Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2012

Tri âm

sunday, sunday, relax, relax...



"Đoạn trường sổ rút tên ra
Đoạn trường thơ phải đưa mà trả nhau"
(Truyện Kiều - Nguyễn Du)

Đến hôm qua thì Kiều lại muốn giở cái khăn che đàn. Đàn lên một bản cho hả. Nhưng đã trót thề rồi. Rằng từ rày xin chừa không đàn địch gì cả kẻo lại vận vào thân. Đàn bà con gái, chừng này tuổi mà ở một mình thì chỉ nên gõ mõ tụng kinh, mượn nước cành dương tưới xèo cái tâm sự ngùn ngụt lúc đêm về.
- Em đã nói hết nhẽ rồi. Anh đừng đến nữa.
- Thì mình có làm gì đâu. Chơi một ván cờ thôi mà.
- Vợ anh không thích thế đâu.
- Kệ nó chứ. Chính nó xướng lên việc này cơ mà.

Từ ngày Kiều về đây, Kim Trọng đâm ra nghiện cờ. Bảo đấy là thú chơi tinh thần lành mạnh. Hôm nào mà không làm được ván cờ với bà chị vợ, mặt Kim Trọng thẫn thờ thấy rõ. Cô vợ không nói gì. Nhưng mỗi lần Kim Trọng rủ Kiều đánh cờ thì lại có trẻ con chạy sang, chơi loắng quắng bên cạnh.

Gặp lại nhau, Kim Trọng cầm tay Kiều ngậm ngùi: "Khổ tận đến ngày cam lai rồi!". Lúc ấy ngôn ngữ còn cổ lỗ thế. Bây giờ Trọng cập nhật hơn, không dùng Hán ngữ nữa mà trích dẫn Anh, Mỹ, Nhật. Chả gì cũng hơn hai trăm năm rồi. Hai trăm năm ở chung một mái nhà mà chỉ có rủ cố nhân đánh cờ. Hôm qua Thuý Vân sang thăm Kiều, bảo:
- Chị đi mười lăm năm. Thời gian với anh Thúc, anh Từ, chị cũng sướng, trừ ra vị chi còn lại chỉ hơn mười năm khổ. Thế mà chị hưởng thú đánh cờ với chồng tôi hơn hai trăm năm nay. Quá lãi. Chỉ có tôi dạo đó ngu dại...

Con bé kể ra cũng tốt nhịn. Bọn nhân vật thời nay ở hoàn cảnh nó là đã hăm he tạt axít, mèng nhất cũng đâm đơn ra toà rồi. Có đâu lại để chồng với bà chị cờ quạt ung dung trước mũi suốt mấy trăm năm như thế. Nhưng mà sự thể không thay đổi được nữa rồi. Kiều rơm rớm nước mắt:
- Không phải em đâu. Tại chị...

Chuyện này thì Vân không biết thật. Kim Trọng cũng không biết. Mà Kiều thì ngậm đắng nuốt cay, mình làm mình chịu.

Hôm ấy trời dở mưa dở nắng rất khó chịu. Kiều cáo ốm không tiếp khách. Tú Bà vào: "Dậy trang điểm đi con. Khách đang chờ". "Mẹ cáo lỗi giúp con. Con thấy mệt trong người lắm. Cả chàng Thúc hôm nay con cũng có tiếp được đâu". "Đám này không tiếp không được con ạ. Mà mình lại chẳng được xu nào đâu". Mặt mụ Tú đau khổ như người bị mất cắp. Mụ đã chịu thế, hẳn ông khách này có thế lực lắm. Nhưng mà không phải.

Ông khách tới bằng cửa sau. Không lòe loẹt sang trọng, không quan dạng hống hách, lại có vẻ hơi lén lút sợ người ta bắt gặp. Kiều chắc chắn mình chưa gặp ông ta bao giờ, nhưng mới nhìn đã cảm thấy vô cùng thân thuộc. Môi ông ta run lên khi gọi tên Kiều: "Nàng. Nàng Kiều!". Tha thiết như với cố nhân bao lâu không gặp. Lại thương như cha gọi con. Mới gặp lần đầu ở chốn đào lý này mà đã nặng lòng với nhau vậy ư ? Ông khách tiến đến sát Kiều, cái nhìn ấy, hơn hai trăm năm Kiều vẫn chưa quên. Mừng vui, bỡ ngỡ, đau đớn, yêu thương, mà lại cả tôn thờ nữa. Kiều hơi co người lại. Ông khách thu tay về, bối rối: "Ta làm nàng e sợ ư? Đúng rồi. Nàng chưa biết ta. Chưa biết rằng ta gần gũi, thân thiết với nàng hơn cả chính nàng nữa. Hoặc là ngược lại. Ta đến đây chỉ để chiêm ngưỡng nàng thôi. Và chia sẻ với nàng nỗi cô đơn cùng cực. Ta biết nàng đau khổ vô cùng". "Quan nhân là ai mà...?". "Đừng gọi ta như vậy. Nàng có thể tin ta. Ta biết nàng từ buổi nàng khóc lóc bên mộ Đạm Tiên. Ta cũng biết cái đêm nàng xé rào sang nhà Kim Trọng, cái lúc nàng giấu dao trong chéo áo định quyên sinh... Ta luôn ở bên nàng, dù nàng không thấy. Nàng ngồi xuống đi. Thế. Hãy để cho ta được ngắm nàng. Trời ơi, ta đâu ngờ nàng lại đẹp đến nhường này".

Ông khách cúi nâng tà áo lụa của Kiều, ấp vào mặt, hít thật sâu. Khi buông tay ra, mắt ông ta dường như ngấn lệ. Kiều bưng cho ông ta chung trà, ướm hỏi: "Thiếp có thể làm gì mua vui cho chàng? Hay để thiếp soạn đàn, gảy khúc Thanh bình điệu". Ông khách cười, khóe miệng cay đắng: "Nàng vẫn nghĩ ta như những người khách khác ư? Đêm qua, có phải nàng đã làm mấy câu thơ thế này không: Vui là vui gượng kẻo là. Ai tri âm đó mặn mà với ai. Thờ ơ gió trúc mưa mai. Ngẩn ngơ trăm mối, dùi mài một thân... Rồi nàng tính nước gá duyên với Thúc Sinh, phải thế không? Bây giờ nàng đã đủ tin ta hiểu nàng chưa?". "Chàng là ai?" "Đừng hỏi nữa. Nàng hãy đàn cho ta nghe đi. Cung đàn Bạc Mệnh mà nàng phổ lúc còn thơ, ta đã so dây, nắn phím cho nàng đấy. Giờ ta muốn tận tai được nghe".

Chưa bao giờ Kiều đàn như vậy. Đàn từ lúc mặt trời đang nắng vụt tối đen, đàn đến khi trăng lên đỏ như máu. Gió ngừng thở. Tiếng đàn nức vạn lời ai oán. Những đóa trà mi ngoài sân nhất loạt nở bung rồi héo quắt. Ông khách nâng mười ngón tay rớm máu của Kiều, khóc: "Ta đã làm khổ nàng". "Chàng có làm gì đâu!" "Nàng không biết. Nhưng ta biết. Biết rằng nàng đã khổ, mà còn khổ nữa. Ta biết mà không làm gì được". "Chuyện gì sẽ xảy đến với thiếp nữa?" "Nàng sẽ bị lửa ghen đày đọa cho dở sống dở chết. Nàng sẽ phải làm tôi mọi cho người ta. Nàng còn bị đem bán trao tay nhiều nữa. Sẽ bị sỉ nhục, đánh đập, lừa lọc. Và chết thê thảm trên sông. Ta sẽ cho nàng số phận khổ nhục như thế đấy. Mà ta còn yêu nàng hơn chính bản thân ta nữa". Những giọt nước mắt đàn ông xuyên buốt mười ngón tay Kiều. Chàng ơi, tại sao yêu nhau lại phải đầy đoạ nhau dường ấy?

Ông khách đã ở lại suốt đêm. Sau này nhớ lại, Kiều không hiểu sao hồi ấy lại lắm nước mắt thế. Đến gần sáng thì Kiều biết ông khách là ai. Kiều tỉ tê bắt đền: "Thiếu gì nghề mà chàng bắt thiếp làm cái nghề ô nhục này?". "Nàng phải đi đến tận cùng sự sỉ nhục thì mới thấm thía lẽ đời. Ta muốn nàng là biểu tượng của cái Đẹp bị dập vùi. Có thế người ta mới cảm thương, nhắc nhớ tới nàng đời đời".

"Đành là thế. Nhưng chàng để thiếp chết khổ chết sở. Chết là hết rồi, người ta có nhắc thế chứ nhắc nữa thiếp cũng có sống mà nghe được đâu. Hay là mình thay đổi đi?". "Cốt truyện của Thanh Tâm Tài Nhân đã thế rồi. Cô Kiều phải chết". "Kệ ông ấy. Chàng đã tạo ra thiếp thì cũng có thể cứu sống thiếp. Thiếp xin chàng. Chẳng gì thì mình đã biết nhau đêm nay, chàng có thể vì thiếp sửa đi tí tẹo. Cái ông Thanh Tâm ấy chết rồi, chẳng làm gì mình được đâu". Ông khách nhìn Kiều âu yếm: " Vì một đêm nay, ta có thể cho nàng tất cả. Thế nàng muốn kết cục thế nào?". Kiều tính toán: "Thiếp sẽ không chết chứ? Nhảy xuống sông Tiền Đường giữa lúc đêm hôm, nguy hiểm lắm". "Ta sẽ bảo vãi Giác Duyên đợi sẵn ở đấy, tính giờ thật trúng, nàng nhảy xuống là vớt liền. Đảm bảo chỉ hơi bị lạnh tí thôi chứ không chết". "Cho thiếp gặp lại bố me". "Nàng thật là có hiếu. Nàng sẽ được gặp cả song thân. Ta sẽ để hai cụ vừa khoẻ, vừa minh mẫn y như hồi nàng đi". "Thiếp nghề ngỗng chẳng có. Gặp rồi biết lấy gì nuôi các cụ? Chả nhẽ lại hành nghề lại?". "Nàng không phải đi làm. Vất vả chừng ấy năm là đủ rồi. Ta sẽ chọn người chăm sóc cho cả nàng lẫn song thân. Hay là cho Vương Quan em nàng đỗ làm quan nhé. Nàng còn muốn gì nữa không?".

Kiều bẽn lẽn: "Thiếp chỉ còn một ước nguyện. Hồi ấy đã trót thề bồi...". Ông khách chau mày: "Nàng vẫn nặng tình với Kim Trọng thế sao?". "Thì thiếp cũng muốn gặp, xem người ta có còn giữ lời với mình không. Bao nhiêu năm toàn gặp phường lừa đảo, thiếp mất lòng tin...". "Nàng quên là đã lạy lục nhờ Thuý Vân chắp mối tơ thừa hay sao? Từ bấy đến nay, vợ chồng người ta đã mấy mặt con..." Kiều khóc: "Ra là người ta cũng chóng quên nhỉ. Thiếp cực chẳng đã mới nói thế, chứ người ta nào có bị p uổng gì mà nhận lời ngay được. Rõ là lòng dạ đàn ông nhé". "Thôi đừng khóc nữa. Nước mắt nàng làm ta rối cả ruột. Thế bây giờ cho nàng gặp lại Kim Trọng nhé. Vẫn chung tình như xưa nhé. Ta sẽ bảo chính Thuý Vân tự nguyện nhường chồng để nàng khỏi mang tiếng nhé. Rồi thì con đàn cháu lũ, nàng muốn bao nhiêu với Kim Trọng cũng có. Tùy nàng hết đấy".

Kiều băn khoăn: "Thế thì thành ra chị tranh chồng của em à? Thôi thiếp chả làm cái việc thất đức ấy. Thiếp chỉ muốn gặp lại người ta thôi. Miễn là người ta còn yêu thương mình là đủ". "Nàng muốn thế cũng được. Kim Trọng sống với Thuý Vân nhưng trong lòng chỉ có nàng thôi. Gặp nhau xong rồi thì nàng muốn gì nữa?". Kiều ngẫm nghĩ: "Thiếp chán cảnh long đong lắm rồi. Gặp rồi thì ở luôn với nhau cho nó tiện. Chứ ngần này tuổi đầu, lại đi tìm quan hệ khác, chả biết nó ra làm sao".

Ông khách bóp trán: "Kể ra nàng ở với Kim Trọng thì tiện thật. Nhưng mà xoàng lắm. Đàn bà mà chồng con yên ấm là tẻ nhạt ngay, mà nhan sắc thì phai tàn. Nàng đã phi thường như thế, lẽ nào cam chịu một kết cục tầm thường. Lấy chồng, có con thì đần như Thuý Vân cũng làm được... Hay là thế này. Ta sẽ để cho nàng làm bạn tri âm với Kim Trọng. Vẫn yêu nhau, gần bên nhau suốt cuộc đời, nhưng mãi mãi không có được nhau. Những dằn vặt ngọt ngào. Thú đau thương.Thế mới gọi là lãng mạn. Nàng có chịu được thế không?". Kiều quỳ xuống: "Thiếp xin đa tạ tri âm".

Ông khách ra về. Để lại tấm danh thiếp. Họ Nguyễn. Đấy là lần duy nhất hai người gặp nhau. Kiều vĩnh viễn chôn sâu bí mật ấy, sợ ông khách mang tiếng hủ hoá với nhân vật.

Kết cục là Kiều cứ phải đánh cờ mãi với Kim Trọng. Suốt hơn hai thế kỷ, mà sẽ còn đánh nữa. Ông khách mất đã từ lâu. Bây giờ Kiều đành phải sống đời mình đã chọn. Chẳng nì nèo thay đổi gì được. Nhìn sang đời các nhân vật nữ xung quanh mà phát thèm. Chúng nó đi nhảy, đi tắm hơi, hôn hít, làm tình, bồ bịch, đánh ghen loạn xạ, khóc lóc tự tử mùi mẫn. Đã đành là chúng nó chẳng nổi tiếng thục nữ chí cao, nhưng mà giá Kiều có thể chọn lại.

Chuông cửa reo. Kiều thong thả châm điếu thuốc. Chả làm gì mà vội. Còn ai vào đấy nữa. Chắc chắn là Kim Trọng lù khù sang rủ đánh cờ...


(Truyện ngắn của Phạm Hải Anh)


7 nhận xét:

  1. Sao chị k ẩn cái thanh điều khiển trên cho đẹp.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. thanks em, để bữa nào quởn chị sẽ làm, bên trang em còn nhiều thứ để chị học hỏi lắm :)

      Xóa
  2. Xin chào nhá, chúc tối chủ nhật nhìu niềm vui nha

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. chúc bạn Lửa tuần mới nhiều niềm vui luôn... với lại post thêm nhiều bài hay cho X suy ngẫm nha :)

      Xóa

cám ơn bạn đã ghé qua blog này.
sự hiện diện của bạn (ở đây) là niềm vinh hạnh cho (MX) tôi ;))

Xem thêm:

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...