Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2011

Không oán giận

(nhưng buồn tênh, khó ngủ ghê!)

Sách Bảo Huấn, cuốn sách cổ, đã có hơn 2000 năm, dạy chúng ta: Người ta ở đời, đối với loài người mà gặp phải kẻ xử với mình một cách ngang ngược, thì nên coi như đi trong bụi rậm, áo vướng phải gai, chỉ nên thong thả dừng lại, gỡ dần ra mà thôi. Cái gai góc kia, có biết gì là đánh giá ?

Xử được như thế, thì tâm mình không phiền não, mà bao nhiêu nỗi oán hận sẽ tiêu tan ngay. Cổ nhân có câu nói: "Nên coi những sự ngang ngược phạm đến ta như chiếc thuyền không nhỡ đâm phải ta, như con gió dữ nhỡ tạt phải ta, nghĩ cho cùng, có gì mà đáng giận".

Vì nếu ta chỉ một mực thấy cái trái của người, thì ngay như anh em, vợ chồng, con cái, bạn bè, tôi tớ, cho đến con chó con gà trong nhà, chắc cũng có nhiều lúc đáng làm cho ta bực. Nếu việc gì ta cũng dằn lòng suy nghĩ như thế và biết tự chủ, thì sự tức giận, bực bội của ta sẽ giảm rất nhiều.

Tuy Abraham Lincoln sống cách tác giả cuốn Bảo Huấn trên đây hàng ngàn năm, thế nhưng ông cũng có một suy nghĩ hệt như trên. Khi người ta hỏi ông: "Tại sao ông không nổi giận khi người khác nhục mạ ông, chế giễu ông và tìm cách làm ông giảm uy tín ông?" thì Lincoln đã trả lời: "Tất cả hành vi của người đời do tính tình người ta hết; mà tính tình người ta là do yếu tố người ta không làm gì nổi, như hoàn cảnh, bạn bè và cả mớ yếu tố khác, bởi vậy không nên nổi giận trước mặt một người cản đường mình, cũng như trước một cây bị gió trốc gốc nằm giữa đường".

Trang Tử cũng đồng một quan niệm, tuy Trang Tử sống trước công nguyên và Trang Tử cũng có một lối phân tích lý do sự giận dữ một cách sâu xa. Trang Tử đã viết: 

"Một chiếc đò sang sông, có chiếc thuyền không có người từ đâu trôi đến, đâm phải. Người lái đò tuy hẹp bụng đến đâu cũng không thể giận. Nhưng giả sử trên chiếc thuyền có người ngồi, thì người lái đò tất phùng mang, trợn mắt, tru tréo, một lần không nghe tiếng, thì tất tru tréo đến lần thứ hai, lần thứ hai không nghe tiếng, thì tấc tru tréo đến lần thứ ba, thứ bốn. Rồi đến buông lời chửi rủa thậm tệ nữa.
Việc xảy ra giống nhau và như lúc trước thì không giận, nhưng lúc sau lại giận thì cớ làm sao? 
Tại lúc trước chiếc thuyền không có người và lúc sau chiếc thuyền có người. 
Do đó tức giận hay không tức giận đều do ta, chứ không do biến cố xảy ra. 
Người ta mà biết thản nhiên trước mọi biến cố, thì sự ghen ghét tức giận sẽ không còn nữa".

3 nhận xét:

cám ơn bạn đã ghé qua blog này.
sự hiện diện của bạn (ở đây) là niềm vinh hạnh cho (MX) tôi ;))

Xem thêm:

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...