dọc đường Trần Hưng Đạo hướng ra trung tâm SG. Chỉ có vài trăm đồng một bịch, người ta rải lên đầu nhau, giống như một lời chúc giáng sinh vui vẻ (bây giờ hình như hết thấy cảnh này rồi). Hồi đó, trời lạnh lắm, ai nấy co ro, cũng không có thấy nhiều cây thông, ông già Noel hay người tuyết trang hoàng rực rỡ như bây giờ nhưng không khí rất ấm áp và vui vẻ :)).

Ký ức Noel của tôi những năm tuổi hai mươi là những đêm Noel đi làm đến ba bốn giờ sáng. Hồi đó, tôi làm ở quán cafe bar ice-cream có tiếng tăm lừng lẫy ở ngay trung tâm SG, khách toàn là người nước ngoài, giới nghệ sĩ, dân nhà giàu có máu mặt không hà, nên Noel luôn là ngày đông khách nhất trong năm. Tôi vô ca là cắm cái mặt xuống mấy cái bill không ngẩng đầu lên được, nhịn toilet luôn. Khách vô ào ào, hết bàn ngồi nên ngồi dọc quầy bar đợi bàn, có người đợi lâu quá chấp nhận ghép bàn luôn. Boss quy định làm đến bốn giờ sáng nên đến giờ đó tụi tôi kéo cửa xuống rồi mà cũng còn lác đác khách muốn vô uống ly cafe... Tôi nhớ không khí những đêm đó cực kỳ náo nhiệt, ồn ào, háo hức. Ai cũng ăn mặc đẹp đẽ, gặp nhau là tươi cười hello & Merry Christmas! Mà cái không khí đó đã rạo rực từ những ngày đầu bước vào mùa lễ cuối năm, mấy anh em tôi xúm xít chăng đèn, decor nhà hàng với cây thông rực rỡ và những gói quà bự chảng.

Ký ức Noel của tôi còn có khuôn mặt sáng láng của bé Lộc em tôi lúc chín tuổi, trong một đêm Noel cách đây sáu năm. Tôi muốn trả ơn mẹ em đã cho nhà tôi ở nhờ mấy tháng chờ xây nhà nên đi mua một bộ đồ chơi Lego xịn ở trong Zen Plaza, nhờ dịch vụ ông già Noel đem tới tặng. Bữa tối hôm đó, ông già Noel đi vô hẻm nhà tôi bị con nít bu theo bởi tiếng chuông leng keng và túi đồ to đùng trên vai. Nghe tiếng ông già Noel kêu cửa, bé Lộc mặt xanh lè xanh lét, run run cầm gói quà ông già Noel tặng mà không biết đang tỉnh hay mơ. Hêhê, đó là một kỷ niệm đẹp mà mấy chị em tôi còn nhắc hoài mỗi mùa Noel tới...

Cho đến những năm sắp và qua ba mươi tuổi, ký ức Noel của tôi là những tiếng chuông bing boong rộn ràng, là không khí tấp nập, trang nghiêm và niềm vui mừng Chúa giáng sinh ở các nhà thờ. Tôi đã thật sự hòa mình vào không khí đó, cùng vui niềm vui của mọi người Công giáo, cùng xúc động khi cất cao câu hát "đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời...". Ký ức còn là những ngày sánh đôi hạnh phúc, cả nhà cùng nhau đi Lễ đêm Noel, là bữa tiệc gia đình nhỏ nhỏ nhưng cực kỳ ấm áp và đầy tiếng cười nói vui vẻ...

Ký ức Noel mới hồi năm ngoái là một mình tôi đi bộ từ nhà thờ Huyện  Sĩ xuyên qua công viên 23/9 về nhà, là nỗi day dứt buồn bã đến rã rời, là tim rưng rưng khi ngó thấy xung quanh mình niềm hân hoan của dòng người tấp nập đi chợi Lễ, là lòng tin bị chao đảo dữ dội... và là... một chuỗi những nỗ lực sau đó để tự mình gầy dựng lại lòng tin cho chính mình.

Noel năm nay, tôi vẫn một mình, tràn trề niềm tin, đi xa...

:)

˛ ˚ ˛ ˚ ˛ •˚ • 。 ° • 。 • ˚ ˚ ˛ ˚
˛ 。° 。 ° 。˚ ˛ • ˚ ˚ ˛
*★Merry★* 。 • ˚ ˚ ˛ ˚ ˛ • •
。★Christmas★ 。* 。° 。 ° ˛
˚˛ * _Π_____*。*˚ ˚ ˛ ˚ ˛ •˛
•˚ */______/~\。˚ ˚ ˛ ˚ ˛ •˛
• ˚ | 田田 |門| ...From Xuân!

Thứ Ba, 20 tháng 12, 2011

Trà túi lọc



“Người phụ nữ giống như trà túi lọc. Họ chỉ biết sức mạnh/chất đậm đà của mình khi bỏ vào trong nước sôi.” (Khuyết danh)

“A woman is like a tea bag. She only knows her strength when put in hot water.” (Author Unknown)

Thứ Hai, 19 tháng 12, 2011

Bữa cơm tối ở Nhà hàng Ly Hôn

Anh cưới chị được 10 năm. Giữa hai vợ chồng không còn xúc cảm và hứng thú. Anh ngày càng cảm thấy đối với vợ hầu như chỉ còn là trình tự và nghĩa vụ. Anh bắt đầu thấy ngán. Nhất là khi đơn vị vừa nhận về một người phụ nữ trẻ hết sức sôi nổi và cuồng nhiệt bám lấy anh. Anh chợt có cảm giác cô ta là mùa xuân thứ hai của anh. Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh quyết định ly dị vợ. Chị dường như đã trơ lỳ, bình thản, đồng ý đòi hỏi của anh.

Thủ tục tiến hành rất thuận lợi. Sau khi ra khỏi cửa, anh chị đã trở thành cá nhân độc lập và tự do. Không hiểu sao, anh bỗng thấy trống trải vô cùng, anh nhìn chị nói: “Trời tối rồi, hay là đi ăn cơm đã”.

Chị nhìn anh nói: “Vâng. Em nghe nói gần đây vừa khai trương Nhà hàng Ly Hôn, chuyên phục vụ bữa ăn cuối cùng cho các cặp vợ chồng ly dị. Chúng mình đến đấy đi?”

Anh gật đầu. Hai người, một trước một sau lặng lẽ đi vào Nhà hàng Ly Hôn. Anh chị vừa yên vị trong phòng VIP, cô phục vụ đã bước vào nói: “Anh chị dùng gì ạ?”

Anh nhìn chị nói: “Em gọi đi.” Chị lắc đầu: “Em ít khi ăn nhà hàng, không quen gọi món, anh gọi đi.”

“Xin lỗi, nhà hàng chúng tôi quy định, bữa này do vợ gọi món hàng ngày người chồng thích ăn nhất, và chồng gọi món người vợ thích ăn nhất. Đấy là món “Ký ức cuối cùng.”

“Thôi được”, chị hất món tóc xõa trước mặt ra sau, nói: “Gà luộc chấm gia vị nước chanh, đậu phụ rán chấm nước mắm nguyên chất rắc hành thái nhỏ, chân giò luộc chấm mắm tôm, rau cải thảo luộc.”

“Anh gọi gì ạ?” Cô phục vụ nhìn anh. Anh sững người. Lấy nhau 10 năm, anh thật sự không biết vợ anh thích ăn món gì. Anh há hốc mồm, ngồi thừ ra đấy.

“Những món này đủ rồi, đều là món chúng tôi thích nhất.” Chị vội chữa thẹn cho anh. Cô phục vụ cười: “Thực tình mà nói, đến nhà hàng chúng tôi ăn bữa cơm cuối cùng, các anh các chị đều không thể nuốt trôi. Hay là anh chị đừng dùng món “Ký ức cuối cùng” nữa, hãy dùng bữa tối nhà hàng đặc biệt làm cho vợ chồng ly hôn: Đồ uống ướp lạnh. Những người đến đây, không có ai từ chối sự lựa chọn này.” Anh chị gật đầu: “Được.”

Chốc lát, cô phục vụ mang đến hai suất đồ uống ướp lạnh. Trong hai suất có một suất xanh lơ, toàn đá đập vụn; một suất đỏ tươi, còn đang bốc khói. “Bữa tối này gọi là “một nửa ngọn lửa, một nửa nước biển”. Mời anh chị thưởng thức.” Cô phục vụ nói xong lui ra. Trong phòng ăn im lặng như tờ, anh chị ngồi đối diện, nhưng không biết nói gì với nhau.

“Cộc cộc cộc!” Có tiếng gõ cửa nhẹ nhàng. Cô phục vụ đi vào, tay bưng chiếc khay có một bông hồng đỏ tươi, nói: “Anh còn nhớ cảnh tặng hoa cho chị đây không? Bây giờ, khi mọi việc đã kết thúc, không còn là vợ chồng, nhưng là bạn. Bạn bè gặp nhau vui vẻ rồi chia tay, anh tặng chị bông hồng cuối cùng đi.”

Chị rùng mình, trước mắt hiện ra cảnh anh tặng hoa chị 10 năm về trước. Hồi đó, anh chị vừa đến thành phố xa lạ này, hai bàn tay trắng, bắt đầu xây tổ ấm từ số không. Ban ngày, anh chị đi tìm việc làm, ban đêm chị ra hè phố bán quần áo. Anh vào nhà hàng rửa bát. Nửa đêm mới về đến gian nhà thuê chưa đầy 10 mét vuông. Đời sống khổ cực, nhưng anh chị thấy vui, thấy hạnh phúc.

Tết Valentin đầu tiên ở thành phố này, anh mua tặng chị bông hồng đầu tiên, nước mắt chị chảy dài trên má vì sung sướng quá. 10 năm rồi, cuộc đời đã giàu lên, thế mà anh chị lại chia tay nhau. Càng nghĩ, chị càng tủi, hai mắt ngấn lệ, xua tay nói: “Thôi, thôi, khỏi cần.”

Anh cũng nhớ lại 10 năm qua. Và sực nhớ 5 năm nay, anh không mua hoa tặng chị. Anh vội vẫy tay, nói: “Không, phải tặng.”

Cô phục vụ cầm bông hồng lên, “xoèn xoẹt” một cái, bẻ làm đôi, ném vào cốc của anh chị, mỗi người một nửa. Bông hồng tức khắc hòa tan trong cốc.

“Đây là bông hồng nhà hàng làm bằng gạo nếp, cũng là món ăn thứ ba gửi anh chị. Mời anh chị thưởng thức. Còn cần gì nữa, anh chị cứ gọi tôi”. Nói xong, cô quay người ra khỏi phòng.

“Em... anh...” Anh nắm lấy tay chị, nói không nên lời. Chị rút mạnh bàn tay. Không rút nổi, bèn để yên. Anh chị im lặng nhìn nhau, vẫn không nói nên lời.

“Phụt!” Đèn điện tắt ngấm, trong phòng tối om. Bên ngoài vang lên tiếng chuông báo động đổ dồn, có mùi cháy khét lẹt bay vào.

“Chuyện gì thế?” Anh chị vội đứng lên.

“Nhà hàng cháy rồi, mọi người ra ngoài mau, mau lên!” Bên ngoài có người kêu thét lên. “Anh!” Chị ép vào người anh, “em sợ!”

“Đừng sợ!” Anh ôm chặt lấy chị, “Em đừng sợ, có anh ở bên cạnh. Chúng mình chạy ra ngoài đi.”

Ngoài phòng, đèn điện sáng trưng, mọi vật như cũ, không có chuyện gì xảy ra. Cô phục vụ nói: “Xin lỗi anh chị, đây là món “Sự lựa chọn từ đáy lòng” của nhà hàng gửi tới anh chị.”

Anh chị trở về phòng ăn, ánh sáng chan hòa. Anh cầm tay chị nói: “Vừa nãy là sự lựa chọn từ đáy lòng của chúng mình thật. Anh cảm thấy chúng mình không thể sống thiếu nhau, ngày mai chúng mình đi đăng ký lại!”

Chị cắn môi: “Anh nói thật lòng đấy chứ?”

“Thật! Anh hiểu rồi.” Cô ơi, cho thanh toán.

Cô phục vụ đi vào, đưa cho anh chị mỗi người một tấm phiếu màu hồng rất đẹp nói: “Đây là phiếu thanh toán của anh chị, cũng là món quà của nhà hàng gửi tặng anh chị, gọi là “Phiếu thanh toán vĩnh viễn”, mong anh chị cất giữ mãi mãi.”

Anh nhìn phiếu, mắt đỏ hoe. “Anh làm sao thế?” Chị lo lắng hỏi. Anh đưa phiếu thanh toán của mình cho chị, nói: “Anh có lỗi với em, mong em tha thứ.”

Chị cầm tấm phiếu đọc: “Một gia đình ấm cúng, hai bàn tay làm lụng, ba canh ngồi chờ anh về, bốn mùa dặn anh giữ gìn sức khỏe, năm tháng săn sóc anh chí tình, sáu mươi mẹ già vui vẻ, bảy ngày trong tuần nuôi dạy con cái, tám phương giữ gìn uy tín của anh, chín giờ thường xuống bếp làm món anh khoái khẩu, mười năm hao tổn tuổi xuân. Vì ai... Đó là vợ anh”.

“Anh vất vả thật đấy. Mấy năm qua em thờ ơ với anh quá.” Chị đưa phiếu thanh toán của mình cho anh xem. Anh mở ra đọc: “Một mình gánh vác trách nhiệm, hai vai nặng trĩu cơ đồ, ba canh cặm cụi bên bàn, tứ thời chạy ngược chạy xuôi, vinh nhục biết chia sẻ cùng ai, bể dâu khắc sâu đuôi mắt, nghĩa vụ đối với gia tộc, gập ghềnh chông gai con đường công danh, là người phàm tục làm sao mười phân vẹn mười. Lúc nào cũng tận tình với vợ con... Đấy là chồng em”.

Anh chị ôm chầm lấy nhau, oà lên khóc thành tiếng.

note
cho một ngày đầy ắp sự kiện vui buồn, cảm xúc trái ngược,
đi nhiều chỗ, gặp nhiều người,
làm được nhiều việc, ích lợi cũng có mà vô bổ cũng có luôn...

full color

& beautiful

kỷ niệm Bến Tre 11.2011

Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2011

Độc đắc

Papa tôi mộng trúng số độc đắc dữ lắm. Ngày nào, papa cũng ráng nhịn ăn nhịn mặc để mua ba tờ vé số. Hỏi, papa nói tao trông trúng số độc đắc để cho tiền tụi bây làm vốn thôi. Papa còn lắc đầu chặc lưỡi, thấy ngoài đường người ta giàu quá giàu mà dòm lại tụi bây, thấy đứa nào đứa nấy kiếm tiền khó khăn quá. Rồi papa nghĩ lại hay sao áh nên mới nói tao lấy chừng một mớ gửi ngân hàng, tới tháng lấy tiền lời tao với bả (tức maman tôi) đi du lịch thôi, còn bi nhiêu chia cho mấy bây hết chứ tao hông có ôm mấy tỉ bạc làm chi đâu... Nhớ hồi xưa, lúc còn sống, ông ngoại tôi cũng nói y bon dzậy, héhé...

Ai mua vé số mà lại không khoái trúng số độc đắc chứ? Tôi cũng không ngoại lệ.

Tôi cũng mong mình trúng số độc đắc dù bây giờ tôi rất ít khi mua vé số. Chỉ thỉnh thoảng mua của mấy người già lụm cụm và mấy em nhỏ đầu đội nón vai đeo túi mặt lấm lem. Không dưng mà tôi nhớ là có tới năm bảy người hứa là nếu trúng số, người đầu tiên họ nhớ tới là tôi (thì cứ tin là dzậy đi ;)). Và tối tối, để ngăn chặn dòng ký ức buồn bã cứ dạt dào tuôn chảy, tôi cũng bày đặt nhắm mắt lại vẽ cho mình một viễn cảnh đẹp đẽ...

Hễ trúng một tờ độc đắc được một tỷ ba năm chục, nếu muốn thủ thân, tôi sẽ đem làm phước hết số lẻ, còn chừa lại đúng một tỷ gửi ngân hàng. Một tháng cũng kiếm được mười mấy triệu, khỏe ru, tha hồ vi vu. Còn nếu chắc ăn hơn, nghĩ ngợi làm chi xa xôi, thôi kệ, trò chơi trời cho, tôi đi mua cái nhà nho nhỏ, dzậy là có chỗ chui ra chui vô. Rồi ban ngày đi cày bình thường, chiều tan sở chạy dzìa cái tổ ấm có cái bếp nhỏ xinh, nấu món mình ưa thích, tối tối nằm sofa đọc sách hoặc coi HBO dzí Stars Movies, lâu lâu có hứng rủ người này người kia qua nhà mình ăn lẩu uống bia hát karaoke... sống đời thanh nhàn ;))

Nói chơi chơi nghe thiệt hấp dẫn ... nhưng... tôi biết chắc là tôi sẽ hổng làm dzậy được đâu! Dĩ nhiên, hổng phải tôi khoái phô trương, đem tiền đi rải chỗ này chỗ kia, hoặc làm từ thiện cho hết. Cũng hổng phải tôi đem dzìa nhà cho mấy anh chị em tôi sắm sửa, đi du lịch... Mà, nói ra hổng biết có ai nói tôi ngu hôn? Tôi có ý đồ là sẽ mang hết tiền đó lập quỹ tín dụng lãi suất chỉ 3%/năm, giúp cho nhiều người đang vất vả mang gánh nặng nề, để họ làm/mua/sử dụng như cái cần câu (chứ tôi hông cho cá nữa đâu). Bởi xung quanh tôi hiện có quá nhiều người đang thật sự rất cần cái cần câu (cơm), (kể cả tôi :)).  Mà nói trước sợ bước hổng tới... nhưng nhất định... có tiền (trúng số/hoặc được tài trợ/hoặc Chúa cho) tôi sẽ không bao giờ bo bo giữ cho mình. Hứa danh dự! :))

(Héhé, tôi thiệt bậy bạ, đến tận lúc này, lại còn muốn lớn tiếng nói: tiền bạc là vật ngoài thân/tiền bạc là phù du/tiền là cái đinh gì nữa chứ!! ;))

Nhưng nói gì nói, tôi nghe người ta đồn là mấy người trúng số độc đắc về sau thường bị sa vào mấy cái tứ đổ tường, bị khánh kiệt, gặp ác mộng và nhiều điều xui xẻo, rốt cuộc cũng bị trắng tay... có nhiều người phải sống cuộc sống chẳng khá gì hơn, mà có khi còn tệ hại hơn là lúc chưa trúng số độc đắc nữa kìa...

Nhưng nói gì nói, ở cái thời buổi kim tiền này, tôi vẫn mơ mình trúng số độc đắc... cho dù, theo thống kê của mấy nhà khoa học: tỉ lệ người bị sét đánh còn cao hơn gấp mười mấy lần tỉ lệ người trúng số độc đắc nữa... héhé


Vé số kiến thiết - anh là ai ?
Trò chơi có thưởng ích nước lợi nhà: 58,1%
Trò chơi "đỏ đen" nên không tham dự: 25,2%
Trò chơi vô thưởng vô phạt: 16,7%
(Nguồn: Website XSKT
Bình Dương)

Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2011

Rời rạc

cầu tre lắt lẻo gập ghềnh thiệt khó đi
Dạo này tôi thấy tôi mắc một cái tật bự thiệt bự. Nửa đêm đang ngủ giật mình cái đùng, ngó quanh quất rồi nhớ mông lung. Không phải nhớ cụ thể một cái gì, ai, ở chốn nào... mà chỉ là những ký ức rời rạc, chắp vá. Ghét. Oải. Buồn buồn. Khó chịu. Ngắn thôi. Đành phải viết ra cho nhẹ cái bụng...

Cái tát
Tôi vẫn chưa hết ám ảnh và day dứt về cái tát của mình dành cho em. Tôi cứ tự hỏi mình, cái tát đó có làm cho em tỉnh lại, hay là em sẽ vô cùng căm ghét tôi? Tôi biết, từ nhỏ tới lớn, chưa từng có ai nói nặng, cũng như chưa hề có ai làm cho em đau. Tôi cũng muốn em biết, từ nhỏ tới lớn, tôi chưa từng thấy đau vì một ai nhiều như vậy, và tôi cũng chưa từng làm cho ai đau một ngày nào. Giá như em có thể hiểu được, nếu cái tát đó làm cho em đau một thì làm tôi đau tới mười lận. Đau. Đau lắm U. ơi, mỗi lần bất giác nhớ đến là chị thấy đau muốn bể lồng ngực... 

Nằm nghiêng
Tự dưng tới từng tuổi này, tôi mới phát giác (hay là nghiệm) ra rằng cái tướng nằm ngủ cũng ảnh hưởng tâm trạng không ít. Nằm ngửa, nếu chưa ngủ, tôi có thể ngó lên trần nhà hoặc ngó ra bầu trời cao cao bên ngoài khung cửa sổ. Tôi muốn suy nghĩ hoặc không suy nghĩ gì cũng được. Nằm sấp, nếu chưa ngủ, tôi có thể thả lỏng hết tay chân, nhẹ nhàng áp sát mặt mình xuống gối. Có phiền muộn chút chút hoặc để cho đầu óc trống rỗng cũng không sao. Nhưng nằm nghiêng thì khác! Một cảm giác rất buồn tủi chạy từ dưới chân, chạy dọc cái lưng, chạy thẳng lên đầu, ứa nước mắt. Nằm nghiêng, tôi thấy mình co ro, khổ sở, cô đơn cực kỳ. Hơn cả tuần nay, tôi thấy sờ sợ cái cảm giác đó, không hề nằm nghiêng nữa.

Chuộc thân
Tôi thiệt sự rất mong ai đó có tiền, một số tiền lớn, mang đến công ty, thảy vô mặt boss tôi, và kéo tay tôi đi ra khỏi đó... Tôi muốn được chuộc thân. Tôi muốn làm lại từ đầu: yêu lại từ đầu và lập nghiệp lại từ đầu, ở một nơi xa thiệt xa cái đất SG này (ở gần biển càng tốt).

Cười lên con!
Nhớ bữa đó, tầm năm giờ chiều, mẹ chồng gọi điện cho con dâu hỏi thăm sao rồi con? Con dâu kể mẹ chồng nghe tình hình cuba lúc đó đang căng thẳng ra làm sao. Mẹ chồng nói thôi kệ nó con ơi... Rồi mẹ chồng kể chuyện nọ chuyện kia an ủi động viên con dâu. Mẹ chồng nói đủ thứ để khẳng định với con dâu rằng nỗi đau của con chẳng là cái đinh gì so với cuộc đời mẹ. Con dâu cứ nhớ văng vẳng trong đầu câu cuối cùng mẹ chồng nói trước khi cúp máy: "con không việc gì phải buồn đâu... cười lên con... mà nè... mai mốt ở nhà có họp mặt, mẹ nhắn mày về, mày nhớ về nha con... cũng không có ai đâu... mấy mẹ con mình thôi... mẹ với con H., con Tr. với mày thôi... nha con?" Con dâu dạ, gác máy, ngồi lại trong văn phòng, nước mắt chảy ròng ròng...

(viết trong một bữa tối hông vui hông buồn,
vừa mới nghe nổ một cái đùng ở ngoài đường, đứt cáp, hết coi được phim Mật danh Iris)

Liều thuốc cho trái tim


"... Và bây giờ tôi đang cố gắng tập "thích cái mình đang có", chứ không tìm cho có cái mình thích nữa..." - Con cám ơn Cha đã thường gửi link, bài cho con đọc và suy ngẫm, cũng như con vô cùng xúc động khi hôm qua, con đọc được tâm tình chia sẻ của Cha :-)


♫ ♫ Xin cho lòng chúng con luôn mở rộng chờ mong Chúa đến...♫ ♫

Thứ Năm, 15 tháng 12, 2011

15.12.1995

Nhớ ngày này, cách đây 16 năm, mình lơ ngơ đi làm bữa đầu tiên...
Wow... thời gian như nước qua cầu...  
hồi xửa hồi xưa
& bây giờ

ai cũng đoán mình chừng
28t, mừng húm ;))
bị vì vô cty chơi toàn mấy em 8x-9x ;))

Thứ Ba, 13 tháng 12, 2011

Xuân can cook!

Sinh nhật Má, thằng N. đặt người ta giao 10 kí lô hào tươi sống. Đem nướng phô mai. Ta nói, huy động cả nhà, rối thấy thương. Đứa rửa hào, đứa cầm búa đập bể vỏ, đứa cầm dao tách tách, đứa rửa lại sợ còn lẫn vỏ hào vụn, đứa ngồi chổng mông nướng, đứa đi tới đi lui pha nước chấm mù tạt zí muối tiêu chanh, đứa dọn bãi chiến trường gồm 8-9 kí lô vỏ chưa kể lúc nướng mấy cái vỏ hào nổ tí tách trắng cái lò zí cái sân luôn. Rốt cuộc, đưa đẩy làm sao mà chỉ còn có bốn đứa ăn cho hết nguyên cái đống hào này. Ngon hông thể tả ;))

Dù gì tôi cũng là chỉ huy trưởng kiêm đầu bếp chính trong bữa tiệc này. Cho nên, tự dưng có hứng post lại cái entry cũ mèm này. Cho cái blog của tôi ấm áp lại một chút trong những ngày cuối năm lạnh lẽo này. Không dưng mà tôi nhớ cái bếp hồi xưa của mình dã man. Hổng phải nói chứ, có đôi khi, tôi cũng còn thảng thốt hổng tin nổi, chỉ trong tích tắc (có bao lâu đâu), tôi đã mất tất cả những thứ (đáng lẽ ra) thuộc về tôi ...

(Thôi kệ... :))

Xuan can cook!
(note cũ 01.03.2010)

Sáng chủ nhật, tôi xách xe đi chợ Cây Quéo. Mấy chị bán hàng quen ngoài chợ thấy tôi gọi í ới. Mấy chỉ thắc mắc sao lâu quá không thấy tôi đi chợ? Quả thực, mấy tháng trời rồi tôi có chợ búa cơm nước gì đâu. Thiệt, nhiều khi tôi nhớ cái bếp với nhớ cái chợ gần chết luôn! ...Bị vì khi xảy ra chuyện, chưa gì hết là tôi đã bị một thế lực độc ác cưỡng chế giải tỏa trắng cái bếp đầu tiên! Nghĩ lại thấy cũng hơi ấm ức.

Tôi đi chợ dễ tính lắm. Lựa xong để lên cân, tính tiền, tính đúng tính đủ thôi. Chỗ nào bán hàng uy tín, tôi thành khách quen. Nếu phát hiện bị lầm, tôi không bao giờ mua họ nữa, mua người khác. Tính tôi mua bán lẹ làng, không có kỳ kèo bớt một thêm hai. Tôi mở hàng người ta mua may bán đắt lắm nên tôi ra chợ được mấy chỉ săn đón kêu réo thấy thương :))

Thiệt ra, tôi hiếm khi nấu ăn hay làm công việc nhà khi còn là con gái, hay nói đúng hơn là tôi không làm gì động móng tay khi ở nhà má tôi. Kể từ khi tôi thành thân, do tìm tòi luyện tập ngày qua ngày, võ công môn phái nấu ăn của tôi càng lúc càng thâm hậu. Càng nấu càng thích, cho nên nấu nướng cũng là một sở thích của tôi. Được nhìn thấy mọi người quây quần lại, ăn món của mình nấu và gật gù "ngon quá" đối với tôi là một niềm vui. Theo tôi thì người sống có lòng (sống vì người khác hoặc vì tâm hồn ăn uống của mình) mới nấu được một món ăn ngon. Nói như vậy không có nghĩa là ai không biết nấu ăn hay nấu ăn dở đều không có tấm lòng thành đâu nha ;) Chớ có hiểu lầm!

Nhờ có bạn Google, tôi mới biết tôi có khả năng làm nhiều món ngon để phục vụ cho những người thân yêu của tôi. Chỉ cần họ hỏi tôi biết nấu món đó không, tôi sẽ trả lời tôi biết rất tự tin. Rồi tôi vô Google search, in ra, đọc tới đọc lui và cứ thế mà lui cui nấu với nướng :). Thiệt ra, cho đến bây giờ đối tượng phục vụ của tôi chỉ có chồng và cả nhà chồng tôi thôi. Lâu lâu có tiệc, mời bên nhà má tôi qua ăn, ai cũng ngạc nhiên thắc mắc "mày biết nấu ăn hả?", "mày nấu đó hả?", "chời ơi, con X nó cũng biết nấu ăn!?", "ngạc nhiên chưa??". Tôi cười cười, mồ hôi đầm đìa nhưng cái bụng mát rượi ;))

Vợ chồng tôi ăn uống khá đơn giản. Thiệt tình, bây giờ tôi thèm lắm một mâm cơm nóng với cái món thịt kho tiêu, một đĩa rau luộc, một tô nước luộc rau và một chén nước mắm dằm hai trái ớt hiểm. Tôi nhớ cái món thịt ba rọi xắt mỏng nướng với đậu bắp cuốn thật nhiều rau sống chấm chao, hai vợ chồng vừa ăn vừa gật gù ngon tuyệt. Tôi thèm ăn canh nóng, nhất là canh khoai mỡ, canh chua cá bông lau với canh tàu hủ hẹ. Tôi muốn làm món cá kèo chiên ngập dầu giòn rụm chấm nước mắm me, hai đứa mê lắm. Tôi muốn làm thử thêm nhiều món mới nữa ngoài những món sở trường của tôi như: gà luộc rồi xé phay, nước luộc gà đem nấu cơm và thêm tô canh cải ngọt nữa, thêm món càri gà vừa béo vừa thơm, rồi sườn heo nấu đậu, gà nấu paté, cá lóc hấp, bánh mì hấp, mì ý xào bò, salad kiểu Nga... Coi bộ toàn là những món thông thường, nhưng mà vô tay tôi nấu thì ngon lắm à nha, bởi có đầy đủ hương vị của tình yêu thương (cái này mới châm thêm vô cho sến sến một tí, sẵn pr cho ai đó thèm chơi ;))

Bây giờ, tôi chỉ muốn thắp lại ngọn lửa trong bếp nhà tôi, nhưng vì một số lý do khách quan, tôi vẫn chưa làm được. Thiệt tình là tôi còn ray rứt vụ đó lắm. Và, tôi vẫn ngày đêm mong ước bếp nhà tôi sẽ ấm lại một ngày không xa...

Là phụ nữ, nấu một món ăn ngon không khó, phải không bạn? Chỉ cần mình có lòng! ;)

Relax:
Baby cầm tay mẹ hỏi:
- Mẹ ơi...sao tay mẹ mịn màng thế!
Mẹ baby đỏ mặt:
- Tại vì ba con rửa chén bằng Sunlight đó...

giờ X. bỏ bếp, qua giữ trẻ này nè ;)

Hãy để lại lời nhắn

đời người vội vã...

1. Bạn bè đồng nghiệp lâu lâu không gặp thường có một câu hỏi nhau: Dạo này thế nào, có khỏe không? Có lẽ câu hỏi “xã giao” ấy là tồn tại lâu dài nhất, thường xuyên nhất, bên cạnh những câu khác như: làm ăn thế nào, gia đình ra sao...

Hồi còn ở tuổi hai mươi, ba mươi, nghe ai hỏi thăm “bạn có khỏe không” thường thấy buồn cười, có gì đó khách sáo, thậm chí bạn bè thân mà hỏi nhau câu đó thường được “dịch” là: tiền có nhiều không, yêu có lắm không? Và lời thăm hỏi ấy thường dẫn đến một tràng cười vui vẻ, để rồi những câu hỏi khác quan trọng hơn lấn lướt sự quan tâm.

Mới đó mà đã qua cái thời hỏi thăm nhau về chuyện bạn bè người sinh sống nơi này người đến ở nơi kia; đứa này cưới vợ, đứa kia lấy chồng; rồi đến chuyện đứa nọ sinh con trai, đứa khác sinh con gái; đến những lần gặp gỡ hỏi han nhau về công danh sự nghiệp... Mới đó mà đã bắt đầu lác đác có những cái tin bạn bè đồng nghiệp ra đi vì những căn bệnh không ai ngờ. Không ai ngờ hôm qua còn trò chuyện cùng nhau, chỉ một cú ngã xe, bạn đã thành người sống đời thực vật. Không ai ngờ một đồng nghiệp ở văn phòng thường trú thường ngày vẫn điện thoại trao đổi công việc, đôi lúc trêu chọc đùa vui, thế mà sau khi hay tin anh bị ung thư chưa lâu, chưa kịp tin, chưa muốn tin ở các xét nghiệm y học thì anh đã ra đi. Những cái chết quá bất ngờ khiến người ta nghi hoặc ở sự sống, và không tránh khỏi những ám ảnh về tai họa rủi ro.

Mới đó mà câu hỏi thăm nhau “Bạn có khỏe không” đã không còn là chuyện khách sáo, hỏi cho có lệ, hỏi vì quen miệng. Khi nghe tin anh bạn đồng nghiệp bị ung thư gan, trong suốt những lần trao đổi công việc qua điện thoại, tôi đã không thể cất lời hỏi anh câu hỏi đó, không thể hỏi anh có khỏe không khi anh đang mang căn bệnh vô phương cứu chữa. Có lẽ chưa đủ thân để hỏi anh đau ra sao, cái chết đã đến gần anh như thế nào, chỉ thấy bùi ngùi khi anh vẫn luôn cười và vẫn nói giỡn, dù giọng nói đã yếu mệt. Anh không nói đến “nó” thì ai nào dám nhắc đến “nó”. Không ai dám “đụng chạm” đến chuyện đó, khi mà ai cũng biết chẳng có phép thần nào xảy ra.

Hãy hỏi thăm nhau khi còn mạnh khỏe, đừng để đến lúc “trời kêu” rồi mới xót xa. Đôi khi chúng ta quên rằng có những điều khi ta nói đến, dù rất hay ho, nhưng đã đến thời điểm không còn giá trị.

2. Trong một thế giới phẳng, như cách nói của Thomas L.Friedman, những kết nối và sự tiếp xúc giữa các cá nhân trở nên dễ dàng và chặt chẽ hơn bao giờ hết. Một số điện thoại, một địa chỉ e-mail, một nickname, một account, một tài khoản... dường như ai cũng có những con số “đại diện” cho mình, giúp mình kết nối và giao tiếp với thế giới. Trong đời sống kinh tế, sự “phẳng” ấy khiến cơ may và rủi ro đổi chỗ cho nhau nhanh nhạy chẳng kém sự lưu chuyển trên mạng. Còn trong đời sống tình cảm, khi công nghệ thông tin phát triển, người ta cũng được lợi và bị thiệt bởi cái ảo nhập nhằng với cái thật.

Chẳng hạn, cái thật là những lời hỏi thăm nhau của cha mẹ, con cái, những trò chuyện thâu đêm suốt sáng của bạn bè dù ta ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, bất cứ đêm hay ngày. Và cái ảo, là đôi khi ta tưởng rằng thế là đủ, ta quên hơi ấm dịu dàng của một bàn tay nắm, quên chiếc khăn mát lạnh mà người thân đắp lên trán ta trong cơn sốt bất ngờ; quên những tiếng khóc, nụ cười, cơn đau thật ngoài đời khi dùng các biểu tượng thay thế... Rồi một ngày, trong điện thoại còn lưu số của một người bạn đã mất, trong Facebook hay trên cửa sổ chat còn nickname của người ấy, khi họ đã về bên kia thế giới, không còn trò chuyện, comment (đưa ra ý kiến, nhận xét) hay reply (trả lời). Nghĩa là cái thật đã mất mà cái ảo vẫn tồn tại, hay nói cách khác: cái ảo đã không cập nhật, không theo kịp cái thực. Những dòng tin nhắn dịch vụ vẫn ân cần và kiên nhẫn nhắc nhở, đại ý: “Hãy giúp anh ấy tìm bạn bè, giới thiệu bạn cho anh ấy”, “Lâu rồi bạn chưa trò chuyện cùng anh ấy, hãy gửi cho anh ấy một tin nhắn”… Sự “vô tư” và tận tâm của những dịch vụ trên mạng như thế khiến bạn ứa nước mắt. Bạn có can đảm “delete” (xóa) đi ngay một con số, một cái tên, khi người sở hữu nó vừa mới ra đi?

Hãy sống thật nhiều hơn, để không phải hối tiếc: lúc nhớ đến nhau thì chỉ còn cái ảo.

Hạ Minh
(thanhnien.com.vn)

(my) home sweet home

;-)

mới sáng sớm nhận được cái message, hơi bị khoái, cười tít mắt...

Đôi lúc...

Bạn phải hát thật to...

Và...

Cười thật nhiều...

Để những người yêu thương bạn...

quan tâm bạn...

hỏi rằng...

"mày bị vậy lâu chưa!?"


 

Xem thêm:

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...